Trao sữa và quà của các mẹ cho bé Nguyễn Văn T. ở Hương Trà
Tình người bao la
Mẹ Gạo qua đời tháng 6/2019 lúc hạ sinh em. Nhờ một người quen, mẹ Lê Thị Hiền, thành viên Hội Hiến tặng sữa mẹ tại Huế (HHTSMTH) đã tiếp cận, hướng dẫn và tìm các mẹ đang cho con bú để nhờ hỗ trợ sữa cho bé. “Ban đầu phải chạy ra tận Hải Quế, Hải Lăng, Quảng Trị để lấy sữa, vất vả lắm! Vừa lo công việc cơ quan mình vừa tranh thủ xin sữa cho bé đảm bảo nguồn dinh dưỡng thời kỳ đầu. Sau khi kết nối được nhóm công nhân Công ty SCAVI, hướng dẫn các mẹ hút sữa, trữ sữa cho Gạo thì nguồn sữa cho bé ổn định hơn”, chị Hiền kể. Nhớ về chặng đường gà trống nuôi con gian nan, anh H. cho hay: “Sau này Gạo lớn lên, tui sẽ kể cho con nghe câu chuyện về tình người bao la của các bà mẹ”.
Trường hợp bé Nguyễn Văn T., hơn 6 tháng tuổi, ở Hương Văn (TX. Hương Trà) là một câu chuyện thương tâm khác. Lọt lòng, mẹ lìa xa, ba phải ra Vinh làm thuê, bà nội 82 tuổi nuôi cháu ở tuổi gần đất xa trời. Ba T. là anh Nguyễn Văn Th. được một giám đốc giới thiệu về HHTSMTH nên đã nhờ người đăng thông tin. “Admin” Hoài Anh kết nối huy động sữa của một số mẹ giúp bé từ đó đến nay, chị còn kêu gọi hỗ trợ máy hâm sữa, bỉm, áo quần… cho T.
Trần nhà nơi cậu bé đáng thương ăn, bú, ngủ… che bằng những tấm giấy các tông có gắn chiếc quạt nhỏ chạy liên tục chống nóng. Thấy chúng tôi, T. cứ nhào ra khỏi tay nội đòi bồng. Gương mặt buồn rười rượi, T. nép đầu vào ngực tôi, hai bàn tay bé xíu bíu chặt vai người phụ nữ lạ tựa như muốn ôm ấp lấy hơi mẹ. Những thành viên đi cùng ra thăm bé nhìn cảnh ấy không giấu được xót xa.
Bà Thẩm Thị L., mệ nội bé mới phẫu thuật về nên vừa nói vừa thở ra chừng mệt nhọc: “Trộm vía thằng cu ngoan mấy o ơi! Cháu tăng cân đều, mới đi tiêm phòng về mà không quấy khóc chi hết. May nhờ mấy mẹ chơ tui không biết mần răng mà nuôi cháu. Chừ gắng cho qua ngày đoạn tháng, được khúc mô, mừng khúc nấy”. Vừa dứt lời, nước mắt bà lăn ra từ khóe mắt đồi mồi khô khốc, hai cánh tay gầy khẳng khiu nựng nựng cháu dỗ dành giọng nghẹn lại: “Ngoan, ngoan mệ thương nghe con”!!!
Mẹ Hải với thùng sữa mẹ và quà của Hội gửi
Hẳn nhiều người không quên trường hợp một bé gái bị bỏ rơi ở xã Hồng Kim (A Lưới) được chị Lê Thị Hải, cấp dưỡng một trường mầm non ở A Lưới nhận nuôi. Mẹ Bùi Quyên, mẹ Bảo Khánh cùng một số mẹ đã kêu gọi hỗ trợ đồ sơ sinh, tiền mặt và chuyển 5 đợt sữa mẹ lên cho bé, mỗi đợt khoảng 70 túi.
Ngoài hỗ trợ kiến thức nuôi con bằng sữa mẹ, giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn, thậm chí một số bà mẹ trẻ lầm lỡ cũng được các thành viên hội tích cực song hành. Tháng 8/2018, trên diễn đàn xuất hiện bản tin kêu gọi giúp một bà mẹ gần đến ngày sinh nhưng bị ngã, không có tiền khám bệnh, chế độ ăn không đảm bảo… Vậy là các mẹ quyên góp kinh phí, nhờ bạn bè người quen đưa bà mẹ nghèo đi khám, hỗ trợ chị sinh thường tại cơ sở y tế, vận động giữ bé lại nuôi. Đến nay, chị vẫn đi làm thuê cùng nhà ngoại nuôi con ở bờ Bắc sông Hương (TP. Huế).
