ClockThứ Năm, 04/03/2021 14:37

Hội Hòa Lạc ở Huế

Trong xu thế tác động ảnh hưởng của văn minh phương Tây hồi đầu thế kỷ XX, tại Huế xuất hiện nhiều hội đoàn ái hữu quy tụ những người có cùng sở thích, đam mê và cả cùng nguồn gốc, như Hội Mỹ Hòa (nghệ thuật, văn chương và thể thao), Hội ái hữu Quốc Học, Hội ái hữu Trường Kỹ nghệ Huế, các Hội đồng châu Bắc Việt tại Huế, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi tại Huế... Dù ra đời muộn nhưng Hội Hòa Lạc, quy tụ những người đam mê nghệ thuật, văn chương và thể thao, lại có sự góp sức của nhiều võ quan và nhân sĩ, không chỉ tại Kinh đô Huế mà còn hội tụ nhân tài cả nước, đủ các thành phần xã hội.

Ngọc Sơn công chúa từ - Tư dinh của cụ Trung quân Đô thống Nguyễn Hữu Tiễn, Chánh Hội trưởng hội Hòa Lạc (tranh sơn dầu Vĩnh Khánh)

Lễ khánh thành Hội Hòa Lạc diễn ra tại Huế vào ngày 11/9/1937 (7 tháng 8 năm Đinh Sửu). Hội do các tài tử giai nhân, thường dân lẫn quan lại, được cấp phép thành lập, nhằm bảo tồn và tăng cải các điệu âm nhạc nước nhà; chuyên tập các môn thể thao bổ ích cho sự vệ sinh, xem sách đọc báo thêm kiến thức. Nhờ mục đích, tôn chỉ ấy mà chỉ sau gần một tháng, hội đã thu hút hơn 60 hội viên, trong đó có nhiều tài sắc khắp ba kỳ, chung tay khai thiết đại lễ khánh thành tại nhà hội quán tạm thời ở ngã tư Anh Danh, do cụ Trung quân Đô thống phủ Đô thống Nguyễn Hữu Tiễn làm Chánh Hội trưởng.

Đúng 8h tối, hội quán treo đèn kết hoa, hội viên nam nữ cùng quan khách tề tựu đông đủ, ước chừng 160 người tham dự, với đầy đủ các giới tinh hoa ở Kinh kỳ. Dù chưa nhiều nhưng trên phương diện tài ba văn vật thì đúng là “Người tài tử khách để đình/Biết bao nhiêu đấu chung tình mà đong”. Ông hội trưởng nói lời cảm tạ mọi người đã có lòng nhiệt thành đối với tôn chỉ của hội mà đến tham dự. Ông giải thích hai chữ Hòa Lạc chỉ nghĩa hòa và vui, có vậy mới bền, có bền mới đạt được mục đích của hội, để bảo tồn âm nhạc, mà đồng minh kiến văn, bảo vệ thân thể. Bà con hội viên toàn những người có tài năng, có tư tưởng, có tánh tình, nên cùng nhau kết nghĩa thân thiện để lấy sự đào tình dưỡng tính để đạt được sự tương giao, có nhân phẩm tốt. Nếu ai “không đủ tư cách đó thì hội chẳng dám nhận làm hội viên”.

Về tài chính, hội chủ trương chẳng phải trọng phần lý tài mà bỏ chữ liên tài, nên người có tài âm nhạc, văn chương, thể thao mà gia cảnh khó khăn thì khỏi đóng góp tiền vào hội và hội phí hàng tháng. Ông tha thiết xin bà con nhận lấy mấy lời thô thiển đó để vào hội ngày càng đông.

Chương trình lễ khánh thành thực sự là một cuộc chơi, chơi từ 8h30 tối đến 3h30 sáng, mọi người sôi nổi nói chuyện, uống trà và chơi nhạc. Ông Ưng Thiều - Đốc học Trường Chaigneau làm Phó Hội trưởng, đem những bài thi ca, ca trù ra trình diễn, các ông hội viên đã đọc các bài ca, ngâm bài thơ và ca trù, mọi người đồng loạt vỗ tay tán thưởng, không khí vui tươi, phấn khởi bởi trông thấy nhân tài ba miền hội tụ một nhà, trổ ra những tài nữ đặc sắc.

Vị Hội trưởng lại mời hội viên dự tiệc bánh trà, bắt đầu cô Thu nương ca một khúc Phú Lục, hai khúc Nam Bình; ông Tôn Thất Cảnh (hiệu Tuyết Mai) chơi violon khúc tân thanh, theo ca âm điệu thức rất thanh kỳ tuyệt diệu, công chúng rất khen ngợi và thưởng thức, cho là có tài nhạc khí tây mà phổ theo âm nhạc ta, đã biết trau dồi một tài năng đặc biệt.

