Lực lượng kiểm lâm kiểm tra, bảo vệ khu vực tràm chim ở Quảng Thái
Theo chiếc thuyền của bà con ngư dân – những người vừa mưu sinh vào con nước trên sông Ô Lâu vừa là đại sứ bảo vệ vùng tràm chim này trước tình trạng đánh bẫy chim trong nhiều năm qua, mới cảm nhận được không gian bảo tồn vô cùng giá trị ngay phía bắc của tỉnh mà ngỡ như vùng sông nước miền Tây.
“Đất lành chim đậu”
Sau rất nhiều cuộc hẹn, tranh thủ ngày tạnh khô, chúng tôi theo con đò của anh Hồ Quốc (thôn Lai Hà, xã Quảng Thái) băng từ lạch nước hướng thẳng ra sông Ô Lâu để khám phá vùng tràm chim. Tiếng máy đò bành bạch, rẽ qua những con nước xoáy từ thượng nguồn đổ về. Thi thoảng, những đàn chim từ trong những lùm cây bên trong cánh rừng ngập ngọt ào lên trước sự thích thú ngỡ ngàng của nhiều người. “Vịt trời đó. Chưa hết đâu, cứ đi ra thêm tí nữa sẽ chứng kiến nhiều loài khác, thú vị lắm”, anh Quốc nói với giọng vốn quen thuộc.
Đò cứ chạy, quanh từng khoanh đê, người đàn ông tuổi ngoài 45 nét da rám nắng, lần lượt giới thiệu địa danh theo tên gọi địa phương như cồn Thót, cồn Thồ Hàm, cồn Huyện… và các loài chim đang cư trú ở đó. Rành rõi như thế bởi không chỉ là người bản địa, am tường từng vùng nước, anh còn được chính quyền, ngành nông nghiệp thuê trồng một diện tích lớn rừng ngập ngọt phục vụ việc bảo tồn thiên nhiên, phục hồi sân chim. Sau một vài năm, hệ thống rừng ngập ngọt phát triển nhanh, tốt, trở thành nơi “đất lành chim đậu”.
Gọi là tràm chim chứ thật ra khu vực này với diện tích hơn 150 ha kéo dài ra dọc theo sông Ô Lâu thuộc hai huyện Quảng Điền – Phong Điền, nằm trong vùng lõi thuộc diện bảo vệ nghiêm ngặt thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai. Theo thống kê vùng này có 72 loài chim, trong đó có một số loài chim quý hiếm, có giá trị bảo tồn như chích đầu nhọn mày trắng, diều ăn ong, ứng Nhật Bản, diều trắng, diều đầu trăng…
Anh Quốc kể rằng, đầu tháng 10, khi nước lớn, cũng là lúc các đàn chim bay về cư trú nhiều nhất. “Tụi tui ở đây cũng đã thấy thích, huống chi khách phương xa tới. Từng đàn chim từ trong các cánh rừng bay ra, rồi những đàn kiếm ăn quanh đó. Có nhiều loại tui không biết tên, nhưng đẹp lắm”, anh Quốc nói. Chưa kịp dứt lời, từ lùm cây, một con diều hâu với thân hình to lớn, chừng 5kg vỗ cánh mạnh bay từ trong cánh rừng lên, dáng vóc oai phong khiến mọi người vừa giật mình, vừa trầm trồ khen.
Chung tay giữ rừng, bảo vệ chim
Những năm gần đây, hệ sinh thái phát triển mạnh, nguồn thức ăn cũng phong phú nên thuận lợi cho các loài chim sinh sống. Môi trường của tràm chim và các vùng đệm tốt dần cùng với đó, ý thức bảo tồn của người dân tăng cao nên số lượng người bắt chim không nhiều như trước. Thế nhưng, thi thoảng vẫn có một vài đối tượng săn bẫy ngang nhiên, lộng hành. Theo lời anh Quốc, ngày thường khi nước thấp, việc di chuyển vào các cánh rừng ngập ngọt bằng đò, thuyền nhỏ là rất khó. Thế nhưng khi nước lên, nhiều đối tượng đã sử dụng thuyền cule để chạy thẳng vào rừng rồi giăng lưới, đặt bẫy chim. “Đa số là người lạ, từ vùng khác tới. Chứ bà con dân làng ở đây ai cũng ý thức, ai cũng bảo vệ rừng, bảo vệ các đàn chim”, anh Sang – một người dân làng cùng ngồi trên đò nói.
Lớn lên ở vùng này, anh Quốc, anh Sang không thống kê hết được bao nhiêu vụ các đối tượng lén lút giăng lưới, đặt bẫy để tận diệt chim trời và các loại chim quý hiếm. Có những loại lưới chỉ cần chim từ trên vừa sà xuống là mắc ngay. Các đối tượng này thường đặt lưới cách mặt nước chừng 1m, với chiều cao của lưới trên 3m và dài thì vô tận. “Nhiều lần tụi tui phát hiện đã tự tay mình tháo bẫy, thả rất nhiều loài chim”, anh Sang nhớ lại.
Cũng theo lời anh Sang, với hệ thống rừng ngập ngọt được trồng trong nhiều năm vừa qua đang phát triển tốt, tương lai rồi đây sẽ có nhiều loài chim quý tìm về trú ẩn. Vì thế, mong mọi người cùng chung tay, ý thức để bảo vệ sự sống cho các loài chim cũng là cách bảo vệ môi trường, sinh thái cho con người. Anh cũng hy vọng, rồi đây sẽ là điểm du lịch hấp dẫn, nơi tham quan, khám phá thiên nhiên thú vị.
Ông Trương Xàng, Phó Trưởng hạt Kiểm lâm Quảng Điền nói rằng, tràm chim ở khu vực xã Quảng Thái là một vùng có cảnh quan đẹp, tính đa dạng sinh học cao và là một trong những điểm dừng chân của các loài chim di trú theo mùa. Hơn hai thập niên qua, chính quyền đã phối hợp với nhiều cơ quan, viện để thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học với xu hướng vừa bảo tồn vừa gắn với phát triển.
Lâu nay, bên cạnh việc của các cơ quan chức năng trong ngăn chặn, bảo vệ các đàn chim nói riêng và hệ sinh thái thiên nhiên khu vực sông Ô Lâu nói chung có vai trò rất lớn của bà con sống quanh đó. Thế nhưng, vẫn còn một số trường hợp thiếu ý thức, bất chấp cảnh báo vẫn săn bắt chim trời. Đích thân ông Xàng và nhiều kiểm lâm viên đã phối hợp với lực lượng liên ngành đi “rình” vào tận tràm chim để theo dõi và ngăn chặn các vụ vi phạm. “Bên cạnh tuyên truyền, chúng tôi cũng có các biện pháp xử phạt hành chính”, ông Xàng nói.
Bài, ảnh: NHẬT MINH