Thứ Bảy, 19/09/2020 15:48
(GMT+7)
Già không chết, trẻ lại chết
TTH.VN - Đó là khái quát thiệt hại cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế qua cơn bão số 5 ngày 18/9/2020.
Cây Phượng đỏ trước Phu Văn Lâu bị bật gốc
Tôi đã khảo sát rất nhiều tuyến đường ở thành phố Huế và một số trung tâm thị tứ thấy lượng cây xanh bị bật gốc, gãy ngang thân, gãy cành rất lớn; nhưng hầu hết là các cây trẻ có tuổi từ 20 năm trở lại, chủ yếu là cây phượng hoa vàng, bằng lăng có bộ rễ rất nông. Khi cây bật gốc ta dễ dàng thấy chúng hầu như không có rễ cọc; rễ chùm cũng rất ít không đủ để giữ cây đứng vững khi nền đất ướt nhão do mưa hoặc khi gặp gió mạnh.
Một nghịch lý là tuy cây đổ, gãy rất nhiều nhưng các nhóm cây được trồng từ thời Pháp thuộc hoặc trước những năm 1980 như long não, me tây (điệp), muối, long nhãn... có tuổi đời gần 100 năm lại không hề hấn gì, vẫn đứng vững “trơ gan cùng tuế nguyệt”, thách thức gió bão.
Điều đó đặt ra vấn đề rất cấp thiết trong thiết kế chủng loại và kỹ thuật trồng cây xanh đô thị hiện nay. Nếu cứ như lối trồng như khoảng 20 năm nay: ươm cây lớn, chặt cành, chặt cụt rễ, rồi bứng gốc đem trồng thì tuy cây cũng cho lá cho hoa nhưng rễ cây sẽ không phát triển là bao. Sức chống chịu của cây trẻ rồi sẽ yếu kém, không so được với những cây cổ thụ có tuổi đáng bằng “cụ” bằng “ông” vốn được trồng theo kỹ thuật truyền thống xưa cũ.
Nhìn hàng cây long não, me tây trên đường Lê Lợi, đường Phan Đình Phùng xanh ngắt vững vàng qua dông bão, trong lòng thấy nhẹ nhõm mừng vui; nhưng lại thấy buồn vì đã gần 100 năm sau mà con cháu không bằng được như các cụ ngày xưa, ít nhất là trong việc trồng cây xanh chịu bão.
Bài và ảnh: Nguyễn Đính