Người dân thôn Ta Lo không ai không biết hoàn cảnh bà Kả Sỹ gần 100 tuổi, mắt mờ, cái tay run, cái chân yếu, nhưng lại neo đơn một mình. Tự lo sinh hoạt hàng ngày đã vất vả lắm, bà đâu có làm việc nặng được. Những ngày mưa gió càng bấp bênh hơn, bữa ăn đạm bạc của bà nhiều lúc cũng “đứt”. Trong thôn, lúc người này mang cho lon gạo, củ sắn, khi người khác chia sẻ vài nhánh củi để bếp nhà bà có thể đỏ lửa, xua đi giá rét.
Cụ bà thôn A Năm được chị em phụ nữ giúp đỡ, sẻ chia
Để cuộc sống của bà được đảm bảo hơn, phụ nữ trong thôn cùng nhau “xắn tay” phát rẫy, cuốc đất, trồng sắn giúp. Đến mùa, đi thu hoạch cũng là chị em trong chi hội. Chọn ngày nắng ráo, hơn 60 chị em trong thôn lại nghỉ một ngày lên nương, cõng gùi cùng nhau vào rừng kiếm củi mang về chất dưới sàn nhà đủ để bà cụ dùng trong 3-4 tháng liền, bếp không lo “đứt” lửa. Nụ cười của bà cụ gần 100 tuổi khiến chị em thấy lòng yên tâm, nhẹ nhõm.
Bà Kả Hắt gần 90 tuổi ở thôn A Năm cũng là người nhận được sự giúp đỡ, sẻ chia như vậy. Gương mặt già nua tuổi tác sáng lên khi bà kể về niềm vui, xúc động vì được chị em phụ nữ chi hội thôn yêu thương, quan tâm. Bà bảo mình già lắm rồi, từ lâu đâu có lên rẫy vào rừng được nữa. “Nhưng củi vẫn có dưới sàn, sắn vẫn mọc trên rẫy nhà mẹ... Đó là từ sự giúp đỡ của phụ nữ thôn. Mẹ vui và cảm động lắm” - bà Kả Hắt cười móm mém.
Đối với trường hợp các bà Kăn Hặt, Hồ Thị Tiết ở thôn Ka Cú 2, chị em trong chi hội không những giúp công đi lấy củi, cuốc đất trồng sắn mà còn chia sẻ hũ gạo nhà mình. Khi được hỏi nhà có dư không mà giúp người khác gạo, nhiều chị em cười mộc mạc bảo mình vẫn còn khó khăn, vẫn không đủ gạo phải ăn thêm sắn, nhưng còn mạnh chân mạnh tay, có sức khỏe. Các mẹ neo đơn lại già yếu, mình nên chia sẻ một chút. "Mỗi người chỉ bớt một nắm gạo. Một nắm là nhỏ, nhưng gần 100 nắm trong thôn góp lại là thành...to" - chị Hồ Thị Lài, hội viên phụ nữ thôn Ka Cú 2 nói.
Chồng mất, một mình chị Lài nuôi 4 đứa con nhỏ nên chị cũng là người được nhận sự giúp đỡ của chị em. Chị bảo rất cảm động khi nhận tình cảm, tấm lòng của mọi người. Mình được chia sẻ như thế nào thì nên chia sẻ với người khác bằng tấm lòng như thế. Những lúc vào rừng lấy củi hay lên rẫy cuốc đất trồng sắn giúp người khác, chị cũng coi như đó là việc nhà mình.
Theo chị Hồ Thị Phan, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Hồng Vân, giàu tình, giàu nghĩa, hết lòng giúp đỡ, sẻ chia với người khác là “tài sản” quý, truyền thống đẹp của phụ nữ xã Hồng Vân trong bao nhiêu năm qua. Chị em trong từng chi hội đã nhiệt tình hưởng ứng, ủng hộ chủ trương, kế hoạch của Hội LHPN xã. Chi hội có từ 70 đến 100 hội viên, nên chỉ trong một buổi sáng sẽ có số gùi củi tương đương, hoặc một cái rẫy được phát sạch cỏ, trồng được sắn giúp cho một trường hợp. Mỗi lần chi hội nào “ra quân”, bản thân chị Hồ Thị Thỉ, Chủ tịch Hội LHPN xã, chị Hồ Thị Phan, Phó chủ tịch, chị Lê Thị Kăn Triên, Ủy viên Ban chấp hành hội cũng “xắn tay” tham gia. Các chị cũng vào rừng lấy củi, cũng cầm cuốc cuốc đất... Chị Phan chia sẻ, Hội LHPN xã không thể “nói” bằng văn bản, bằng kế hoạch mà phải thực hiện bằng hành động cụ thể, bằng tấm lòng. Có như vậy giữa Hội LHPN xã với các chi hội, với chị em mới có sự gắn kết, thấu hiểu. Mà khi đã gắn kết và thấu hiểu thì những hành động đẹp như nêu trên càng có hiệu quả, ý nghĩa.
Nhớ cách ví mộc mạc của hội viên Hồ Thị Lài: “Một nắm gạo nhỏ, nhưng gần 100 nắm trong thôn góp lại là thành...to”. Quả thật, một nắm gạo nhỏ, nhưng đó là một tấm lòng. Nếu không giàu tình, giàu nghĩa thì sẽ không làm được như vậy.
Bài, ảnh: Quỳnh Anh