ClockThứ Sáu, 15/03/2024 15:18

Giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm bền vững

TTH.VN - Ngày 15/3, UBND tỉnh phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Việc làm, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước, thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), cùng các sở, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp... liên quan trên địa bàn tổ chức hội nghị "Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và giải quyết việc làm bền vững".

Tập trung cho thị trường lao động và giáo dục nghề nghiệp để giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hộiMột nghề cho chín...Đào tạo lao động theo xu hướng phát triển mớiGiảm nghèo bền vững từ chính sách việc làm

Tham dự hội nghị, về phía Bộ LĐTB&XH có các ông: Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm; Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; đại diện lãnh đạo Trung tâm Lao động ngoài nước, Trung tâm dịch vụ Quốc gia về việc làm; về phía tỉnh, có ông Nguyễn Quang Tuấn, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; cùng đại diện 4 tỉnh lân cận, các sở, ban, ngành, doanh nghiệp tại địa phương.

 Đào tạo nghề phải thực chất và gắn với giải quyết việc làm bền vững cho người lao động

Đào tạo nghề phải gắn với tạo việc làm

Lực lượng lao động của Thừa Thiên Huế đến thời điểm hiện nay là 615.143 người. Những năm qua, công tác giải quyết việc làm và đào tạo nhân lực nói chung, đào tạo nghề nói riêng để cung ứng lao động đã có những chuyển biến rõ nét và mang tính đột phá. Hằng năm, tỉnh giải quyết việc làm cho từ 15.000 - 17.000 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2023 đạt 70,25%. Song, kết quả này vẫn chưa được như kỳ vọng, chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế.

Năm 2023, Thừa Thiên Huế giải quyết việc làm cho hơn 17.000 lao động. Nhưng nghịch lý là doanh nghiệp trên địa bàn vẫn chưa tìm đủ và giữ chân được người lao động ở các vị trí cần tuyển và có lúc phải đào tạo lại lao động sau khi tuyển dụng. Đây cũng là vấn đề đặt ra cho địa phương, các ban, ngành, cơ quan quản lý, cơ sở GDNN và doanh nghiệp để cùng nhau vạch ra một chiến lược phát triển hợp lý, đáp ứng xu hướng thị trường.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng, để Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, một trong những tiền đề quan trọng là phải đào tạo nguồn nhân lực, nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và phát triển kinh tế - xã hội. Ông Nguyễn Thanh Bình mong muốn tại hội nghị nhận được nhiều trao đổi, thảo luận của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp để đề ra các giải pháp nhằm định hướng về phát triển GDNN và giải quyết việc làm trong tình hình mới, góp phần nâng cao chất lượng lao động, đáp ứng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao hướng đến tạo việc làm bền vững cho người lao động. 

Tại hội nghị, một số tham luận cũng tập trung vào định hướng về phát triển GDNN và giải quyết việc làm trong tình hình mới, đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách đối với tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc phối hợp, đồng hành, hỗ trợ cơ sở GDNN, và các doanh nghiệp. Qua đây nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN, gắn kết GDNN với doanh nghiệp và nhu cầu sử dụng của thị trường lao động; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm bền vững cho người lao động, thúc đẩy kết nối cung - cầu lao động khu vực miền Trung và trên địa bàn tỉnh.

Ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục GDNN nhấn mạnh, GDNN phát triển nhanh nhưng phải bền vững. Tỉnh cần có cơ chế, chính sách thu hút, kêu gọi các thành phần trong xã hội cùng tham gia vào công tác phát triển GDNN kết hợp tạo việc làm bền vững. Việc sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở GDNN là cần thiết để đảm bảo tinh, gọn, mạnh và thuận lợi cho việc đầu tư, định hướng chiến lược phát triển mới.

Các bên cùng đồng hành, liên kết

Trước thực trạng còn thiếu sự "ăn khớp" giữa đào tạo nghề với nhu cầu việc làm, tuyển dụng lao động, một số ý kiến chỉ ra cần tổ chức liên kết chặt chẽ giữa "Nhà nước, doanh nghiệp, nhà trường" để tuyển dụng, đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp mà không phải đào tạo lại. 

 Nhiều ý kiến đến từ đơn vị đào tạo, doanh nghiệp cũng nhấn mạnh vai trò liên kết giữa các bên

Tháo gỡ khó khăn này, tại hội nghị, các chuyên gia, nhà quản lý đã tham gia đề xuất những giải pháp phát triển trường cao đẳng chất lượng cao; thảo luận, trao đổi xu hướng việc làm dưới tác động của công nghiệp 4.0 và một số định hướng giải pháp phát triển thị trường lao động theo tinh thần Nghị quyết số 06 ngày 10/01/2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi kinh tế - xã hội.

Nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh, để thực hiện thành công mục tiêu chiến lược và kế hoạch phát triển, doanh nghiệp cần phải chủ động để tăng cường hợp tác với các cơ sở GDNN, trường đại học trong tỉnh và khu vực theo phương châm cùng trao đổi, đồng hành, cùng phát triển. Các doanh nghiệp cần tăng cường công tác thông tin về vị trí việc làm và nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp đến với các cơ sở đào tạo và người lao động. Đồng thời, đẩy mạnh gắn kết đào tạo và trực tiếp tuyển dụng nguồn lao động kỹ thuật dồi dào và chất lượng cao của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, cơ sở GDNN khác trên địa bàn, tạo thuận lợi cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo có cơ hội tiếp xúc, thể hiện năng lực bản thân và tìm kiếm việc làm ổn định, chất lượng.

 Mấu chốt vẫn cần liên kết để đào tạo đúng ngành nghề, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động 

Ngược lại, về phía đơn vị đào tạo cũng cần tập trung phát triển kỹ năng, phát triển giáo dục kỹ thuật và đào tạo nghề để thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế. Muốn làm được điều này, các cơ sở đào tạo phải có sự đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, gắn chuyển đổi số với việc cải tiến chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy. Nắm bắt nhu cầu thực tế của thị trường lao động để mở rộng ngành, nghề và xây dựng, điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đào tạo & giữ chân người tài

Tròn đúng 10 năm sau hội thảo “Thừa Thiên Huế - đất học và tài năng” (12/11/2014), Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế lại mở hội thảo khoa học “Chính sách sử dụng người tài - lịch sử và vấn đề đặt ra” vào ngày 16/11/2024. Vấn đề đặt ra ở đây vẫn là câu chuyện về tài năng và vấn đề sử dụng người tài.

Đào tạo  giữ chân người tài

TIN MỚI

Return to top