Cây vối quê ta cứ tưởng đã mai một, lãng quên vậy mà người làng vẫn thủy chung. Tôi biết hương vị lá vối từ thuở nhỏ, lúc ông bà vẫn còn. Cây vối ít ai chơi kiểng, nhưng vối lại được gắn bó đậm đà với con người. Một thuở ấu thơ, mỗi trưa hè ta thường tha thẩn, đùa vui dưới gốc cây vối già. Cây vối thường mọc ở bờ ao, tán lá xanh rì với dáng nghiêng về phía mặt nước, lá xanh rọi bóng cùng nước xanh. Che mát ngày hạ cho đàn cá nhỏ hội tụ về tung tăng nô đùa.
Bà, mẹ chăm chút nhiều lắm cho ấm nước vối. Mẹ hái lá ủ trong rổ tre đợi chín đều đem phơi khô giòn mới cất đi dùng dần. Lá vối để càng lâu, càng ngon. Nụ vối thì quý hơn. Cuối mùa xuân những chùm hoa vối nở bung phơn phớt trắng. Mẹ hái những nhành nụ hoa vối bụ bẫm nhất. Mẹ phơi phóng cho nắng đượm đều từng nụ, rồi cất trong lọ sành thật kín, tích ủ lại dùng cho cả năm. Khi dùng nắm một vốc nụ vối, gói trong vải thưa uống vào khỏi khan, lại không mất ngủ. Nước vối phải uống nóng mới ngon.
Những buổi trưa oi nồng, nâng bát nước vối đặc sánh, màu vàng nâu đậm, hơi bốc lên thơm. Mấy người bạn của ông đảo qua nhà chơi chuyền tay mời bát nước vối, thong thả nói chuyện nhà, chuyện cửa, chuyện mùa màng. Những buổi trưa bình dị. Những đêm đông gió buốt mẹ rót bát nước vối nóng vào những cái bát sứ “con rồng” viền xanh lam và bưng ra rổ khoai lang luộc bốc khói nghi ngút. Nay tóc mẹ đã bạc trắng mà kỷ niệm xưa vẫn còn nhớ mãi. Có khi thi hứng ông tôi nhấp ngụm nước vối nóng, rồi đọc những dòng thơ hoài cổ, như: Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, một khúc Kiều của Nguyễn Du. Điệu thơ hơi man mác nhưng tiếng ấm lạ làm sao.
Bây giờ hiếm hoi trên các nẻo đường quê, thỉnh thoảng gặp một quán hàng có giỏ ủ nước vối bán cho khách. Thay vào đó là bia, là nước ngọt, nước khoáng, nước suối. Thật, giả lạnh tanh. Lại thèm một bát nước vối nóng được múc từ chiếc gáo dừa. Chất vị đăng đắng ngọt ngọt pha chút ngai ngái để ấm lòng. Và cùng với nước vối nóng thêm một đĩa nhỏ bầy ra mấy chiếc kẹo ú phủ lớp bột trắng đục cắn nhẹ đã thấy thơm thảo mùi đường, mùi gừng, mùi bột hương nếp, thương nhớ làm sao.
Cây vối quê man mác hồn quê. Thương nhớ làm sao.