ClockThứ Sáu, 23/02/2018 14:04

Giữ nghề truyền thống

TTH - Đầu làng có ông Hoàng Hứa, cuối làng còn ông Trương Văn Thêm đã ngoài 70 tuổi vẫn giữ nghề rèn truyền thống làng Hiền Lương (xã Phong Hiền, huyện Phong Điền).

Đào tạo âm nhạc truyền thống: Hài hòa giữa truyền thống & hiện đại

Cụ Hứa vẫn miệt mài với nghề

Giữ nghề

Làng Hiền Lương xưa vốn nổi tiếng về nghề rèn khi đây là nghề chính đem lại thu nhập nuôi sống cho bao thế hệ người dân vùng quê này. Quá trình công nghiệp hóa với các sản phẩm như dao, kéo, cuốc, xẻng được làm sắc sảo, nhanh gọn, giá thành hợp lý dần khiến cho sản phẩm thủ công từ làng rèn Hiền Lương khó cạnh tranh.

Không sống được với nghề, dần dần người dân Hiền Lương chuyển đổi nghề nghiệp để kiếm kế sinh nhai. Người theo nghề rèn chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhất là người trẻ gần như không còn ai đeo đuổi nghề truyền thống làm nên “thương hiệu làng rèn Hiền Lương”; song vẫn còn những cụ già đau đáu với nghề và mong muốn giữ gìn nghề truyền thống của tổ tiên như cách giữ làng cho con cháu, như ông Hứa, ông Thêm.

Dù ở tuổi “thất thập cổ lai hy” ông Hứa vẫn say mê với nghề, ngày ngày vẫn đỏ lửa rèn dao, rèn cuốc” không phải vì có khách đặt mua mà chỉ là để khỏi quên nghề.

Ông kể: “Từ ngày về đây ở khoảng trăm năm trước, gia đình ông đã làm nghề rèn, bắt đầu từ đời cha ông, rồi chừ tới ông. Ông năm ni tròn 80 tuổi, tuổi nghề cũng đã gần 50 năm. Chừ vẫn làm là để giữ cái nghề truyền thống của ông cha mình”.

Ông Hứa tiếp lời: Nghề rèn làng Hiền Lương “thời hoàng kim” nhà nhà đều làm. Tháng làm được năm chục, trăm sản phẩm, thu nhập cũng khá. Không chỉ rèn cuốc, rựa, dao, liềm, búa, kéo... phục vụ nghề nông mà còn sản xuất vũ khí cho quân đội. Làm nghề, có tiền xây nhà xây cửa, nuôi con cái ăn học. Chừ thì khó lắm. Khi xưa, làm được mười thì chừ không được một phần, có ai rèn chi nhiều nữa mô, họ mua ngoài chợ hết. Khi mô có việc, kiếm được năm ba trăm, không thì tắt lửa, đóng cửa lò. Không làm thì mất nghề, mà làm thì thu nhập không mấy.

Ngoài ông Hứa, ở làng rèn Hiền Lương còn có ông Thêm cũng theo nghề rèn từ năm 1975 đến nay. Tuổi ông đã gần 70, không làm được việc nặng nhọc, nên ông vẫn chọn nghề rèn để kiếm sống qua ngày.

Mặn mà với nghề mấy chục năm nay nhưng ông Thêm ngậm ngùi: “Bữa ni máy móc hiện đại, công nghệ phát triển, sản xuất nhanh, số lượng nhiều, mẫu mã đẹp, giá lại rẻ, người tiêu dùng chủ yếu chọn mua trên thị trường. Sản phẩm làng rèn làm thì lâu, giá lại cao, cạnh tranh chi nổi? Nghề rèn truyền thống mai một dần rồi con à, may ra làng ni còn lại hai ông đầu làng cuối làng. Hai ông ni chết, bơ hết nghề hở con?...”.

Vừa mới lắc đầu, ông Thêm liền dứt khoát: “Trách nhiệm của một người con trai trong gia đình là không được để thất truyền nghề của cha ông”.

“Đời cha ông truyền lại cho mình, thì chừ mình phải duy trì. Còn sức khỏe thì còn làm. Thời trai trẻ, mình quyết tâm làm, thì chừ vẫn quyết tâm giữ nghề. Răng chừ làm không được nữa thì thôi”, ông Hứa khẳng khái.

