ClockChủ Nhật, 24/11/2024 14:41

Xa quê nhớ món Huế

TTH - Chúng tôi - những người xa quê, luôn lặng lẽ mang theo hương vị Huế đã khắc sâu tận tâm khảm, để mỗi ngày lại nấu cho gia đình những bữa cơm thân thương, nóng hổi, đậm nồng vị ẩm thực Cố đô.

Nặng lòng với mảnh đất quê hươngTết của những người xa xứ Thương nhớ cá đồng

 

Một điều rất quý của thời buổi hiện đại là việc giao thương hàng hóa đã trở nên rất nhanh và tiện lợi. Điều đó cũng giúp cho các nguồn nguyên liệu thực phẩm có thể “di chuyển” cả ngàn cây số chỉ trong một ngày đêm. Người Huế ở Sài Gòn đông lắm, chúng tôi chỉ cần “lặn ngụp” trên các hội nhóm mạng xã hội một lúc là dễ dàng mua được hải sản, thịt heo, thịt bò, gia cầm, các loại rau củ, bánh trái,... Đã thế, lại còn có thể “kén cá chọn canh” để lựa được thực phẩm đúng vụ mùa như ngoài Huế. Giá cả tất nhiên đắt hơn ở Huế, nhưng lại không đắt khi so với giá các loại thực phẩm khác tại Sài Gòn.

Thật ra, ở Sài Gòn chẳng hề thiếu các hàng quán bán món Huế, nhưng với những người đã sống “thâm căn cố đế” ở Huế rồi mới chuyển đi như gia đình tôi thì rất ít quán đáp ứng được nguyện vọng đúng khẩu vị bản địa. Vả lại, không lẽ một tuần bảy ngày, vợ chồng con cái cứ “hò” nhau ra quán ăn hết sao? Nên mua thực phẩm nấu tại nhà là giải pháp tối ưu đảm bảo các tiêu chuẩn ngon - bổ - rẻ - tiện lợi.

Ngoài thực phẩm mua của người Huế bán, nhiều nhà như gia đình tôi còn có nguồn lương thực không cần “chuyển khoản” mang tên ông bà nội ngoại của con. Cứ hễ tới mùa nào có đồ ngon, ba mẹ hai bên lại í ới gọi điện đòi đóng thùng gửi thức ăn vào cho con cháu. Âu cũng là nếp sống, nếp nghĩ của người Việt mình, tình thương luôn thể hiện qua miếng ăn, món gì ngon, món gì bổ cứ thu vén để dành cho con cháu cả.

Vậy là, tại căn bếp xa xứ, tôi có thể mặc sức thể hiện “tài năng” ẩm thực đã được gọt giũa, rèn luyện từ ba mẹ, những người bà con, chòm xóm dễ mến; được chiêm nghiệm qua vô số lần thưởng thức vị ngon của những quán ăn trứ danh sau mấy chục năm sống ở đất Cố đô. Một gia đình “tha hương lập nghiệp” như chúng tôi đã có thể dễ dàng được ăn nuốc kẹp vả và rau thơm chấm mắm ruốc; nồi canh cá diếc đúng mùa cá căng bụng trứng vàng ươm, béo ngậy; một xoong bánh canh nấm tràm tôm thịt (đúng mùa nấm tràm nở rộ, cho ra vị nhẩn đắng nhưng lẫn cả vị ngọt tự nhiên quý giá); hay nấu một nồi bún bò không thiếu bất cứ một gia vị nào đúng chất Huế…

Nếu người Huế yêu món Huế là điều hiển nhiên, thì ở một số trường hợp khác lại có cả người ở quê khác thèm và nhớ thương món Huế. Chẳng hạn như cô bạn cùng lớp đại học ngày trước của tôi tên Quyên - quê ở Nghệ An, sau bốn năm học đại học ở Huế đã trở thành “fan cứng” của ẩm thực Huế. Từ ngày tốt nghiệp và trở về quê, cứ ít lâu tôi lại nghe cô bạn than thở thèm một chuyến đi Huế để được ăn cho thỏa. Nói là làm, cứ tầm một đến hai năm, cô bạn lại lên một chuyến “xê dịch” vào Huế. Không chỉ đi một mình, cô còn “rù quến” chồng con, anh chị cùng đi theo. Vậy là các loại bún, bánh, ốc Huế… lại xởi lởi “mời gọi” những gia đình “thập phương”.

