ClockThứ Năm, 03/02/2022 13:15

Hẹn ngày mang BOARC về Huế

TTH - Đạt kỷ lục Việt Nam và xác nhận kỷ lục thế giới về loại hình nghệ thuật độc đáo BOARC, song KTS. Hoàng Tuấn Long vẫn áy náy vì lời hẹn “làm chút gì cho Huế”…

Truyền động lực cho người khuyết tật

Tác phẩm chùa Một Cột từ tăm giang

Mỗi tác phẩm, một câu chuyện, một sự kiện

Nghệ thuật BOARC (Bamboo Acrylic Art - Nghệ thuật tái hiện công trình thu nhỏ bằng tăm tre và công nghệ laser trên các tấm acrlyic) gắn liền với tên tuổi thạc sĩ, KTS. Hoàng Tuấn Long gần 10 năm qua.

Các mô hình BOARC tỷ lệ 1/100 chùa Một Cột, Ngọ Môn quan, chợ Bến Thành… Tháp đồng hồ Big Ben (Anh), đền Tajmahal (Ấn Độ), thánh đường Hồi giáo Sheikh Zayed (Abu Dhabi), điện Capitol - tòa nhà Quốc hội Mỹ thu nhỏ… khiến người thưởng lãm trầm trồ không ngớt về tài năng của anh chàng KTS gốc Huế này.

Bằng chứng là Bảo tàng “Ripley’s Believe It or Not” (bảo tàng chuyên sưu tập những hiện vật kỳ lạ trên thế giới) đã đặt hàng Điện Capitol thu nhỏ để trưng bày nhân triển lãm kỷ niệm 100 năm thành lập Ripley tổ chức tại Dubai - UAE (Trung Đông) năm 2016... Ông Edward Meyer, Phó Giám đốc phụ trách triển lãm và lưu trữ Ripley’s lúc đó thốt lên: “Mô hình tăm tre của Tòa nhà Quốc hội Mỹ kỳ vĩ đến khó tin. Nó là một hiện vật được yêu thích trong bộ sưu tập của chúng tôi”. Trong lời giới thiệu gắn ở mô hình, ông Edward ghi: Ripley’s sở hữu hàng chục mô hình tuyệt đẹp làm từ que diêm và tăm nhưng đây là tác phẩm điêu khắc bằng tăm tre đầu tiên của chúng tôi và đặc biệt, nó đến từ Việt Nam. Chúng tôi rất ngạc nhiên trước sự khéo léo và tâm huyết để tạo nên mô hình phi thường này và tự hào trưng bày nó trong những sự kiện Believe It or Not - Tin hay không.

Anh Hoàng Tuấn Long bên tác phẩm “Hồi sinh” sau khi xuất viện

Tốt nghiệp Khoa Kiến trúc - ĐH Bách khoa Belorusia tại Belarus, từ yêu thích sáng tạo mô hình tỷ lệ và sa bàn, anh bắt tay làm các công trình văn hóa Việt Nam thu nhỏ bằng tăm tre. Mỗi tác phẩm BOARC gồm các khâu lên ý tưởng - thiết kế - cắt tạo phôi - định vị bằng tăm - xỏ tăm - hoàn thiện. “Phức tạp chính là khâu thiết kế vì vừa vẽ vừa phải tưởng tượng về mô hình, tính toán số lỗ để xỏ tăm kết nối. Như Điện Capitol mình sử dụng hơn 250 ngàn cây tăm và hơn 1 triệu lỗ đục trên acrylic. Mất gần nửa năm mới hoàn thành công trình nghệ thuật này”, KTS. Long kể.

Lấy nghề kiến trúc nuôi BOARC, không đặt nặng vấn đề thương mại nên anh chàng KTS tài hoa này thoải mái bay bổng trong sáng tác. Anh chia sẻ: “Mỗi tác phẩm ra đời gắn liền với một câu chuyện hoặc sự kiện nên sự hứng thú của mình với các mô hình theo thời gian càng tăng”. Có lẽ niềm đam mê dung dưỡng cho sức sáng tạo khiến bộ sưu tập của anh ngày qua ngày càng dày dặn thêm.

Không chỉ thế, BOARC còn là phương thuốc giúp anh vượt qua những thử thách, mất mát trong cuộc sống.

Tác phẩm “Hồi sinh” mới đây được nhiều người biết đến và VTV1 đã giới thiệu nó trong bản tin thời sự “Hình ảnh từ cuộc sống”. Nung nấu ý tưởng trong 27 ngày giữa lúc cận kề ranh giới sống chết do bị nhiễm COVID-19, người thân qua đời, cả nhà nhập viện. Nằm trên giường bệnh, anh đã bắt tay thiết kế, tác phẩm mang hình dáng một Mandala với hình ảnh người mẹ ngồi dưới gốc cây đang đâm chồi nảy lộc. “Tác phẩm tưởng nhớ người mẹ đã ra đi và nhắc nhớ khát khao đấu tranh sinh tồn, vượt qua đau thương mất mát trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của tôi và bao người ”, Hoàng Tuấn Long bộc bạch.

