Ngoài 40 tuổi, điều kiện kinh tế khá giả với nguồn thu nhập 200 triệu/năm từ 3ha rừng và kinh doanh buôn bán, song anh Võ Minh Sơn và chị Hà Thị Mỹ Vân vẫn quyết định dừng lại ở 2 con để nuôi dạy chúng nên người. “Nhiều người vẫn động viên, khuyến khích chúng tôi sinh thêm cho vui cửa vui nhà, điều kiện kinh tế khá thì cứ sinh thêm vài đứa nữa nhưng 2 vợ chồng “nói không” để tập trung nuôi dạy con và phát triển kinh tế”, chị Vân vui vẻ nói.
Trao đổi về công tác truyền thông dân số ở Bình Thành
Không “đủ nếp, đủ tẻ” như gia đình chị Vân nhưng vợ chồng anh Lê Chí Bảo cũng quyết định dừng lại ở con thứ 2 (cả hai con đều là gái). Anh Bảo cho rằng, trai hay gái cũng như nhau, quan trọng là bố mẹ phải có trách nhiệm chăm lo nuôi dạy con cái trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Ở Hiệp Lại, không riêng vợ chồng chị Vân hay anh Bảo mà nhiều cặp vợ chồng khác cũng chung suy nghĩ “dừng ở 2 con”. Sự đồng thuận này là kết quả của một quá trình tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của bà con, nhất là ở một địa phương còn nhiều khó khăn như Bình Thành.
Cán bộ chuyên trách dân số xã Bình Thành, chị Nguyễn Thị Tịnh Thủy – người gắn bó với công tác dân số địa phương hơn 20 năm nay chia sẻ: “Trước đây, việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ rất khó khăn. Cùng với cộng tác viên dân số thôn, chúng tôi phải “đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để tuyên truyền, chỉ rõ tác hại của việc sinh con đông và vận động người dân thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình”.
Với những gia đình sinh con 1 bề hoặc những cặp vợ chồng chưa nhận thức thấu đáo về công tác này, việc tuyên truyền thực hiện theo phương châm liên tục, bền bỉ, mưa dầm thấm đất. Nội dung này cũng được đưa vào sinh hoạt chi bộ và các đoàn thể, lồng ghép vào những chương trình sinh hoạt của các CLB, tính làm căn cứ thi đua, có thưởng phạt nghiêm túc... “Sau khi phân tích thiệt hơn, nhất là cái lợi kinh tế để đưa cuộc sống gia đình đi lên, con cái được chăm sóc chu đáo, 100% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã tự nguyện đăng ký thực hiện, thôn 5 năm liền không sinh con thứ 3”, chị Thủy hồ hởi.
Để đạt được thành quả như vậy, chính quyền địa phương và người dân thôn Hiệp Lại đã phấn đấu gần 15 năm. Bí thư Chi bộ thôn Hiệp Lại Huỳnh Bá Ân vui vẻ kể: “3 lần đăng ký trước (từ 1996-2009), suốt cả quá trình đều “an toàn”, nhưng đến sát thời điểm được công nhận, thôn lại có người vỡ kế hoạch nên đành chịu. Vì vậy, ngoài vai trò của người làm công tác dân số, lãnh đạo chính quyền từ xã đến thôn đều phối hợp chặt chẽ để tuyên truyền, xem đây là việc chung nên rất cố gắng. Nhờ đó, đã hoàn thành kế hoạch 5 năm (được công nhận năm 2014) và vẫn giữ vững đến nay”.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Bình Thành Nguyễn Trung Thành, cái đáng quý là từ nhận thức tích cực, người dân thôn Hiệp Lại và các thôn khác của Bình Thành đã và đang dần hình thành một tư duy mới trong việc sinh ít con để nuôi dạy cho tốt; đồng thời, để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Thôn Hiệp Lại với 52 hộ dân, 238 khẩu, trong đó có 45 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Cách đây chưa lâu, đời sống của người dân phần nhiều khó khăn. Giờ đây, cả thôn không có nhà tạm, chỉ còn 1 hộ nghèo và 50% số hộ có rừng, gần 70% (35 hộ) có thu nhập khá (được công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của thị xã) với nhà cửa khang trang và người dân Hiệp Lại rất tự hào vì thôn không có tệ nạn xã hội. |
Liên Minh