ClockThứ Hai, 09/08/2021 14:45

Đám cưới thời COVID-19

TTH - Trong mùa COVID-19, đa phần các lễ cưới đều được tổ chức tinh gọn theo truyền thống, hạn chế số lượng khách mời và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch.

Dời đám cưới, rút ngắn thời gian tang lễHiếu, hỉ... online

Tổ chức đám cưới trong mùa dịch, các gia đình luôn tuân thủ 5K để đảm bảo an toàn

Vừa cưới vừa lo

Ngày 25/7, đôi bạn trẻ H.Q và X.H (phường Phú Nhuận, TP. Huế) vừa tổ chức thành công tiệc báo hỷ sau nhiều lần phải hoãn do dịch COVID-19. Tiệc cưới được tổ chức gọn nhẹ, đơn giản để đảm bảo an toàn trong mùa dịch. Sau đám cưới, Q. thở phào nhẹ nhõm: “Tổ chức được tiệc cưới trong mùa dịch là một dấu ấn không thể nào quên đối với vợ chồng em. Trước đám cưới vài ngày, em luôn ở trong tình trạng thấp thỏm, hồi hộp. Suốt ngày chờ đợi thông tin mới từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh, lo tình hình “căng” thì lại phải hoãn. Hôm trước ngày cưới, chờ đến tối có thông báo cuối cùng, tụi em mới thở phào nhẹ nhõm để mong chờ đám cưới được diễn ra ấm áp, vui vẻ”.

Dự định tổ chức đám cưới đã lâu nhưng quá trình chuẩn bị, vợ chồng Q. luôn phải thay đổi kế hoạch theo diễn biến dịch bệnh. Lịch tổ chức đám hỏi, đám cưới, chụp ảnh, danh sách khách mời… liên tục thay đổi tùy vào quy định, chủ trương phòng, chống dịch ở từng thời điểm. Lễ cưới truyền thống của Q. được tổ chức từ trước, lúc đó tình hình dịch căng thẳng nên chỉ giới hạn 20 người tham dự. Tiệc cưới dù đã sẵn sàng phải dời lại khi xuất hiện ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.

Lấy vợ trong mùa dịch, Trần Minh Tây, phóng viên VTV8 quyết định hoãn đám cưới, chỉ tổ chức đính hôn và làm thủ tục đăng ký kết hôn. Minh Tây chia sẻ: “Mình đã lên kế hoạch chụp ảnh cưới ở Đà Nẵng, sau đó về Huế tổ chức đính hôn và đám cưới. Thế nhưng, tình hình dịch ở Đà Nẵng diễn biến phức tạp, việc chụp ảnh cưới cũng phải hoãn lại. Tụi mình về Huế, hoàn thành cách ly theo quy định và tổ chức đính hôn. Dù ở Huế vẫn chưa có lệnh cấm tổ chức đám cưới, nhưng thấy tình hình trong cả nước vẫn phức tạp, toàn dân đang gồng mình chống dịch nên mình quyết định chưa tổ chức đám cưới để đảm bảo an toàn”.

Minh Tây và vợ sống, làm việc tại Đà Nẵng, để tổ chức đính hôn ở Huế cũng khá phức tạp và mất thời gian chuẩn bị. Thời điểm đó, vợ chồng Tây đăng ký về Huế qua phần mềm Hue-S, được yêu cầu cách ly tại nhà 14 ngày và xét nghiệm 3 lần theo quy định. Sau 3 lần xét nghiệm âm tính, hoàn thành 14 ngày cách ly, hai vợ chồng được cấp giấy chứng nhận và tổ chức đính hôn. Dù ở Huế tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt nhưng vì sự an toàn chung, lễ đính hôn của vợ chồng Minh Tây chỉ tổ chức gọn gàng, ít người tham dự, chủ yếu là đại diện hai bên gia đình.

Minh Tây bộc bạch: “Hai vợ chồng mình đã trải qua đầy đủ các cung bậc cảm xúc. Vui có, lo lắng có, hạnh phúc có… Tổ chức đính hôn trong mùa dịch, cứ hồi hộp theo dõi tình hình dịch bệnh ở Huế cũng như các địa phương khác và luôn chuẩn bị tinh thần có thể phải hoãn bất cứ lúc nào. Cũng may là mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, giờ mới thở phào nhẹ nhõm”.

Sẵn sàng tâm thế hủy cưới

Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, nhiều bạn trẻ khác lựa chọn hoãn cưới, chờ ngày hết dịch. Dù đã lên lịch cưới vào tháng 6 nhưng Kiều My (Thủy Lương, Hương Thủy) quyết định hoãn cưới. My cho hay: “Dịch bệnh làm đảo lộn mọi kế hoạch của chúng em. Người thân của em ở Sài Gòn, Hà Nội khá nhiều nên khi nào cả nước được đi lại bình thường, em mới cưới”.

