ClockThứ Bảy, 24/06/2023 06:37

Hai “cây đại thụ” làng Bao La

TTH - Đến HTX Mây tre đan Bao La (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền), tôi vẫn thấy những nghệ nhân miệt mài với công việc giữ nghề và tìm tòi hướng đi mới thông qua việc cải tiến mẫu mã sản phẩm. Nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ sắc sảo, chất lượng đã có mặt ở thị trường thế giới.

Tạo điểm nhấn cho làng nghề mây tre đan Bao La

leftcenterrightdel
Nghệ nhân mây tre đan Thái Phi Hùng (trái) và Võ Chức (phải) 

Những nhà thiết kế đặc biệt

Ghé thăm HTX Mây tre đan Bao La - làng nghề tiêu biểu Việt Nam, không khó để gặp hai nghệ nhân Võ Chức (SN 1960) và Thái Phi Hùng (SN 1951) bởi sự nổi tiếng của họ. Theo thời gian, cùng với tài năng, bàn tay khéo léo của mình, các nghệ nhân Võ Chức và Thái Phi Hùng đã trở thành niềm tự hào không chỉ của làng nghề mây tre đan Bao La, mà còn của nghề đan đát Việt Nam. Hai ông được xem là 2 nhà thiết kế gạo cội có tầm ảnh hưởng đến sự trường tồn của nghề đan đát ở Quảng Điền nói riêng và Việt Nam nói chung.

Nghề đan đát mây tre truyền thống Bao La có từ hơn 600 năm trước, đã gắn bó và tạo việc làm cho hàng ngàn người dân quê. Hiện tại, HTX có hơn 120 xã viên làm việc thường xuyên, thu nhập bình quân khoảng 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng và đã sản xuất được hơn 600 mẫu mã, sản phẩm khác nhau.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất vốn là cái nôi của nghề truyền thống mây tre đan, từ nhỏ nghệ nhân Nguyễn Phi Hùng và Võ Chức đã được thừa hưởng sự khéo léo, niềm đam mê với nghề đan đát truyền thống từ gia đình. Thế rồi niềm đam mê ấy ngấm dần vào người khiến nghệ nhân thổn thức, trăn trở với từng thanh tre, sợi mây.

“Năm 2007, cùng với kế hoạch khôi phục và phát triển nghề, làng nghề truyền thống của UBND tỉnh cộng với niềm đam mê và tâm huyết muốn vực dậy làng nghề truyền thống của những người con làng Bao La, HTX Mây tre đan Bao La chính thức thành lập. Lúc đầu, HTX chỉ sản xuất những sản phẩm phục vụ đời sống nông nghiệp, như các loại rổ, rá, thúng, mủng, dần, sàng… Giờ đây, hàng trăm mẫu mã mới được ra đời, những sản phẩm mây tre đan của một làng quê nơi đây giờ đã có mặt khắp năm châu và được khách hàng trên thế giới ưa chuộng” - Nghệ nhân mây tre đan Thái Phi Hùng tâm sự.

Tháng 1/2019, Hiệp Hội làng nghề truyền thống của Hàn Quốc đã tham quan, tìm hiểu thực tế tại làng nghề và đã hỗ trợ làng nghề trong việc cải tiến mẫu mã sản phẩm. Đồng thời, ký hợp đồng đưa gần 50 mẫu mã của làng nghề mây tre đan Bao La sang trưng bày và giới thiệu ở Hàn Quốc. Từ đó, tiếng vang của làng nghề có sức lan tỏa, ngoài thị trường trong nước, một số nước như Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ, Nhật… cũng đặt hàng cho HTX. Làng nghề mây tre đan Bao La không ngừng chú trọng cải tiến, nâng cao chất lượng mẫu mã sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế, trong đó có công lớn của hai ông.

Đến nay, HTX đã thiết kế và sản xuất gần 600 mẫu mã mới, tinh xảo, phục vụ nhu cầu tiêu thụ của các tỉnh, thành phố trong cả nước và xuất khẩu. Trung bình, mỗi năm HTX thiết kế và cho ra lò từ 15-30 mẫu mới với sự góp sức của ông Hùng, ông Chức. Ngoài những sản phẩm phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp của người dân, HTX đã sản xuất các loại lồng đèn, túi xách, bình hoa, nan quạt, lồng chim, bàn ghế sôpha và các vật dụng phục vụ trong các khách sạn, nhà hàng và quán cà phê. Các ông còn sáng tạo thêm nhiều sản phẩm thủ công tinh xảo, chất lượng cao, nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách, như: mô hình cầu ngói Thanh Toàn, tháp chùa Thiên Mụ, cầu Trường Tiền, Ngọ Môn; các loại đèn treo trang trí, góp phần không nhỏ quảng bá hình thành của quê hương xứ Huế đến với du khách trong và ngoài nước

Từ chính niềm đam mê, giữ nghề và cần mẫn sáng tạo mà các nghệ nhân Võ Chức và Thái Phi Hùng đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành, cũng như giấy chứng nhận nghệ nhân tiêu biểu. Đây là động lực quan trọng để giúp các “cây đại thụ” của làng nghề Bao La tiếp tục “giữ lửa”.