Giữ làng

Thu nhập từ nghề rèn bấp bênh nên đa số những người theo nghề đành phải bỏ để tìm kế mưu sinh. Thanh niên trẻ trong làng đều đi học xa, hoặc lên thành phố tìm việc, theo những nghề khác, ít ai còn muốn theo nghề rèn, chỉ còn những người thế hệ như ông Hứa, ông Thêm vẫn yêu và giữ nghề cho đến bây giờ.

Vì yêu nghề và muốn giữ cho con cháu đời sau nghề truyền thống mà cha ông để lại nên những người như ông Hứa, ông Thêm vẫn cố bám trụ với nghề dù “cả tháng đôi khi rèn được 2-3 cái dao, không đủ tiền mua gói bánh, vài cân gạo”, như lời của ông Thêm, nhưng ông vẫn muốn giữ nghề.

Theo ông Hứa, ông Thêm, nếu không giữ nghề, sau này người ta sẽ không còn nhớ đến làng rèn Hiền Lương hoặc nếu có nhớ cũng chỉ còn trong ký ức.

Ngày nay, người trẻ làng Hiền Lương không theo nghề rèn nhưng khá nhiều người vẫn “biết nghề”. Lúc cần họ vẫn có thể nổi lửa rèn dao, rèn rựa. Bởi nghề rèn không đơn thuần chỉ là nghề kiếm cơm mà đã trở thành văn hóa, là máu thịt của những người con làng Hiền Lương. Những thế hệ 6X, 7X và cả 8, 9X dù không theo học nghề bài bản nhưng qua cách làm của cha ông, nhất là ngày ngày được thấy cha, ông làm nghề và trong bữa cơm hàng ngày cũng như những lúc trò chuyện, cha ông, những người yêu nghề như cụ Hứa, cụ Thêm đã khéo léo truyền nghề, truyền lửa cho con cháu để khi cần họ có thể theo nghề cha ông.

Để duy trì và bảo tồn nghề rèn Hiền Lương, chỉ cố gắng giữ nghề của người dân như cụ Hứa, cụ Thêm thôi chưa đủ mà cần có sự hỗ trợ của các tổ chức, chính quyền địa phương, các chương trình khuyến công, khuyến nông… để hỗ trợ khôi phục và tìm kiếm đầu ra hoặc kết nối với các công ty lữ hành xây dựng tour du lịch tham quan trải nghiệm nghề, mua sản phẩm lưu niệm. Việc cải tiến mẫu mã theo hướng quà tặng, hàng lưu niệm cũng cần được tính tới...

Ông Hoàng Ngọc Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hiền thông tin: Để bảo tồn và phát triển làng nghề, địa phương sẽ cố gắng xây dựng nhà truyền thống nghề rèn, trưng bày các sản phẩm rèn truyền thống. Đồng thời, giữ gìn và phát triền làng rèn theo hướng tập trung sản xuất các sản phẩm rèn mỹ thuật và phát triển làng nghề truyền thống kết hợp với phát triển các tuor du lịch về địa phương.

Bài, ảnh: Như Quỳnh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cho rừng thêm xanh

Phía tây Phong Điền bây giờ không còn đất trống, đồi trọc mà thay vào đó là những cánh rừng đã xanh hơn. Đây là kết quả của sự đoàn kết chung tay của ban, ngành chức năng và người dân trong việc trồng, quản lý và bảo vệ rừng thời gian qua.

Giữ cho rừng thêm xanh
Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

Chiều 18/12, tại Khách sạn Saigon Morin diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát huy giá trị âm nhạc truyền thống Huế trong phát triển văn hóa, du lịch” do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức.

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống
Gặp mặt cán bộ cao cấp quân đội qua các thời kỳ

Ngày 18/12, UBND tỉnh tổ chức lễ gặp mặt cán bộ cao cấp Quân đội qua các thời kỳ nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/2024). Tham dự có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương.

Gặp mặt cán bộ cao cấp quân đội qua các thời kỳ
Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng tỉnh (15/12/1964 - 15/12/2024)
Tự hào truyền thống xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển

Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xứng đáng với niềm tin của Nhân dân.

Tự hào truyền thống xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top