Định ngày là 7/5, lễ cưới của Đinh Tuấn (Hương Sơ, TP. Huế) đã sẵn sàng, kể cả gửi thiệp mời gần xa. Nhưng thời điểm đó, dịch bệnh ở Huế diễn biến phức tạp, trước lễ cưới 3 ngày, gia đình Tuấn quyết định hoãn. Tuấn bày tỏ: “Dù đám cưới không thể diễn ra như dự định nhưng chúng em cũng đã chuẩn bị tâm lý khi cưới trong mùa dịch. Em sẽ chờ đến khi dịch được kiểm soát mới tổ chức đám cưới, lúc đó niềm vui mới trọn vẹn”.

Sau khi tình hình dịch bệnh trên địa bàn cơ bản được kiểm soát, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh có chủ trương nới lỏng một số hoạt động từ ngày 11/6, nhiều gia đình đăng ký tổ chức đám cưới. Trong mùa COVID-19, đa phần các gia đình đều tổ chức lễ cưới truyền thống đơn giản, tinh gọn và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch. H.Q cho hay: “Tất cả các lễ hỏi, lễ cưới và cả tiệc cưới, gia đình em đều xin phép chính quyền địa phương, báo cáo số lượng người tham dự. UBND phường cũng hướng dẫn và phổ biến những quy định trong tổ chức hiếu hỷ cho gia đình. Lượng khách mời cũng giảm chỉ giới hạn mời bà con hai họ và bạn bè thân thiết. Những người còn lại, gia đình chỉ báo hỷ”.

Ở các nhà hàng tiệc cưới, các biện pháp phòng, chống dịch được thực hiện nghiêm nhằm đảm bảo an toàn cho mọi người. Ngoài tuân thủ 5K, nhà hàng chỉ nhận tiệc 50% công suất. Khách hàng cũng phải cam đoan khách tham dự phải là người trong tỉnh. Bà Phạm Thị Thanh Lộc, quản lý Trung tâm Tổ chức sự kiện - hội nghị - tiệc cưới Hoàng Gia (đường Tăng Bạt Hổ, TP. Huế) cho hay, tổ chức cưới trong thời điểm này cũng là chuyện “cực chẳng đã” nên lễ cưới cũng không rình rang. Mặc dù 50% công suất của nhà hàng chúng tôi khoảng 350-400 khách, nhưng các gia đình cũng chỉ giới hạn lượng khách mời vừa phải, chủ yếu là trong gia tộc và người thân quen. Chúng tôi thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch trong suốt quá trình tổ chức, như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, các bàn tiệc cách nhau 2m, hạn chế tụ tập đông người…”.

Theo chị Thanh Lộc, tổ chức đám cưới vào mùa dịch, các nhà hàng cũng luôn trong tâm thế bị hủy hoặc dời ngày. Tuy vậy, chúng tôi luôn thông cảm và tạo điều kiện cho khách vì đây là điều không ai mong muốn.

Ngày 30/7, Sở Văn hóa và Thể thao có văn bản đề nghị phòng Văn hóa Thông tin các huyện, thị xã và TP. Huế phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu, chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thường xuyên theo dõi, tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong việc cưới, việc tang theo quy định. Đối với việc cưới, phối hợp với địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tuyên truyền, vận động người dân có hình thức tổ chức phù hợp, nghiên cứu thay thế bằng hình thức báo hỷ.

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Luồng gió mới cho sản phẩm văn hóa bản địa

Thay vì tiêu thụ sản phẩm văn hóa ngoại lai, các trò chơi du nhập từ nước ngoài, thế hệ trẻ Việt Nam đã và đang nhanh chóng bắt nhịp tiến trình sáng tạo sản phẩm lấy cảm hứng từ văn hóa bản địa, tạo nên một cộng đồng giải trí mới, đầy tự hào và hứng khởi.

Luồng gió mới cho sản phẩm văn hóa bản địa
Siết chặt quản lý ca Huế

Cùng với việc đảm bảo đủ số lượng diễn viên, nhạc công, thời gian biểu diễn, thuyền rồng phục vụ biểu diễn ca Huế trên sông Hương phải lắp đặt camera kết nối với cơ quan quản lý. Việc này không chỉ chấn chỉnh mà còn lấy lại giá trị cho ca Huế cũng như thương hiệu văn hóa, du lịch của vùng đất Cố đô.

Siết chặt quản lý ca Huế
Trong nỗi hoài vọng cố hương

Nhà thơ Triệu Nguyên Phong quê ở Triệu Phong, Quảng Trị, nhưng ông sinh ra và lớn lên tại Thừa Thiên Huế. Ông cũng là hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế. Cuối năm 2023, nhà thơ Triệu Nguyên Phong vừa ra mắt độc giả tập thơ thứ bảy của mình “Theo bóng ta về”, do NXB Thuận Hóa ấn hành. Các tập thơ trước đó gồm: “Say đắng” (2005), Nắng và mưa (2006), Ta và bóng (2009), Rơm rạ chiều quê (2011), Ngược dòng trăng (2013), Ta tìm ta giữa đời (2017).

Trong nỗi hoài vọng cố hương

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
  • Tiffany Trang trí tiệc cưới, wedding planner cao cấp
Return to top