Cũng như tôi, mặc dù được ăn món Huế do chính tay mình nấu mỗi ngày, nhưng nhiều bận tôi lại nhớ món Huế quay quắt, nhớ đến nao lòng. Phải là bánh lọc trần ở ngã tư đường Đào Tấn - Đặng Huy Trứ, phải là xôi nấm mối Chân Đồi, phải là món gỏi thanh trà chay thanh mát, mọng nước đúng vụ thanh trà thơm hương “ăn ngậm mà the” của làng Thủy Biều cổ kính...

Nhiều bữa ngồi ngẩn ngơ không biết tại sao mình nấu cũng “rất Huế”, nhưng lại không khỏa lấp được nỗi thèm ăn khắc khoải ấy. Rồi chợt vỡ òa nhận ra rằng, vì mình không được ăn giữa đường phố Huế; không được ngồi dưới tán cây xanh mát có những tia nắng vàng chiếu xiên khoai qua kẽ lá; không được nghe “mô tê răng rứa” trìu mến thân thương và không được hít thở linh khí đất trời Thuận Hóa mấy trăm năm tụ về.

Phước Ly
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hình bóng quê nhà

Năm 2005, nhà báo Dương Phước Thu tặng tôi cuốn sách “Qua sông nhìn lại bến bờ” vừa ra mắt. Đây là tập bút ký tư liệu - nghiên cứu lịch sử, khảo lược quá trình hình thành xứ Thuận Hóa, tỉnh Thừa Thiên đến thành phố Huế ngày nay. Lướt qua phần viết về quê mình, tôi gọi điện cho anh, phản ứng vì xưa đến giờ, làng tôi chỉ là một, không có thôn La Chử Thượng, thôn La Chử Trung, thôn La Chử Đông, thôn La Chử Nam, thực chất Thượng, Trung, Đông, Nam là các phường của làng. Vài ngày sau, anh nói tôi tới lấy “vật chứng” với lời phàn nàn: Tức quá, sách mới ra đã có 2 người phàn nàn rằng chưa chính xác! Tài liệu anh đưa là bản sao Quyết định của UBND tỉnh về việc phê chuẩn số thôn, khu vực của các xã, thị trấn thuộc huyện Hương Trà từ tháng 8/2000; căn cứ để anh đưa thông tin vào.

Hình bóng quê nhà
Đem theo quê nhà

Một gốc bầu đã cho trái. Một giàn bí đao vừa ra hoa. Những cành cà chua trĩu quả. Đó là những hình ảnh trên facebook của bạn, với dòng tút mộc mạc “Đem theo quê nhà đến đây”.

Đem theo quê nhà
Vị cá biển quê

Bạn tôi quê ở xã biển Phú Diên (Phú Vang) kể rằng, người dân quê bạn truyền khẩu nhau về Tứ quý ngư của biển là: chim, thu, nhụ, đé vốn là 4 loại cá cực ngon, trữ lượng nhiều, giá trị kinh tế cao của vùng biển Thừa Thiên Huế.

Vị cá biển quê
Khởi nghiệp & thành công ở quê nhà

Từ những phong trào thi đua “thanh niên lập thân, lập nghiệp” đã xuất hiện nhiều tấm gương thanh niên điển hình vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu trên chính đất quê hương mình. Mô hình kinh tế của thanh niên trẻ Hoàng Công Tấn ở thôn Cao Xá, xã Phong Hiền (Phong Điền) là một trong số đó.

Khởi nghiệp  thành công ở quê nhà
Return to top