Ông Võ Văn Dinh - Giám đốc HTX chia sẻ, sản phẩm mây tre đan giờ đã có thị trường tiêu thụ nên công việc khá ổn định, thu nhập của xã viên cao hơn nhiều so với làm nông. Để sản phẩm làm ra ngày càng hấp dẫn khách, ngoài thời gian làm việc ở HTX, nghệ nhân Võ Chức và Thái Phi Hùng tranh thủ cập nhật thêm các mẫu mới. Thấy có mẫu sản phẩm nào đẹp, lạ mắt, các ông cùng nhau nghiên cứu để nhanh chóng cho ra sản phẩm mới góp phần đa dạng cho sản phẩm làng nghề.

Đau đáu truyền nghề

Chưa bằng lòng với những gì mình đã đạt được, cũng như mong muốn sản phẩm làng nghề truyền thống của Việt Nam tiếp tục vươn xa, ông Chức, ông Hùng lại tiếp tục mày mò, tìm kiếm và sáng tạo ra những sản phẩm mới, thiết thực với đời sống, đẩy mạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng khó tính. Gặp hai ông vào giữa tháng 5/2023 vừa qua, hai ông cho biết đang lên ý tưởng thiết kế sản phẩm tham dự cuộc thi của tỉnh. Ông Hùng với ý tưởng “Bức tranh hoa sen nở”, còn ông Chức với ý tưởng “Bảo tháp chùa Thiên Mụ” đều làm từ mây tre đan.

Ông Võ Chức bảo, khi nào còn sức khỏe, tôi sẽ cống hiến hết sức mình cho làng nghề mây tre đan truyền thống Bao La. Nhưng ngặt một nỗi, làng nghề có gần 150 thợ thủ công nhưng chỉ có 2 nghệ nhân là tôi và anh Hùng. Lo nhất là đội ngũ kế cận tại HTX hiện có quá ít người trẻ. Vì so với các nghề khác, thu nhập từ nghề đan đát không cao lại đòi hỏi tay nghề, sự tỉ mỉ nên không thu hút được lao động trẻ. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho lao động tại HTX Mây tre đan Bao La ngày càng già hóa.

Mong ước lớn nhất của nghệ nhân làng nghề Bao La là Nhà nước cần có chính sách ưu đãi hơn nữa trong việc đào tạo, thu hút và nâng cao tay nghề cho lao động trẻ. Kinh phí khuyến công cho công tác đào tạo lao động ở làng nghề lâu nay còn khiêm tốn, chưa kích thích được lớp trẻ tìm đến và gắn bó với nghề truyền thống. Bởi vậy, một nỗi lo rất thật là đến nay, khi các nghệ nhân đã ở tuổi thất thập nhưng việc tìm kiếm thế hệ kế cận có đủ tay nghề và tâm huyết thay thế vẫn chưa có.

Giữ gìn, phát triển các làng nghề truyền thống không chỉ là câu chuyện phát triển kinh tế mà còn là cách bảo lưu nét văn hóa, bản sắc của mỗi làng quê, mỗi địa phương. Đáng mừng là hiện nay ở Quảng Phú, những người tâm huyết như ông Chức, ông Hùng, bằng nhiều cách khác nhau đang âm thầm, lặng lẽ giữ gìn nghề truyền thống để dòng chảy văn hóa Huế được nối dài và trường tồn với thời gian.

Ông Phan Gia Phú, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Quảng Điền cho biết, không chỉ lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề còn góp phần phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho nhiều thế hệ lao động nông thôn. Để trợ lực, huyện thực hiện nhiều cơ chế, chính sách về khôi phục, hỗ trợ phát triển làng nghề, đào tạo thợ lành nghề, truyền nghề, khuyến khích đầu ra cho sản phẩm. Huyện sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ, gắn công tác khuyến công, tư vấn hỗ trợ phát triển công nghiệp, làng nghề với chương trình xây dựng NTM nâng cao và phát triển du lịch.


Bài, ảnh: Thái Bình
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top