Một “admin” cho hay, chị đã cùng một số mẹ giúp các trường hợp lầm lỡ làm thủ tục nhập viện, sinh con an toàn, kết nối gia đình nhận nuôi bé khi chào đời. “Mọi người gom đồ sơ sinh được tặng và thay phiên nhau sát cánh cùng mẹ như người thân vì giai đoạn vượt cạn cực kỳ khó khăn. Sau này mình tình cờ gặp lại một sinh viên trong số đó trên đường đi công tác, cô ấy chủ động bắt chuyện, tâm sự rằng đã tìm được người thương yêu thực sự và chuẩn bị có con. Các chị đã cho em một cuộc đời mới, nếu không em sẽ không biết mình đi về đâu trong cảnh bụng mang dạ chửa bị người đời chê bai, cô ấy kể và mình cũng rất mừng. Cùng cảnh làm mẹ nên thấu hiểu và chia sẻ, chỉ mong mẹ và bé an toàn là tụi mình vui lắm rồi”, “admin” này cho hay.
Ước mong ngân hàng sữa mẹ
Với mục tiêu chính là chung tay hỗ trợ các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ, HHTSMTH phối hợp cũng các cá nhân, nhóm tổ chức buổi “offline” (ngoại tuyến) mời các bác sĩ, chuyên gia tư vấn chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về chế độ dinh dưỡng, xử trí tắc sữa, cương sữa sinh lý…
Tuy nhiên, để việc hiến tặng sữa mẹ được cộng đồng thừa nhận và được tạo điều kiện thuận lợi cần có một ngân hàng sữa mẹ (NHSM) như ở Bệnh viện Sản nhi Đà Nẵng hoặc bệnh viện Từ Dũ TP. Hồ Chí Minh. Mẹ Mabu Lê, thành viên của Hội chia sẻ: “Khi sinh con, sữa chưa về, em muốn xin sữa mẹ để bé tráng ruột nhưng không biết làm cách nào. Giá mà bệnh viện ở đây có NHSM thì hay biết mấy”!
Theo nhóm quản trị trang, thời gian đầu, một số mẹ ngoài kiểm tra các thông số về sức khỏe (không nhiễm các bệnh lây qua sữa mẹ như HIV, viêm gan B, C, không dùng các thuốc chống chỉ định trong thời gian cho con bú…) các mẹ rất muốn được xét nghiệm sữa nên có nguyện vọng gửi mẫu sữa vào Đà Nẵng nhưng việc này không hề đơn giản và phải theo quy trình từ đầu. Chị Hồ Hương bày tỏ: “Rất mong các đơn vị y tế ở Huế xây dựng ngân hàng sữa mẹ để các mẹ đảm bảo sức khỏe, dư sữa có thể hiến tặng nguồn sữa giúp trẻ sơ sinh. Khi có ngân hàng sữa mẹ, việc hiến tặng sữa được ghi nhận một cách chính thống”!
Theo một chuyên gia thuộc tổ chức phi chính phủ từng tham gia vận động quá trình thành lập NHSM tại Bệnh viện Sản nhi Đà Nẵng và Bệnh viện Từ Dũ TP. Hồ Chí Minh, thời gian để hoàn tất thủ tục và ra mắt NHSM mất chừng 18 tháng. Trẻ được dùng sữa của NHSM khi không có sữa mẹ ruột giúp giảm bệnh tật, giảm tử vong, giảm thời gian nằm viện. Việc thực hành nuôi con bằng sữa mẹ nói chung trong bệnh viện và cả trong cộng đồng sẽ phát triển. Muốn được như vậy, đơn vị y tế cần một khoảng kinh phí xấp xỉ 5 tỷ đồng, mặt bằng khoảng 100m2 cộng thêm nhiều yêu tố phụ trợ nữa, việc thành lập còn tùy thuộc vào quyết tâm của lãnh đạo các bệnh viện, vị này nói.
Bài, ảnh: T.Ninh – A.Quỳnh
Mời bạn đọc xem thêm phóng sự truyền hình “Dòng sữa yêu thương” trên Báo Thừa Thiên Huế Online!