ClockThứ Hai, 16/10/2023 13:58

Giúp việc gia đình, nghề “hot” nhưng chưa được đào tạo

TTH - Khi doanh nghiệp đóng cửa, lao động thất nghiệp, nhiều người nghĩ ngay đến chuyện đăng ký làm nghề giúp việc gia đình. Và đây cũng là nghề đang “hot” ở Huế để giải quyết tình hình khó khăn trước mắt khi lao động mất việc.

Tăng cơ hội việc làm cho người lao độngHướng đi mới để giảm nghèo bền vững Chọn mặt, gửi niềm tin

 Giúp việc theo giờ cũng là phương án phù hợp khi muốn đi làm để có thu nhập. Ảnh: Bảo Phước

Giúp việc theo giờ lên ngôi

Bà chị họ có nguyện vọng tìm người giúp việc, đáp ứng được hai tiêu chuẩn, nấu ăn và chở con đi học. Vẫn ám ảnh câu chuyện đầu năm ở Huế, khi người giúp việc được thuê trên mạng đã cuỗm tài sản của gia chủ, nên chị tôi khá dè dặt trong việc tìm người. Sau một hồi nhờ người quen tìm giúp bất thành, chị em tôi quyết định chọn Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để ký hợp đồng tìm người giúp việc.

8h sáng, chúng tôi có mặt ở trung tâm để đăng ký tìm người làm. Tôi bắt chuyện với khá nhiều người đang có nhu cầu làm nghề giúp việc. Có 1.001 lý do để nghề này trở nên “hot” trong thời điểm hiện nay. Chủ yếu, doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, không đủ tiền trả lương cho nhân viên đành phải đóng cửa hoặc cắt giảm nhân sự. Phổ biến nhất vẫn là công nhân may ở các xí nghiệp không có việc làm. Không ít lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp và giúp việc theo giờ cũng là phương án phù hợp khi họ muốn đi làm để có thu nhập, tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện. Độ tuổi làm nghề giúp việc gia đình thường từ 37 tuổi trở lên.

 Chị Bùi Thị Ánh, quê ở Quảng Điền, lên Huế tìm việc làm thật thà kể, ngày trước, chồng là công nhân cơ khí, vợ làm trong ngành may mặc, giờ cả hai đều thất nghiệp. Bước sang tuổi 40, ngoài nghề may, chị chẳng biết tìm việc gì phù hợp. Chỉ tay về phía trước, nơi có một nhóm phụ nữ đang được hướng dẫn tìm việc, chị Ánh cho biết, xóm chị có 5 người thất nghiệp, khó khăn chồng chất nên lên sàn giao dịch tìm việc làm. Tư vấn cả buổi mà chỉ có nghề giúp việc là phù hợp.

Giúp việc theo giờ ngày càng phổ biến và trở thành lựa chọn tốt với những người đang thất nghiệp, người không có trình độ hoặc người đang đi làm với mức lương thấp. Hầu hết, những công việc này đều quen thuộc với bất kỳ ai trong mỗi gia đình. Còn nhu cầu của gia chủ lại khá phong phú. Họ có thể thuê người giúp việc về lau dọn nhà cửa, nấu ăn, giặt quần áo, chăm sóc người bệnh hoặc thuê chở con đi học. Một số người chuộng giúp việc để trò chuyện với bố mẹ khi con cái ở xa. Có điều kiện, nhiều người thuê giúp việc chỉ để chăm sóc thú cưng.

Thời gian làm việc của người giúp việc theo giờ khá linh hoạt. Họ có thể tùy chọn ca theo quỹ thời gian của mình, nên một ngày có thể làm cho nhiều nhà. Mức lương cũng phong phú và tùy vào sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Tuy nhiên, thời gian linh hoạt từ 7h sáng đến 18 giờ đêm, được trả công từ 180.000 đồng/người đến 200.000 đồng/người. Riêng người phục vụ chăm sóc bệnh nhân ở bệnh viện có mức cao hơn khoảng 500.000 đồng/ngày. Nhìn chung, mức lương dao động từ 4 đến 7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, đây chỉ là mức lương thỏa thuận trong hợp đồng, còn đa phần đều được gia chủ trả thêm tầm từ 1 đến 2 triệu nữa.

