ClockThứ Ba, 25/05/2021 09:12

Dạy con từ những việc nhỏ

TTH - Nghỉ hè sớm do dịch bệnh, các cơ sở vui chơi, học kỹ năng cũng đóng cửa nên hai đứa trẻ nhà tôi cứ vào ra mãi cũng chán. Tivi, điện thoại bị giới hạn, quanh quẩn mãi trong nhà không có việc gì làm nên tụi nhỏ nảy ra ý định học làm bánh, kem, trân châu... Tôi tất nhiên là khuyến khích bằng việc mua nguyên liệu, còn công thức, cách làm chúng phải tự mày mò, học trên mạng.

Giữ gốcDạy con biết làm việc nhà

Chiều đi làm về, tụi nhỏ tạo sự ngạc nhiên bằng việc nhờ tôi mở tủ lạnh. Một dĩa thạch rau câu được cắt tỉa hình trái tim, hoa lá bắt mắt là thành quả buổi chiều của hai chị em. Chúng hỉ hửng, phấn khích với thành quả của mình lắm. Hôm sau, là những hộp kem plan tròn vị. Hôm sau nữa là trân châu trắng, rồi bánh bông lan... Tủ lạnh nhà tôi vì thế cũng chật hơn bởi những món ăn do các con làm. Cũng nhờ thế tôi ít mua thêm món tráng miệng, ăn vặt từ bên ngoài. Vừa tiết kiệm, vừa an toàn, quan trọng hơn là các con không còn dành quá nhiều thời gian cho các thiết bị điện tử.

Cũng từ khi biết làm các món ăn vặt, các cháu càng ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh, làm đến đâu dọn dẹp sạch sẽ đến đó. Nhất là cu cậu mới học lớp ba, cũng biết phụ chị rửa chén, lau nhà, sơ chế nguyên liệu, những việc mà trước đây nó chưa từng làm qua.

Trao đổi câu chuyện này với hội bạn, họ cũng cho biết, con cái của họ cũng gần y như thế. Ba cô con gái của bạn ở Đà Nẵng cũng bày biện đủ thứ, mỗi ngày mỗi món làm ba mẹ ăn mệt nghỉ. Chị bạn ở Sài Gòn chỉ có cậu con trai học lớp 8 cũng giúp mẹ nấu cơm, nhặt rau, quét nhà. Rồi đứa em có cô con gái mới học lớp một cũng tạp dề các kiểu rửa chén, giã tỏi ớt chừng như chuyên nghiệp lắm...

Thật ra, không phải tự nhiên mà lũ trẻ bỗng chốc trở nên siêng năng và có trách nhiệm với gia đình, với mọi việc xung quanh. Chúng được như thế là nhờ sự giáo dục từ nhỏ. Tôi luôn khuyến khích con làm việc nhà, không phân biệt trai hay gái. Bởi nhà là của chung, ai cũng phải có trách nhiệm giữ gìn, chăm sóc, vun đắp để không gian sống luôn sạch đẹp, ấm cúng.

Trong phân công việc nhà, tôi càng giao việc nặng nhọc cho con trai, dù cháu còn nhỏ tuổi hoặc ít nhất là phân chia đồng đều, chị nấu cơm, em rửa bát, chị quét nhà, em lau nhà... để chúng thấy rằng ba mẹ luôn đối xử công bằng với các con, không thiên vị con trai với con gái. Tôi biết có rất nhiều gia đình, nhất là các thế hệ bà mẹ Huế xưa thường dạy con gái nữ công gia chánh và mặc định đó là việc của đàn bà, con gái. Thành ra, đàn ông con trai ít người làm được việc nhà, nấu nướng giúp mẹ, vợ. Như chị bạn tôi, lúc ở với gia đình chồng mỗi lần thấy chồng giúp chị nấu cơm, thể nào chị cũng bị mẹ chồng mắng. Anh còn vì câu nói “đàn ông mà làm ba cái việc lặt vặt nấu nướng nó nhỏ người đi” của mẹ mà đến giờ đã ngoài 50 tuổi vẫn không thể tự mình nấu được bữa cơm những lúc vợ ốm.

Cũng vì thế mà trước đây vẫn thường có định kiến sẵn cho đàn ông, con trai Huế gia trưởng, không biết làm việc nhà. Tôi tin rằng, những thế hệ sau này đa phần sẽ không còn bị định kiến như thế. Bởi cách dạy con của người trẻ đã thay đổi. Họ quan tâm hơn đến những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống hàng ngày, trong đó kỹ năng làm việc nhà, nội trợ được các bà mẹ khuyến khích, hướng dẫn. Hơn nữa, trong cách chọn bạn trai của các cô gái trẻ hiện nay, những chàng trai ngoài ga-lăng, đẹp trai, tài giỏi nếu biết nấu nướng, làm việc nhà sẽ luôn là ưu tiên số một. Các chàng trai cũng vì thế mà thay đổi để kiếm được bạn gái xinh đẹp, vừa ý. Đó không chỉ là câu chuyện của người Huế mà ở khắp Việt Nam, đâu đâu người ta cũng qúy mến và tôn trọng những người tự lập, có trách nhiệm với gia đình và xã hội.

Hồng Tâm

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xe không chỉ để đi

Nghe chồng bảo sắm ô tô, chị ngơ ngác, mồm mắt tròn xoe, giọng như hụt hơi: “Đi đâu mà mua xe?”. Anh cười, cái đầu húi cua lắc nhẹ, vẻ khó hiểu cùng lời nghi vấn cao ngạo: “Sao hỏi ngớ ngẩn thế?”. Nói rồi, anh đưa mắt nhìn con đường trước nhà, với dãy ô tô nối dài, tít đến đằng xa.

Xe không chỉ để đi
Náo nức ra đồng thu hoạch lúa đêm

Trên những cánh đồng lộng gió mùa hè, một số nơi nông dân tranh thủ gặt lúa, gom lúa, trực canh lúa. Không khí mùa màng khi đêm về náo nức, rộn ràng không kém ban ngày.

Náo nức ra đồng thu hoạch lúa đêm
“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển

TIN MỚI

Return to top