Là phái yếu, tôi hiểu rõ thời con gái, rồi lớn lên thành thiếu nữ, phụ nữ, mong muốn về nhu cầu của một tủ giày thật to với đầy đủ kiểu dáng cứ thường trực mãi. Điều này được nhìn thấy rõ nhất với những người ở gần mình, khi kệ giày đã bắt đầu “đông”, nhưng lâu lâu mẹ vẫn “đặt ship” thêm vài ba đôi nữa. Rồi nút thông báo trên trang mạng cá nhân cứ nhảy ting ting hoài do lũ bạn điệu đà vẫn thường nhờ tư vấn, rồi rủ nhau chọn em này, lấy em kia để phối vừa với cái váy hồng, áo đen đính đá lồng lộn. Rồi nữa, bé em ở nhà, và cả chính mình vẫn thường rối rít kiểu “ui cha đã chưa nì” trước mấy video bài đăng của Ngọc Trinh, Thanh Hằng về tủ giày hàng hiệu trăm đôi của họ.
Kể là vậy, ý là để nhắc tận sâu trong tiềm thức, mưu cầu làm đẹp vẫn ở đó mãi thôi. Nhưng đối với một số người, chắc bởi một, hoặc nhiều lý do nào đó, cái gì cũng chỉ một là đủ. Cái “chỉ một” này đôi lúc không được định nghĩa theo kiểu các bố, rằng chỉ cần 1 cái, nhưng phải đầu tư hàng tốt nhất, xịn nhất để mang được lâu dài. Với một số người ở phái yếu hơn. Ý một, tức chỉ cần một, rồi họ sẽ giữ gìn chúng đến tận cùng. Chỉ đơn giản là vậy mà không theo kèm bất kỳ yêu cầu nào khác.
Tôi nghe câu chuyện về đôi giày của mẹ cậu bạn cũng lâu lắm rồi. Mấy lần đến chơi cũng được kịp diện kiến. Đã hơn 1 lần, dì bảo: “Dì mua được đôi ni bền lắm nghe con. Có 5 nghìn, ông nớ đổ ra nơi cái bạt bơ mình lựa. Mang hoài mà hắn không đứt. Đỡ tốn ghê!”.
Những lúc như vậy, tôi chẳng mảy may suy nghĩ về việc đánh giá vẻ đẹp và chất lượng dựa trên giá tiền, bởi đó hẳn là 1 điều lố bịch. Đoạn ấy, tôi chỉ thấy vừa vui vừa thương. Bởi lẽ nếu ở một thân phận khác, đỡ khổ hơn bây giờ và có thể có nhiều hơn những cơ hội nhón gót chân cao lên 1 chút trong các trang phục mỹ miều, có lẽ dì đã có nhiều hơn 1 đôi giày, mặc 5 nghìn, hay 10 nghìn. Có thể đắt hơn, hoặc rẻ hơn nữa.
Mẹ của bạn tôi không làm bàn giấy. Từ hồi trẻ đã gánh trên vai nồi bún to hự phía trước và cả gánh hàng đằng sau để lo lắng cho cả nhà. Theo lời của anh bạn, chân mẹ to lắm. Không hẳn là to vì cái tạng, mà vì mấy vết chai hắn sần lên. Nhưng mẹ không cắt, bởi đi bộ nhiều, nhờ mấy vết chai cà vào thành dép, chân sẽ đỡ đau hơn là ma sát giữa cao su nhựa và lớp da mềm còn mới. Tôi may mắn không có vết chai nào, nên không rõ về “cái lợi” này. Bởi vậy, khi biết về mấy mảng chai, kỳ thực là bây giờ vẫn còn phân vân, rằng hẳn sau mấy năm kể từ ngày tìm ra đôi giày ưng ý, với tần suất gánh hàng mỗi ngày, đôi giày ấy có còn vừa với dì không. Lâu rồi cũng không có dịp hỏi, cũng chẳng có dịp nào đi cùng với nhau, nên tôi vẫn chưa tự mình kiểm chứng được. Hình như, đôi giày vẫn ở đó. Trong lớp túi bóng hồng để ngay ngắn dưới chiếc bàn chân thấp ở góc nhà. Có lẽ, là vẫn còn vừa, có thể không. Hay nhiều lúc, gắng sức để từ không thành vừa cũng đặng.
Trong mạch truyện của bạn, tôi không thấy tông giọng chùng xuống, nhưng hơi chậm lại vì mẹ chẳng có nhiều dịp để diện đồ đẹp lên người. Đôi giày 5 nghìn bởi vậy mà cũng nằm yên hơi lâu một chút. Thói tằn tiện, chắt góp ăn sâu cả vào những hành động thường ngày, khi “mẹ chỉ vào quán, đợi mình ăn xong tô bánh canh rồi về, bảo ăn ngoài sẽ thành thói. Sự tằn tiện như hồi nhà còn quá nghèo khổ. Dù lúc này mình đã có thể mua cho mẹ cả nồi luôn cũng được”. Sau mấy câu tường thuật, cậu bạn cứ “ui cha ơi” phải đến mấy lần. Tôi không xót gì hết. Chỉ thấy thương, những tiết kiệm và những mảng chai lúc đó làm đôi giày 5 nghìn đắt giá hơn hẳn, mà có lẽ Ngọc Trinh hay Thanh Hằng sẽ khó mua được...!
Hạ An