Tiểu phẩm truyền thông giảm sự phân biệt kỳ thị người nhiễm "H" tại xã Vinh Thanh (Phú Vang)
Trò chuyện với anh L.V.A, thị xã Hương Trà, một trường hợp nhiễm "H". Bệnh "H" vướng vào anh từ năm 2001, sau những ngày làm ăn ở TP. Hồ Chí Minh. Khi biết mình nhiễm "H", nỗi đau thể xác và sự xa lánh của người thân, xóm làng khiến anh A. suy sụp. Những ngày sau đó là khoảng thời gian anh sống trong u tối, bế tắc, mất phương hướng.
Anh A. nhớ rõ cảm giác lần đầu trở về nhà, người thân trong gia đình ngại không ăn cơm chung. Mấy đứa cháu nhìn anh sợ hãi. Anh chia sẻ, đối mặt với sự kỳ thị quá nghiệt ngã, như từng nhát dao cứa vào tim gan... Song anh đã may mắn bởi bên cạnh còn nhận được sự cảm thông, chia sẻ của bố mẹ và một số cán bộ của Khoa PC HIV/AIDS, TTKSBT tỉnh, tổ chức từ thiện tôn giáo tư vấn, tiếp cận chương trình điều trị thuốc kháng vi rút (ARV) miễn phí của tỉnh. Từ khi được điều trị theo phác đồ của bác sĩ, anh thấy khoẻ hơn. Sự mặc cảm và nỗi e ngại sợ mọi người xa lánh, kỳ thị mất dần, anh sống vui vẻ, trở lại công việc ruộng vườn. Hiện nay, anh lập gia đình với một người cùng cảnh ngộ.
Cũng như anh A, chị P.T.Đ. ở xã P., huyện Phong Điền, cũng mặc cảm với chính mình khi nghe tin bị nhiễm HIV từ chồng. Thời gian đầu chị suy sụp bao nhiêu, thì nay chị đã sống vui, khỏe bấy nhiêu. “Lúc đầu mình không dám đi đâu, cứ ở trong nhà vì bà con chòm xóm rất sợ lây bệnh "H" khi đến gần. Tôi từng chứng kiến họ khinh dễ dè bỉu trường hợp như mình nên rất tủi nhục. Được cán bộ y tế và đoàn thể địa phương giúp đỡ, tư vấn, bây giờ mình uống thuốc điều độ, cơ thể cũng khỏe hơn rất nhiều”- chị Đ. tâm sự.
Hiện nay, chị Đ. không còn mặc cảm với bản thân, cộng đồng. Bà con chòm xóm xem chị như người bình thường, hay lui tới nhà chơi, trao đổi chuyện vay vốn các hội đoàn để phát triển kinh tế gia đình. Điều hạnh phúc hơn, do dự phòng y tế kỹ lưỡng, nên cháu bé thứ hai của vợ chồng chị Đ. đã chào đời mà không bị nhiễm "H".
Trong những chuyến đồng hành với cán bộ Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh (nay là Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (TTKSBT) tỉnh) chúng tôi được chia sẻ, chuyện kỳ thị, phân biệt đối xử là nguyên nhân làm hạn chế những người có hành vi nguy cơ cao và người nhiễm "H" tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị. Nếu người nhiễm "H" không điều trị hoặc điều trị muộn khi hệ miễn dịch suy giảm sẽ là nguồn lây hết sức nguy hiểm, thậm chí là "H" đã kháng thuốc. Kỳ thị, phân biệt đối xử còn là rào cản đối với việc hưởng đầy đủ các quyền của người nhiễm "H", như học tập, lao động và sinh hoạt như những người khác.
Kể từ năm 1993, ở Thừa Thiên Huế nhận tin 7 người bắt buộc xét nghiệm phát hiện có nhiễm vi rút "H", đến nay, công tác phòng ngừa bệnh "H" luôn xác định là một "cuộc chiến" vừa cấp bách và lâu dài; trong đó việc kỳ thị, phân biệt đối xử được lưu tâm. Hàng năm ngành y tế phối hợp ban, ngành, đoàn thể địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông với nhiều hình thức, nhằm giúp cho người dân hiểu khả năng lây truyền của "H", nhất là làm rõ "H" không lây truyền qua các đường tiếp xúc thông thường như bắt tay, nói chuyện, ăn chung, sinh hoạt thông thường trong gia đình và xã hội hàng ngày...
Trong lần gặp trò chuyện với bác sĩ Trần Thị Ngọc, Phó Giám đốc TTKSBT tỉnh, tôi nhận thông tin vui về tình trạng phân biệt, kỳ thị của người nhiễm "H" đã chuyển biến tốt. Thế nhưng, bác sĩ Ngọc thừa nhận, dù không còn nặng nề như trước nhưng đâu đó trong cộng đồng vẫn còn sự kỳ thị với người có "H". Đây là điều mà bác sĩ Ngọc và các đồng nghiệp tiếp tục "cuộc chiến" phòng, chống HIV/AIDS lưu tâm.
Hiện, trên địa bàn tỉnh có hơn 315 người nhiễm HIV còn sống; trong đó, có 296 người ở Thừa Thiên Huế; 7 trường hợp ngoại tỉnh và 19 trường hợp là phạm nhân ở Trạm giam Bình Điền. Gần 100% người nhiễm "H" có thẻ BHYT và được điều trị ARV.
Minh Trường