ClockChủ Nhật, 21/04/2019 09:54

Đến trường Hai Bà Trưng xem học sinh làm kinh tế

TTH - Một ngày, ba tôi mang về quyển “Em phải đến Harvard học kinh tế”. Đoạn đó ba có vẻ tâm đắc dữ lắm nên có khi cũng quên con gái mình học gen mẹ, không giỏi tính toán. Vì không phải là sách tủ, nên những gì còn đọng lại trong trí nhớ chỉ là một cuốn không dày lắm, màu xanh lá cây đậm với dòng chữ to, nổi rõ ràng ngay trung tâm bìa sách. Đến giờ gõ tìm lại trên trang mạng mới biết đó là đầu sách của tác giả Harriet Beecher Stowe.

Đồ uống xinh xinh

Ngày ba đem sách về, con gái vẫn còn học lớp 11, 12 gì đó. Hồi còn lui tới hằng ngày ở Trường THPT Hai Bà Trưng, phần lớn học sinh (bao gồm cả tôi) chỉ chơi là giỏi, tính hàm số, tích phân coi như cũng tạm, chứ chẳng nghĩ gì đến việc mở hàng buôn bán. Thời đó hầu hết lứa học trò đều ngây ngô như vậy. Nhưng sau này thì khác hẳn, cũng cỡ tuổi em mình, tức là kém hơn 7 – 8 tuổi, chúng nó hồ hởi kinh doanh trong trường, cạnh tranh lớp này, lớp nọ. Tôi nghe bé em: “À, em kể cho chị nghe...” có vẻ háo hức lắm, làm tôi cũng háo hức theo. Thì ra, chỉ sau chừng gần chục năm, các em khác hẳn.

Ra trường ngấp nghé 6 năm, thông tin về kiểu bán hàng này kỳ thực là những người ngoài trường, nếu vắng những mối quan hệ quen quen, thân thân, thì cũng khó lòng biết được. Thời đại công nghệ lên ngôi, các trang facebook, confession của cá nhân, hay của trường từ đó mà trở thành nơi quảng cáo hữu hiệu. Nở rộ trong tập thể các lớp khối 10 Trường THPT Hai Bà Trưng, dù chỉ mới bắt đầu độ chừng vài bữa, nhưng qua những status, hình ảnh được đăng tải trên mạng, công việc có vẻ tương đối suôn sẻ và thuận lợi. Về ý tưởng, Trần Long (học sinh khối 10) chia sẻ: “Đây là ý tưởng được cô giáo công nghệ đề ra, chúng em thấy thú vị nên tập tành bày ra buôn bán thử. Tổ nào thắng thì mỗi bạn được 1 vé xem phim”. Vì lớp nào cũng có một gian hàng của riêng mình, nên mỗi “quán” lại có một tên và những món ăn riêng nhờ thời gian kinh qua các món ăn vặt, ăn no ngon, bổ rẻ cũng gọi là tương đối. Ngoài những thức uống đang “mốt” thay trà sữa như nước ép trái cây các loại: cam, chanh, cóc, mận, mỗi lớp lại tạo nên “tên tuổi” với bánh tráng trộn, bắp xào, bánh su, hay macaron – thứ bánh tạm gọi là sang hơn khi thường được kết hợp với trà tây.

Macaron học đường

Kinh doanh chủ yếu trong mô hình trường học, lại cho lứa học sinh là chính nên giá cả tương đối phải chăng, từ 13.000 – 40.000 đồng cho một bữa ăn sáng no nê với hamburger, hay ăn chiều đủ loại cóc, xoài, ổi, bánh trái. Bé em ở nhà và chúng bạn thấy hậu bối kinh doanh nom có vẻ thích thú, nên thường lui tới đặt mua. Thế là vừa được ship tận cửa lớp như các dịch vụ đặt hàng thường thấy, song lại không phải tốn phí ship. Với những thực khách ngoài trường, phí vận chuyển cũng chỉ khoảng 2.000 đồng/lượt.

Khác với những hình thức kinh doanh của người lớn, các cô, cậu chủ trẻ chỉ nhận ship ca sáng từ 6h – 6h45, tức trước giờ vào học, chiều thì thoải mái hơn khi các tiết học chính đều đã dồn vào buổi sáng. Khi được hỏi về cách ship, Hằng – một trong số mấy chục “ông/bà chủ đồng chức” cho biết: “Bình thường tụi em sẽ phân công nhau làm, nếu bận học thì sẽ nhờ bạn khác, hoặc đành hủy đơn, chứ không thể ưu tiên kinh doanh hơn học hành được”. Bên cạnh những lời chia sẻ thật thà, các em cũng khéo nói dữ lắm. Dù chỉ mới lượn một vòng và thăm hỏi có vài câu, mấy đứa đã nằng nặc “dụ kèo” anh, chị khách lớn bằng việc “bên em bán hamburger là ngon nhất, chạy nhất nè chị, bánh macaron thì khỏi bàn. Đội ship hàng tuyển toàn trai xinh, gái đẹp không đó chị”.

Vầy mới vui

Là khách hàng, Hoàng Nguyên, Khánh Linh, An Bình (học sinh lớp 11A7) trong lúc chụm đầu với đám bạn quanh rổ hàng ăn vặt tỏ ra sành sỏi dữ lắm khi nhận xét xoài ngon, bánh ngon, nước cũng được, nhưng ly ngọt, ly nhạt. Thế mà cuối cũng vẫn tặc lưỡi vì rõ “tụi nó chỉ tay ngang mà vẽ!”.

Tôi không chắc công việc kinh doanh này có kéo dài lâu hay không, các em cũng vậy, do những kế hoạch đưa ra đều là ngắn hạn và theo sở thích. Song từ những bài đăng về doanh thu lên đến 300.000 – 500.000 đồng/ngày và đơn đặt hàng nặng trịch với 650 cái macaron; 1,5kg kẹo mini các loại, có lẽ công việc sẽ còn tiếp tục đến khi nào mấy đứa đủ tiền lời cho một bữa khao to với chúng bạn, hay đến gần kỳ thi sẽ dừng chẳng hạn.

Sau những đơn hàng được chốt, Long còn “bồi thêm”: Tụi em có chương trình mua 5 tặng 1, có combo giảm giá, ba mẹ cũng ủng hộ, còn cho sáng kiến và bày cách làm nữa. Chị yên tâm đi, hàng tụi em toàn chất lượng. Ừ, thì yên tâm nên chắc thôi không cần đến Harvard nữa, đến Hai Bà Trưng xem làm kinh tế để được vui, chắc cũng ổn!

Bài: HẠ AN - Ảnh: AB

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trò đến lớp, thầy vui!

Bên cạnh dạy học, thầy cô giáo ở vùng cao A Lưới còn phụ trách thêm công tác vận động học sinh đến trường. Thấy học sinh nghỉ học dài ngày, có nguy cơ bỏ học, sau giờ dạy, giáo viên lại tìm đến nhà tìm hiểu, động viên, nhắc nhở. Niềm vui giản dị của các nhà giáo nơi đây là được thấy học sinh trở lại trường.

Trò đến lớp, thầy vui
Hơn 16.000 bài dự thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024

Được phát động từ tháng 4 đến nay, cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024 thu hút 16.358 bài dự thi đến từ 120 trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh tham gia.

Hơn 16 000 bài dự thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024
Return to top