ClockThứ Năm, 22/07/2021 06:15

Hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động vượt khó

TTH - Nghị quyết số 68/NQ - CP của Chính phủ là một trợ lực kịp thời đối với người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 ở Thừa Thiên Huế.

Thêm chính sách giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịchTrợ lực để vận chuyển “vắc-xin” cho nền kinh tếChính phủ ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động khó khăn do COVID-19

Đồng hành cùng người lao động qua mùa dịch (ảnh minh họa)​

Báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Thừa Thiên Huế cho biết, 6 tháng đầu năm 2021 đơn vị tiếp nhận 3.490 hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và 193 hồ sơ hỗ trợ học nghề duyệt mới từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội. Đơn vị đã tổ chức chi trả trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bình quân cho 3.363 người hưởng, với số tiền 10.600 triệu đồng/tháng. Cùng thời gian, BHXH tỉnh đã chi trả trợ cấp 1 lần cho 4.659 người.

Theo Trung tâm Xúc tiến việc làm thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thừa Thiên Huế, tác động của dịch COVID-19 khiến nhiều công ty trên địa bàn bị giảm đơn hàng, các nhà hàng, khách sạn, ngành dịch vụ vắng khách dẫn đến hàng nghìn người lao động bị mất việc. Số lượng lao động nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch tập trung ở các ngành: dịch vụ lưu trú và ăn uống; công nghiệp, chế biến và chế tạo (may mặc); giáo dục đào tạo; vận tải...

Số lao động xin hưởng trợ cấp một lần tăng 5% không cao so với mặt bằng chung, nhưng so với trước đây ở địa phương lại tăng vọt. Chị Nguyễn Thị Yến Anh, nhân viên Khách sạn Hoa Hồng (TP. Huế), đầy tâm trạng: “Hai năm trở lại đây, do dịch COVID-19 nên công việc không ổn định. Sau 1 năm đăng ký, tôi làm thủ tục nhận trợ cấp BHXH 1 lần với số tiền 40 triệu đồng để vượt qua giai đoạn khó khăn. Sau này, nếu tôi có việc làm ổn định, tôi sẽ tham gia BHXH tự nguyện để có lương hưu và ổn định cuộc sống”.

Mặc dù được cơ quan BHXH tư vấn nhiều lần về những thiệt thòi khi thanh toán BHXH một lần đồng nghĩa với việc mất đi cơ hội hưởng lương hưu, khi về già sẽ phụ thuộc vào con cháu và xã hội; nếu không may mắc bệnh sẽ không có thẻ BHYT, phải đối mặt với nguy cơ không thể chi trả nếu bệnh dài ngày… Thế nhưng, cũng như chị Yến Anh, nhiều người lao động vẫn quyết định thanh toán BHXH một lần để sử dụng vào mục đích khác hoặc trang trải chi tiêu cho gia đình.

Sự hỗ trợ cần thiết

Câu chuyện về BHTN chỉ là một khía cạnh. Đại dịch COVID-19 phức tạp đã và đang tác động, ảnh hưởng xấu lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân. Trong bối cảnh đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn.

BHXH Thừa Thiên Huế cũng đã ban hành Công văn số 648/BHXH-QLT hướng dẫn thực hiện giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất; lập, xác nhận danh sách lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương hoặc ngừng việc do đơn vị gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 tại địa phương.

Việc giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp được áp dụng đối với đơn vị sử dụng lao động là các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở giáo dục ngoài công lập, hộ sản xuất kinh doanh cá thể, tổ hợp tác được giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN từ 0,5% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH xuống bằng 0% kể từ ngày 01/7/2021 đến ngày 30/6/2022.  Số tiền có được từ việc giảm đóng quỹ BHTNLĐ-BNN, người sử dụng lao động hỗ trợ toàn bộ cho người lao động.

Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất áp dụng cho các đối tượng, điều kiện hỗ trợ và thời gian thực hiện tạm dừng theo quy định tại Điều 4, Điều 5 và Điều 6 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Số lao động tính giảm so với thời điểm tháng 4/2021 để đơn vị đủ điều kiện được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất được xác định trên số lao động đăng ký tham gia BHXH.

BHXH tỉnh cũng hướng dẫn việc xác nhận danh sách lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm: tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; lao động ngừng việc. Lao động được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm là những người đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên và đơn vị chuyển nộp đủ số tiền phải đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp tính đến thời điểm đơn vị đề nghị hỗ trợ.

Niềm tin được giữ vững

Tham gia BHXH bắt buộc 8 năm, chị Hoàng Anh (Công ty Du lịch Restour) thông tin: “Cách đây 5 năm tôi sinh đôi, do bị mất máu quá nhiều nên bác sĩ chỉ định truyền 2 lít máu. Nếu mua mất khoảng 5 triệu đồng. Do có thẻ BHYT, tất cả các chi phí từ sinh nở đến truyền máu đều được BHXH chi trả. Khi nghỉ sinh, tôi còn được hưởng đầy đủ chế độ thai sản, dưỡng sức”. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19,  nhiều lao động bị mất việc làm. Riêng đơn vị của chị Hoàng Anh vẫn duy trì được việc làm. “Công ty tham gia đầy đủ cả BHXH, BHYT cho người lao động. Chúng tôi coi đây là điểm tựa an sinh cho mình trong bối cảnh kinh tế khó khăn”, chị Hoàng Anh chia sẻ.

Giám đốc Doanh nghiệp chế biến gỗ Phước Long, ông Trần Văn Bình cho hay: “Thời buổi làm ăn khó khăn nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện nợ tiền BHXH người lao động vì sợ những hệ lụy nếu thất nghiệp kéo dài. Thế nên, khi nghe có nhiều chính sách hỗ trợ người và doanh nghiệp trong mùa dịch tôi thấy hợp lý, nhất là giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp và hỗ trợ người, người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất”.

Theo ông Nguyễn Viết Dũng, Giám đốc BHXH tỉnh, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và đơn vị sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 bảo đảm nguyên tắc linh hoạt, kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, tính khả thi cao, giúp người lao động, người sử dụng lao động giảm bớt một phần khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động.

Bài, ảnh: An Nhiên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI là chia sẻ của ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại chương trình gặp gỡ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 do Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Câu lạc bộ FDI tổ chức tối 12/12.

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI

TIN MỚI

Tin đăng tìm việc làm ở tây ninh tại Vieclam24h
Return to top