ClockThứ Bảy, 03/12/2022 07:30

Để cho Huế có những mùa mai vàng đúng độ…

TTH - Chỉ có một đợt lụt lớn và một vài đợt lạnh thoáng qua, còn thì đến tận đầu tháng 11 âm lịch này, Huế vẫn cơ bản là nắng. Cánh đàn ông, thanh niên cứ may ô quần cộc suốt ngày, các lò nước đá phục vụ cho bia bọt, giải khát vẫn gần như không giảm công suất…

Nắng nóng kéo dài giữa mùa đông khiến mai vàng nở sớm

Mới đầu tháng 11 âm lịch, rất nhiều cây mai vàng ở Huế đã nở tưng bừng

Nắng nhiều, không lạnh khiến cho rất nhiều cây mai của Huế bung nở, bất kể mai vườn hay mai trồng chậu. Các chủ vườn kinh doanh hoa kiểng buồn hiu vì thất thu, và những người còn lại thì cũng chẳng vui vẻ gì. Người thì lo cây mai nhà trồng tết này hóa “vô duyên”; kẻ thở dài tết này chắc chắn mai đắt, muốn chơi cũng khó… Muôn kiểu buồn vui, nhưng tựu trung cũng tại cơn nóng lạnh thất thường của thời tiết, một sự thất thường diễn ra từ nhiều năm nay khiến cả thế giới âu lo chứ không riêng gì Huế mà giới truyền thông vẫn thường đề cập với cụm từ “biến đổi khí hậu” (BĐKH).

Diễn giải thì dài dòng, nhưng có thể hiểu một cách giản đơn mộc mạc nhất, ấy là do đốt than đốt dầu để phát điện, để sản xuất hàng hóa, chạy xe chạy tàu; do con người tham lam “ăn” vào thiên nhiên một cách vô tội vạ; do nạn chặt phá rừng diễn ra một cách triền miên và dữ dội… Những hoạt động đó đã tạo ra khí cacbon dioxit, nitơ oxit, các loại khí thải công nghiệp ra môi trường rất lớn. Những loại khí thải này được gọi là khí nhà kính, chúng bao phủ trái đất, giữ lại nhiệt mặt trời gây ra hiệu ứng nhà kính, làm BĐKH. Chính điều này làm cho trái đất ngày một nóng lên, thiên tai ngày càng dữ dội và nguy hiểm hơn, nước biển dâng nuốt chửng và đe dọa tiếp tục nuốt chửng nhiều hòn đảo, nhiều diện tích đất đai, ruộng đồng, đô thị…Nhiều loài sinh vật bị đe dọa sẽ bị tuyệt diệt, nạn thiếu đói, mất mùa, sự cố y tế - sức khỏe là nguy cơ hiện hữu đã rất gần…

Biết là mối hiểm nguy lớn đe dọa hành tinh chung, cộng đồng thế giới đã có rất nhiều hoạt động, nhiều hội thảo, hội nghị để bảo vệ môi trường. Nhưng tại rất nhiều hội nghị, sự đồng thuận gặp khá nhiều khó khăn, chủ yếu là trách nhiệm chia sẻ của các quốc gia, các nền kinh tế. Trong lúc đó thì tình hình “sức khỏe” của trái đất vẫn đang ngày một xấu đi. May sao, tại Hội nghị cấp cao lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) vừa bế mạc cách đây chưa lâu, các thành viên tham gia đã đạt được thỏa thuận lập một quỹ đền bù cho những nước nghèo chịu tác động của tình trạng BĐKH. Đây là thỏa thuận được đánh giá là mang tính lịch sử, mang tính đột phá về một vấn đề gai góc nhất. Là minh chứng về một quyết tâm hành động nhằm chống BĐKH, bảo vệ hành tinh xanh.

Tham gia COP27, Việt Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực và được cộng đồng quốc tế đánh giá là quốc gia tích cực và có trách nhiệm trong cuộc chiến chống BĐKH. Cũng tại COP27, Việt Nam đã nhấn mạnh sự nỗ lực và khả năng tích cực của mình trong việc thực hiện các cam kết với cộng đồng trong cuộc chiến bảo vệ hành tinh chung. Lẽ dĩ nhiên điều này còn một phần phụ thuộc vào việc thực hiện cam kết của các quốc gia khác cũng như sự hỗ trợ mà Việt Nam nhận được từ cộng đồng quốc tế.

Cơ chế hoạt động của “quỹ đền bù BĐKH”; việc thực hiện cam kết của các quốc gia khác đối với vấn đề BĐKH vẫn đang là một lộ trình và ẩn chứa không ít thách thức. Tuy nhiên, việc tìm được tiếng nói chung tại COP27 vẫn là chỉ dấu rất ấn tượng cho phép nhân loại tin tưởng về một tương lai tươi đẹp hơn cho hành tinh đang cùng chung sống.

Trở lại với Huế, ngay từ rất lâu trước khi có thỏa thuận về “quỹ đền bù BĐKH”, và cho dù các hội nghị về chống BĐKH vẫn tồn tại, tranh cãi bởi những ý kiến khác biệt… thì người dân Huế đã hưởng ứng một cách rất tự nhiên, hào hứng và có trách nhiệm lời kêu gọi của chính quyền qua các phong trào, cuộc vận động: “Nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần”, “Ngày Chủ nhật xanh”, “Thành phố 4 mùa hoa”, “Sắc hồng Cố đô”, “Mai vàng trước ngõ”…Những hoạt động rất dễ thương, rất gần gũi ấy hóa ra lại là những hoạt động rất thiết thực và ý nghĩa với cuộc chiến chống BĐKH chung. Đó là những hoạt động góp phần “giữ thăng bằng” quả đất, và cũng là giúp cho Huế giữ được những mùa mai vàng rộ nở đúng khi xuân đến tết về…

Bài, ảnh: HIỀN AN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhiệt độ “cao bất thường” sẽ kéo dài đến vài tháng đầu năm 2025

Các nhà khoa học từ Cơ quan Giám sát biến đổi khí hậu Copernicus của EU (C3S) ngày 9/12 cho biết nhiệt độ “cao bất thường” dự kiến ​​sẽ kéo dài sang ít nhất vài tháng đầu năm 2025, sau khi năm 2024 được báo cáo là năm ấm nhất thế giới kể từ khi có số liệu thống kê.

Nhiệt độ “cao bất thường” sẽ kéo dài đến vài tháng đầu năm 2025
Hãy dùng hành động để ủng hộ “thỏa thuận xanh” của thế giới

Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) tổ chức tại Baku (Azerbaijan) từ ngày 11 - 22/11 đưa tính cấp thiết của việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu trở lại chương trình nghị sự quốc tế.

Hãy dùng hành động để ủng hộ “thỏa thuận xanh” của thế giới
Return to top