Sen Huế và lô gô Huế làm bằng tăm giang

Ấp ủ nho nhỏ về một phòng trưng bày

Năm nào cũng về quê, tắm táp trong văn hóa miền Hương Ngự, với người khai sinh ra BOARC, không gian Huế mang lại cho anh nhiều cảm hứng sáng tạo. Trong kho tàng BOARC của KTS. Hoàng Tuấn Long, sen xuất hiện với tần suất cao. Anh kể: “Mình rất thích hoa sen và Phật giáo. Vẽ sen là nhớ đến Huế, nhớ sen hồ Tịnh. Mình có hẳn một bộ sưu tập các sản phẩm liên quan đến sen và sẽ mang về Huế triển lãm nếu có dịp”.

Đem tác phẩm đi trưng bày trong, ngoài nước nhưng chưa làm được một chút gì cho Huế nên ôn mệ chộ mặt cháu cứ “dứ”: “Răng rứa Long hè, làm cái chi mô mà răng khôn làm cái chi cho Huế rứa con”? Vậy là anh chàng xách ba lô về Huế, làm việc với các cơ quan chức năng để chuẩn bị cho ra đời mô hình lầu Ngũ phụng. Bên bữa cơm chay thuần Huế sau chuyến khảo sát, Long hăng hái: “Có thông số cơ bản công trình gốc thì mọi việc sẽ thuận tiện thôi. Mình mê những đường nét của kiến trúc Đại Nội Huế và sẽ tái hiện nét cong uốn lượn này bằng những cây tăm tre”.

Trở lại TP. Hồ Chí Minh nơi anh sinh sống, hăm hở đăng ký tác phẩm tham gia Festival Nghề truyền thống Huế. Lại suy tư về sen, nghĩ ngợi về biểu tượng, lựa chọn hình ảnh về công trình Huế nhưng dịch COVID-19 khiến mọi thứ bị gián đoạn. Nhân buổi gặp mặt giữa lãnh đạo tỉnh với người dân Huế tại TP. Hồ Chí Minh, Tuấn Long tìm đến mang theo tác phẩm để tặng, trò chuyện và nghe ngóng. “Một số anh chị làm trong ngành văn hóa và du lịch rất ủng hộ làm các mô hình công trình kiến trúc tiêu biểu của Huế. Có lẽ đến lúc mình thực hiện lời hứa với ôn mệ và quê hương”, chàng KTS chớm nở về một dự định trong tương lai gần.

KTS Tuấn Long trong chuyến khảo sát ở Đại Nội

Từ sâu thẳm, anh còn mong ước tạo nghề cho trẻ em mồ côi, khuyết tật trong công đoạn làm sản phẩm lưu niệm từ BOARC bởi nghệ thuật tạo ra giá trị cuộc sống mới ý nghĩa bền lâu. Hồi sinh sau biến cố lớn, cha đẻ BOARC đang lên kế hoạch tái hiện các công trình di sản Việt Nam thu nhỏ. Trong kế hoạch dài hơi ấy có cả “ấp ủ nho nhỏ” về một phòng trưng bày riêng anh tại Cố đô Huế.

Nếu công chúng Huế được chiêm ngưỡng những tác phẩm độc đáo từ tăm tre, tôi tin sẽ có người òa lên kinh ngạc trước sự sáng tạo bất ngờ về nghệ thuật tạo hình như câu slogan của Ripley’s: “Believe It or Not”!

Công trình thu nhỏ chùa Một Cột từ BOARC của KTS. Hoàng Tuấn Long được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận vào năm 2016.

Tháng 12/2020, Hội đồng Liên minh Kỷ lục Thế giới - WorldKings trao bằng xác lập Kỷ lục Thế giới “Người đầu tiên sáng tạo và tái hiện các mô hình công trình di sản kiến trúc nổi tiếng thế giới bằng nghệ thuật BOARC”.

Năm 2022, KTS. Hoàng Tuấn Long thực hiện tác phẩm “Vũ trụ Mandala” nhắm tới kỷ lục Việt Nam và kỷ lục châu Á.

Bài: Tuệ Ninh

Ảnh: Tuệ Ninh - Nhân vật cung cấp

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025

UBND TP. Huế vừa thông báo thay đổi địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown - Chào năm mới 2025 (Countdown Huế 2025 - Một Kỷ nguyên mới), đồng thời thông báo Countdown Huế 2025 sẽ là điểm cầu trực tiếp trên sóng VTV chào đón năm mới 2025 cùng với các điểm cầu Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh - Hải Phòng.

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025
Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét

Sáng 18/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch với chủ đề: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển Đất nước trong kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét
Return to top