Cần được đào tạo

Bỏ một khoản phí là 600.000 đồng, nhiều người chấp nhận thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để ký hợp đồng tìm người giúp việc có chất lượng. Theo kinh nghiệm của chị Trần Thị Anh ở phường Vĩnh Ninh, TP. Huế, không thể đưa một người lạ vào nhà nếu không rõ nguồn gốc. Thế nên, ký hợp đồng với các điều khoản đều rất chặt chẽ về sức khỏe và cả thân nhân của người giúp việc khiến mình yên tâm hơn. Rồi chị kể, có lần, tôi nhờ một người quen tìm được cô giúp việc ưng ý. Nhưng qua theo dõi camera, tôi phát hiện hàng ngày có nhiều người lạ xuất hiện gần nhà mình, tiếp xúc với người giúp việc, cảm thấy bất an đành cho người giúp việc nghỉ giữa chừng.

Theo ông Nguyễn Duy Thông, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, số lượng người lao động đến đăng ký khá nhiều, nhưng trong số 10 người thì chỉ có 2 người đạt yêu cầu. Nghề giúp việc tuy không đòi hỏi chuyên môn cao, nhưng yếu tố thái độ lại quyết định chất lượng dịch vụ. Thế nhưng, thị trường này lại chưa có một quy chuẩn cụ thể nào về chất lượng. Hiện nay, người lao động vẫn còn tâm lý "thích thì làm, thích thì nghỉ". Trong khi đó, sự kỳ vọng của khách hàng thì rất cao, giúp việc lại không được đào tạo đúng tiêu chuẩn.

Chị Lê Thị Hiền, có thâm niên làm nghề giúp việc hơn 5 năm bày tỏ: Giúp việc không có nghĩa là dọn dẹp nhà cửa, đổ rác, nấu nướng… Thực tế công việc này đòi hỏi rất nhiều kỹ năng. Chẳng hạn, chăm sóc người ốm, người già, trẻ em phải có chuyên môn mới làm tốt được. Nếu ở Huế có mở lớp dạy các kỹ năng cho người giúp việc, tôi sẽ đi học.

Năm 2009, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành khung trình độ cho ngành chăm sóc gia đình. Đối với hệ trung cấp, chương trình học gồm 28 môn trong 60 tuần. Ở  phần kỹ năng nghề nghiệp, học viên sẽ được học 11 môn như dọn dẹp nhà cửa, phục vụ ăn, uống, chăm sóc trẻ nhỏ, người già, chăm sóc vườn cây, vật nuôi, sử dụng các thiết bị trong gia đình. Còn hệ cao đẳng, sẽ tuyển sinh tốt nghiệp THPT và tương đương. Chương trình học gồm 38 môn trong 108 tuần.

 Ở một số thành phố lớn đã đào tạo được học viên làm nghề giúp việc gia đình theo nhu cầu ở bậc trung cấp và cao đẳng. Ông Nguyễn Duy Thông cho rằng, nghề này chưa được đào tạo bài bản ở Huế. Tuy nhiên, trung tâm có một lực lượng khá hùng hậu chuyên làm nghề giúp việc có thâm niên cả chục năm nên họ tự tích lũy kinh nghiệm.

 Thiết nghĩ, nghề giúp việc cần được đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo chương trình thống nhất. Bởi, mỗi khi đã được công nhận là một nghề thì nên hướng đến sự chuyên nghiệp, hiệu quả, tránh tình trạng nhảy việc. Còn về quyền lợi, đa số người giúp việc không được tham gia BHXH tự nguyện, BHYT theo luật định. Thay vào đó, gia chủ trả thêm một ít tiền để người lao động có thể mua thẻ BHYT đề phòng bất trắc. Và họ tạm chấp nhận điều đó khi tự nhận đây là công việc không ổn định và vẫn còn tư tưởng “đứng núi này, trông núi nọ”.

An Nhiên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đào tạo & giữ chân người tài

Tròn đúng 10 năm sau hội thảo “Thừa Thiên Huế - đất học và tài năng” (12/11/2014), Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế lại mở hội thảo khoa học “Chính sách sử dụng người tài - lịch sử và vấn đề đặt ra” vào ngày 16/11/2024. Vấn đề đặt ra ở đây vẫn là câu chuyện về tài năng và vấn đề sử dụng người tài.

Đào tạo  giữ chân người tài
Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Đào tạo, hỗ trợ nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn

Tối 17/12, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) TP. Huế phối hợp với Trung tâm REACH Huế tổ chức hội nghị tổng kết 2 năm (2023-2024) dự án đào tạo và hỗ trợ nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn “Mở đường cho thanh niên lập nghiệp”.

Đào tạo, hỗ trợ nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha

TIN MỚI

Return to top