|
Bà Hồ Thị Châu (đứng) đã nuôi dưỡng bà Phạm Thị Xuân Quế gần chục năm nay |
Trò chuyện với chúng tôi, bà nhớ lại: Ngày xưa mẹ tôi thường giúp đỡ người nghèo nên ngay từ nhỏ tôi đã có ý định sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn. Bà bảo, chồng và các con đều ủng hộ bà làm việc thiện, nhưng, cô con gái trong TP. Hồ Chí Minh không thích tôi tằn tiện. Tính tôi ít thích ăn ngon, mặc đẹp, vợ chồng lại lớn tuổi nên chi tiêu cũng không nhiều. Hàng ngày, tôi phải tính toán để số tiền dành dụm dưỡng già có thể hỗ trợ được nhiều người nghèo hơn.
Thực ra, cũng có nhiều tổ chức, cá nhân ở nước ngoài ngỏ ý hỗ trợ bà để làm từ thiện, nhưng bà muốn chăm sóc người nghèo theo cách của riêng mình. Không chỉ giúp họ tiền bạc khi khó khăn, thẻ bảo hiểm y tế khi đau ốm, quan trọng hơn giúp người nghèo biết căn cơ, tính toán để cái nghèo không mãi bủa vây. Bà bảo, thời gian đi hành thiện, không hiểu sao tôi cứ như người ruột thịt của những người thiếu may mắn. Các việc làm như ngấm vào máu tôi, càng làm tôi càng thấy khỏe, vui. Hàng tuần tôi đều đến thăm họ và phần quà đôi khi cũng không nhiều nhưng người nghèo đều thấy hạnh phúc.
Khiêm tốn bà nói vậy, trên hành trình làm thiện nguyện của mình, bà đã dành trên 500 triệu đồng để hỗ trợ người nghèo. Không dừng lại ở đó, niềm vui của bà Châu khi đã tạo điều kiện cho 10 chị có việc làm; nhận nuôi hàng chục năm trời gần 20 người phụ nữ, trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn.
Mỗi người nghèo đến với bà đều là những câu chuyện đầy cảm động, như hoàn cảnh của ông L.V.H, người đàn ông bị tàn tật do tai nạn lao động, phải đi ăn xin để nuôi mẹ già và con nhỏ. Hàng tháng, bà hỗ trợ tiền bạc, gạo cơm, mắm muối để phụ thêm cho ông H. nuôi cả nhà. Khi ông H. mất, bà Châu tiếp tục nuôi giúp ông người mẹ già trên 80 tuổi và cô con gái đang đi học. Bà kể, con bé mặt mày khôi ngô, học giỏi nên ai cũng thương, nhiều người biết chuyện cũng gởi đồng quà, tấm bánh cho cháu.
Bà Châu còn cưu mang nhiều mảnh đời bất hạnh, những đứa trẻ yếu thế mà bà có cơ duyên gặp gỡ trong hành trình đi làm việc thiện của mình. Đó là vợ chồng ông L.V.C. ở Tây Lộc. Ông C. bị tai biến còn vợ bị điên. Ông L.V. H. ở gần dòng Thiên An bị mù, mẹ cũng mù, còn người con bị bại não. Đặc biệt, trên 20 năm nay, bà vẫn duy trì hoạt động nuôi 3 chị em Bùi Thị Bông, Bùi Tre, Bùi Hộ bị tàn tật ở cánh đồng Thanh Lam và nhận nuôi 1 đứa trẻ có mẹ ăn xin ở An Cựu. Bà Châu còn nhận nuôi 5 người con của đồng đội ở Bao Vinh, các cháu đều đã trưởng thành và đã lập gia đình, có công việc ổn định.
Còn bây giờ bà đang chăm sóc người đồng đội là bác sĩ Phạm Thị Xuân Quế , năm nay đã 87 tuổi. Bà Quế không có chồng con, người thân nên sống chung cùng bà Châu gần chục năm nay. Ước nguyện của bà Châu là đừng đau ốm để số tiền dành cho tuổi già đến với người nghèo nhiều hơn, bởi với bà, ngoài kia vẫn còn nhiều người khó khăn đang cần mình. Với bà, hạnh phúc không ở đâu xa, người hạnh phúc là người có thể tận hưởng cuộc sống mỗi ngày, làm việc mình thích, đặc biệt là gia đình luôn hòa thuận.