Sau đó, lại tiếp một cuộc hòa nhạc có ba nữ danh ca Thu nương, Thuyền nương và Hường nhi, mỗi người có một giọng: Thu nương giọng ấm thanh, xong điệu rất du dương và uyển chuyển phân minh. Thuyền nương giọng tuy nhỏ mà thanh, xong điệu rất hòa hoãn, khi trầm khi bổng nghe rất não nùng. Hường nhi giọng hòa mà thấp, xong điệu nghe tình tứ và thâm trầm, mỗi khi dứt một bài thì nghe như mang theo một mối u sầu oán hận.

Ba cô lần lượt ca Nam khách, hát mái đẩy theo những cây tỳ của ông Tôn Thất Kiêm, cây nguyệt của ông Ngũ Đại, cây nhị của ông Nguyễn Quảng, cây violon của ông Tôn Thất Cảnh, cây độc huyền của ông Lý Vũ, cây tranh của ông Nghè Toản... mà hòa với nhau, toàn là những tay danh cầm, danh ca, thật đã nên những tiếng oanh vàng ríu rít, mạch nước tuôn rơi, khi véo von như vượn hú đầu gành, lúc trong trẻo như hạt qua luồng gió, thảnh thót châu rơi bàn ngọc, nhạc khoan quyên gọi trăng hè, khiến cho hội trung nhân cùng nhau thêm mối cảm tình chan chứa.

Cuộc ca rồi đến hát, một lớp tuồng Lưu Khánh, do hai ông hội viên hát một hồi rất hùng tráng, oai nghiêm. Ai ngờ chữ đồng thanh tương ứng mà lại có một bà lão đã ngoài nửa đời người vẫn còn mơ tưởng đến vòng tuổi trẻ ngứa nghề cũ vào hát mấy khúc thật tài tình. Khúc xưa nghe rất thú, như mưa tuôn thác đổ, lại như hạt lệ long ngâm, hoặc bảo rằng cù dậy, hoặc nói rằng sấm vang, quãng một thanh điệu huyền ca mà nay lại thâm trầm, xưa sao hùng tráng. Điều ấy đủ khiến cho ta nhớ đến câu “Di phong dịch tục mạc thiện ư nhạc”, cũng nên làm thế nào mà biết thẩm âm nhạc để rõ sự dinh du. Bà lão đem theo cháu gái chừng 8 tuổi, ai cũng tưởng để xay trầu, nhưng không phải, đem theo mà ca mới thật lạ. Cô bé ca được những bài Cổ bản, Nam bình, Nam ai rất đúng nhịp mà sang điệu nghe cũng du dương uyển chuyển như người lớn. Một tấn tuồng cháu trẻ bà già được công chúng hoan nghênh vỗ tay vang dội.

Buổi hôm đó có đủ hạng người tài nghệ các lứa tuổi, thành phần xã hội, được nối kết bằng một mối tình thân thiện hiếm có, với mong muốn Hội Hòa Lạc càng ngày càng phồn thịnh để đánh thức, khơi dậy những tâm hồn, khát vọng và tài năng thi ca nghệ thuật chốn Thần kinh vốn nổi tiếng tri âm cùng hai miền Nam Bắc. Điều đó trước tiên cần được khởi xướng từ nhân tâm của chính những hội viên Hội Hòa Lạc, để mong sánh cùng hai miền Nam Bắc, đã từng có nhiều hội nhạc được lập nên để bảo tồn âm nhạc nước nhà, để canh cải những khúc điệu mới cũ... Chính ở xứ sở Thần Kinh văn vật bao năm, không ai lại nỡ để cho mỹ thuật “chẳng cầm cho vững lại dày cho tan” được! (Vân Bình, “Cuộc khánh thành hội Hòa Lạc”, Tràng An báo, số 258, 24/9/1937).

Chính những hội đoàn văn hóa nghệ thuật như hội Hòa Lạc, hội Mỹ Hòa, đã mang lại nhiều hoạt động và không khí sôi động đặc sắc của một vùng văn hóa xứ Kinh kỳ. Môi trường độc đáo đó đã tác động trở lại, kịp thời nuôi dưỡng, đào tạo những tố chất, tài năng văn hóa nghệ thuật đến ngày ra hoa kết trái.

Trần Đình Hằng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025

UBND TP. Huế vừa thông báo thay đổi địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown - Chào năm mới 2025 (Countdown Huế 2025 - Một Kỷ nguyên mới), đồng thời thông báo Countdown Huế 2025 sẽ là điểm cầu trực tiếp trên sóng VTV chào đón năm mới 2025 cùng với các điểm cầu Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh - Hải Phòng.

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025
Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục

Ngày 18/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện Thông tư số 26/2017/TT-BGDĐT và Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT về quy định quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục
Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

Chiều 18/12, tại Khách sạn Saigon Morin diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát huy giá trị âm nhạc truyền thống Huế trong phát triển văn hóa, du lịch” do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức.

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống
Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét

Sáng 18/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch với chủ đề: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển Đất nước trong kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét
Return to top