ClockThứ Ba, 23/01/2024 10:40

Học gói và cùng nhâm nhi bánh pháp lam

TTH - Bánh pháp lam, hay còn có tên dân dã là bánh bó, là loại bánh sang trọng, đẹp mắt có xuất xứ từ cung đình Huế. Tại các lễ hội ẩm thực, bánh thu hút ánh nhìn và sự chú ý của thực khách bởi vẻ đẹp độc đáo, có một không hai.

Chuyện bánh pháp lamGìn giữ và trao truyền cách làm bánh màu pháp lam

 Thư giãn với bánh pháp lam

Nếu chỉ nhìn thoáng qua, bạn khó có thể đếm hết những màu sắc bên trên chiếc bánh: màu vàng của mứt hạt sen, đu đủ, gừng, thơm (dứa); màu đen của nho khô; màu đỏ của cà chua; màu xanh của bí đao; màu cam của vỏ quýt, cà rốt; màu trắng của dưa leo;… gia giảm tùy vào sở thích người làm và khẩu vị thực khách. Năm màu sắc cơ bản của bánh: vàng, đen, đỏ, xanh lá, trắng tượng trưng cho năm yếu tố trong ngũ hành phương Đông: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ; trong đó, màu vàng (tượng trưng cho đất, sự sống) là màu sắc bắt buộc phải có.

Bánh pháp lam có vị thanh thanh, không gắt, ăn vào bùi bùi, deo dẻo. Lần đầu thưởng thức, tôi ngỡ bánh phải ngọt lắm, bởi nguyên liệu kết hợp nhiều loại mứt trái cây và đường, nhưng có lẽ cái vị lành lành của bột nếp đã trung hòa tất cả. Bánh có mùi thơm dịu mát, đưa lên mũi cảm tưởng như đang đứng giữa vườn cây ăn quả mùa hạ. Như rất nhiều loại bánh ngọt khác, bánh pháp lam ngon nhất khi dùng kèm với vị đắng đắng, chát chát của trà.

Kỹ thuật làm bánh không quá phức tạp, nhưng đòi hỏi một chút khéo léo. Người phụ nữ Huế vốn quen với lối sống giản dị, tiết kiệm nên cứ hết tết, hết mùng, các mẹ, các dì sẽ lấy những phần mứt trái cây còn dư bỏ lên chảo, ngào với đường cho sên, rắc bột nếp, bó thành một cuộn như món kim bap của Hàn Quốc (vậy nên bánh mới có tên gọi khác là bánh bó), sau đó xắt bánh thành miếng nhỏ cỡ bằng ba lóng tay, tròn tròn, dẹt dẹt, xinh xinh.

Điểm độc đáo của bánh pháp lam là không chiếc nào giống chiếc nào, mỗi khoanh bánh mang kết cấu, vẻ đẹp và một “câu chuyện” riêng. Dưới ánh nắng mặt trời, những vân mứt hiện lên long lanh và sáng rỡ, tựa như bức tranh lập thể sống động, lớp lang sắc màu đối lập nhưng vẫn tạo nên tổng thể nhu mì và thuận mắt. Bánh dễ thương như một khối rubik nhỏ, nằm gọn trong lòng bàn tay thực khách.

Công đoạn đặc trưng và cũng lắm công phu là gói bánh, và đây cũng là điều khiến món bánh truyền thống này đang đứng trên đà mai một với sự cạnh tranh gay gắt từ các thể loại bánh mới tiện lợi và bắt vị hơn. Bánh được gói từ sáu mảnh giấy màu dài, đo đạc, miết vuốt cẩn thận để khi xếp lại trông gọn gàng, vuông vức và quý phái.

Bánh pháp lam ngày nay không chỉ đơn thuần là một món ăn mà mang nhiều giá trị tinh thần và tình cảm; bánh xuất hiện trong mâm cúng, kỵ giỗ, chưng tết của người dân xứ Huế. Thi thoảng, vào một buổi sáng cuối tuần, bạn hãy đến những buổi workshop học gói bánh hay làm đồ thủ công như một cách để tĩnh tâm và giải tỏa căng thẳng sau những giờ học tập, làm việc vất vả. Sau đó, nhâm nhi bánh với một ngụm trà, đọc một cuốn sách, đàm đạo cùng bè bạn, cảm nhận sự thi vị và an bình của cuộc sống.

Bài, ảnh: Thục Đan
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyện bánh pháp lam

Ở Huế, trong vài năm trở lại đây rộ lên câu chuyện một vài người làm bánh, muốn nâng cho cao sang một loại bánh có tên gọi là pháp lam có chất “cung đình”.

Chuyện bánh pháp lam
Tết Nhâm Dần nhâm nhi mứt ngũ hổ

Tết năm con hổ, anh Trần Thanh Quang (TP. Huế) tỉ mỉ tỉa hình con hổ từ quả đu đủ xanh, củ khoai tây để làm món mứt ngũ hổ dọn mời khách.

Tết Nhâm Dần nhâm nhi mứt ngũ hổ
Không chấp nhưng... khó vui

"Học ăn, học nói, học gói, học mở" là những điều tối thiểu mà tiền nhân luôn nhắc nhở cháu con phải để tâm để sau này có thể xuất xử, giao tế với đời...

Không chấp nhưng  khó vui

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top