2 giờ trưa, dì gọi facetime, giọng rưng rưng thông báo ông ngoại chắc không qua khỏi. Ông đã ở tuổi thượng thượng thọ lại bị tai biến nên đó là điều đã được các cậu, các dì dự báo khi thấy tình hình ông ngày càng không khả quan. Tôi cũng biết điều đó nên chỉ cố an ủi dì rồi sẽ ổn cả thôi. Nhưng dì vẫn sụt sùi lo sợ không kịp về quê nhìn mặt ông lần cuối. “Dượng (người Huế thường gọi chồng dì, cô là dượng) đang về quê kỵ bà, hai đứa đang thi cuối kỳ, dì làm răng về được”. Dì giải thích lý do chưa thể đáp chuyến bay sớm về Huế thăm ông.
Cũng phải, cơ ngơi mấy cái nhà mặt tiền, con cái không ai lo cơm nước và hơn cả là tiệm vàng có giá trị hàng chục tỷ đồng làm sao có thể giao cho ai nơi đất khách quê người. Thế nên dì chỉ biết chờ và hối dượng vào gấp để dì về Huế. Và hôm sau, dì đã có mặt ở quê, vẫn kịp nói lời vĩnh biệt ông.
Có phần bình tĩnh hơn những dì khác khi ông lìa cõi trần, dì gạt nước mắt để lo hậu sự, đâu ra đó, chu đáo như chính con người của dì
Mấy năm trước, khi về quê mùa hè, thấy ông ở nhà mái tôn thấp nóng, dì đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng sửa sang lại nhà cao rộng, thoáng mát, rồi lắp điều hoà, mua sắm đầy đủ nội thất. Ở quê, đầu tư với số tiền như thế quả là không dễ chút nào. Rồi từ khi mệ mất, dì dù không thể trực tiếp chăm ông nhưng hàng tháng đều gửi tiền cho cậu đủ để ông sống thoải mái lúc về già.
Không chỉ thế, hễ có việc (kỵ, chạp, lễ tế..) ở quê, bao giờ dì cũng đóng luôn phần anh chị em trong nhà. Và bao giờ cũng thế dì luôn dành “tiếng” đó cho anh cả, để cậu khỏi chạnh lòng và nở mày nở mặt với bà con.
Nhà ngoại đã thế, nhà chồng dì càng chu đáo hơn. Từ ba mẹ chồng đến anh em, cháu chắt bên chồng, việc gì cũng đến tay dì và bao giờ cũng trọn vẹn, hoàn hảo.
Như con của tôi, biết cháu bị bệnh chàm cơ địa, điều trị nhiều nơi không khỏi, dì đã tìm thầy, bác sĩ khắp nơi rồi đặt lịch với bác sĩ để chúng tôi đưa con vào khám, dù Huế và Đà Lạt không gần chút nào.
Tôi chưa bao giờ nghe dì than vãn về những khó khăn, bất ổn trong cuộc sống. Bao giờ cũng thế, dì luôn xởi lởi vui vẻ, gặp ai cũng nở nụ cười trên môi. Nhưng tôi biết, đằng sau đó là cả sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ để luôn làm tròn các vai là mẹ, vợ, dâu, dì, cô...
Vào Đà Lạt với hai bàn tay trắng, từng buôn bán ở vỉa hè, chạy ăn từng bữa, ở nhà trọ với muôn vàn khó khăn nên để có thành quả như bây giờ hẳn là dì và dượng đã cố gắng, nỗ lực rất nhiều. Bây giờ tài sản hàng chục thậm chí trăm tỷ đồng nhưng dì, dượng sống rất giản dị. Việc nhà dì quán xuyến, dượng đưa đón con cái đi học. Dì không thuê giúp việc dù thừa sức làm việc đó. Dì bảo: Mình ở quê ra, khó khăn quen rồi, làm chút việc nhà có chi mô, để con cái còn học hỏi, nhìn gương cha mẹ mà cố gắng.
Hơn nữa, mình là người Huế, đi đâu chăng nữa cũng không thể mất gốc. Gái Huế mà không biết nữ công gia chánh người ta cười cho. Đó cũng là cách dì dạy con gái mình. Thế nên, em mới học cấp 2 đã biết giúp mẹ làm những việc nhà cơ bản nhất. Điều mà không phải gia đình nào cũng chú trọng, nhất là khi con cái càng ngày càng ít và điều kiện sống mỗi lúc tốt hơn, việc thuê người giúp việc ngày càng nhiều lựa chọn.
Nhìn cách dì sống, dạy con, tôi biết mình cần làm gì để con cái trở thành những người sống có trách nhiệm.
Linh Đan