Cảnh ngổn ngang sau khi một số nhà được tháo dỡ
Hai năm người dân đón tết ở nơi ở mới, chúng tôi quay trở lại vùng đất di sản, nơi họ từng gắn bó, trải qua nhiều thế hệ với vô vàn cảm xúc.
Nếu như những năm về trước, hàng trăm hộ dân sống dọc theo khu vực Thượng Thành, Eo Bầu, các tuyến đường Xuân 68, Ông Ích Khiêm vẫn chưa biết đi đâu về đâu khi dự án di dời vẫn nằm trên mặt giấy, thì giờ đây phần đông người dân đã hoàn tất thủ tục, nhận đất ở nơi ở mới, cất xây nhà cửa kiên cố.
Những con hẻm men theo tường thành cổ kính rêu phong dẫn lối lên các ngôi nhà ở Thượng Thành, Eo Bầu… giờ đây đã thành ký ức. Những ngôi nhà lẹp xẹp, tạm bợ đã lần lượt bị tháo dỡ, san ủi. Theo hình thức cuốn chiếu, khi người dân trả đất tới đâu, chính quyền và các tổ chức đoàn thể tổ chức tiếp nhận rồi lần lượt phát dọn, làm sạch và cho rào chắn để quản lý, không để xảy ra tình trạng tái chiếm, hay các vấn đề tệ nạn xã hội.
Những dãy nhà san sát sau khi bị đập bỏ, sản ủi đã trở thành một bình địa bằng phẳng, thoáng tầm nhìn. Tuy nhiên, giữa những bằng phẳng ấy vẫn còn một ngôi nhà vì nhiều lý do đến thời điểm này mới di dời. Có người đến nay mới hoàn tất thủ tục, có người đã dời đi nhưng giờ mới quay trở lại dọn dẹp, trả mặt bằng. “Nhà tôi đã dời ra khu tái định cư Hương Sơ được nửa năm rồi, thế nhưng vẫn còn một số vật dụng đang để tạm ở nhà cũ. Nay phải vào tháo dỡ, di dời để trả lại mặt bằng cho chính quyền trước tết”, một người đàn ông tuổi ngoài 50 từng sống ở trên Thượng Thành, đoạn đường Xuân 68 nói. Quanh đó, vẫn còn một vài hộ dân tranh thủ dọn dẹp, di dời vật dụng về nơi ở mới, để cho xe chuyên dụng đến san ủi.
Vùng đất này gắn liền kỉ niệm với rất nhiều thế hệ. Nếu như ngày chưa di dời, khu phố này giờ có lẽ cũng nhộn nhịp, người tất niên nhà, bà con chuẩn bị mâm cúng xóm. “Nhưng như thế là đủ rồi. Mình phải trả lại đất cho di sản để đi chứ. Mong rằng, một ngày không xa, khi quay trở lại đây, chúng tôi sẽ gặp lại một không gian mới lại, xanh đẹp và trở thành điểm di lịch hấp dẫn”, người đàn ông ấy nói tiếp.
Phương tiện cơ giới dọn dẹp một khu vực trên Thượng Thành sau khi dân dời đi
Dọc theo tuyến đường Xuân 68, Ông Ích Khiêm… hiện còn nhiều điểm trên Thượng Thành và Eo Bầu khá ngổn ngang. Nhiều người dân sau khi dời đi vẫn chưa tháo dỡ hết nhà cửa, vài đoạn cây cỏ mọc um tùm, nhếch nhác. Quanh đó, một số phương tiện cơ giới dọn dẹp, san ủi để khoanh vùng di tích.
UBND TP. Huế cho hay, phấn đấu hoàn thành công tác di dời dân cư, giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 trong năm 2022 để bàn giao quỹ đất cho Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tiến hành trùng tu, bảo tồn di tích. Bên cạnh việc phát huy giá trị di sản của hệ thống di tích Kinh thành Huế, hoạt động này còn đảm bảo cảnh quan, vệ sinh môi trường.
Liên quan đến việc này, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế cũng cho biết đã phối hợp đơn vị tư vấn lập dự án dọn dẹp, vệ sinh và hoàn trả mặt bằng sau khi di dời dân cư, giải phóng mặt bằng Khu vực 1 Kinh thành Huế.
UBND TP. Huế đã có văn bản gởi các cơ quan liên quan lấy ý kiến. Trên cơ sở nội dung tiếp thu và giải trình các ý kiến của các đơn vị, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế đã kết hợp với đơn vị tư vấn hoàn thiện hồ sơ lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Đồng thời, cũng có văn bản gửi Sở Văn hóa và Thể thao về việc tổng hợp nội dung, tham mưu UBND tỉnh có tờ trình gửi Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định dự án dọn dẹp, hoàn trả mặt bằng nhằm bảo quản, phục hồi di tích sau khi di dời dân cư, giải phóng mặt bằng Khu vực 1 Kinh thành Huế.
Trước đó, trong một lần trả lời Thừa Thiên Huế Online, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phan Ngọc Thọ khẳng định, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ là đơn vị quản lý đất đai sau khi giải phóng mặt bằng khu vực 1 Kinh thành Huế theo từng giai đoạn và sẽ có những kế hoạch cụ thể và làm sao để phát huy thật tốt giá trị di sản này.
Theo thống kê, từ năm 2012 - 2018 đã hoàn thành di dời 166 hộ có giá trị bồi thường, hỗ trợ là 125 tỷ đồng. Từ năm 2019 - 2021, đã phê duyệt bồi thường hỗ trợ, tái định cư 3.616 hộ (1.637 hộ chính, 1.979 hộ phụ) với số tiền 1.323,5 tỷ đồng. Riêng năm 2021, UBND TP. Huế đã phê duyệt bồi thường hỗ trợ, tái định cư 1.632 hộ (653 hộ chính, 979 hộ phụ) với số tiền 513,5 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 33,23% so với tổng số vốn được bố trí). Cụ thể, tiến hành phê duyệt giá trị bồi thường, hỗ trợ và tiến hành tái định cư cho các hộ giải tỏa, ổn định, di dời dân cư khu vực Eo Bầu, Hộ Thành Hào, tuyến phòng lộ. Ngoài ra, kiểm kê, lập phương án, phê duyệt đối với các giải tỏa khu vực Hồ Tịnh Tâm, khu vực Trấn Bình Đài. Bên cạnh đó, đã tiến hành phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đối với khu vực đàn Xã Tắc, khu vực tiếp giáp Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh. Số hộ còn lại sẽ tiếp tục bổ sung, phê duyệt trong tháng 1/2022.
|
Bài, ảnh: Nhật Minh