ClockChủ Nhật, 20/10/2024 14:44

Hong củi sưởi ấm quê

TTH - Tháng Mười, những cơn gió lành lạnh vi vút cửa sổ bên nhà, lớp bùn đất, cây cối ngổn ngang sau trận bão đang nằm chờ tay người dọn. Mẹ đứng ngồi không yên, ra vào liên tục. Chiếc nón lá ngấm nước bao ngày nay, đã đen và có dấu hiệu mốc. Mùi ẩm ướt bay khắp gian nhà vừa mới được chút nắng le lói chiếu qua. Cứ thế rồi tháng Mười đến, mang theo những mong manh ùa về nơi căn bếp ám mùi khói chiều. Dàn củi được mẹ sắp ngay ngắn, củi tươi, củi khô để tách riêng, củi lớn mẹ dùng để nấu bánh, chạy mối buổi sáng sớm.

Nhớ gác bếp của ngoại

 

Chưa bao giờ có trận bão lớn như thế, nhìn lên trên đồi cao, chỉ thấy một màu nâu đỏ, đùng đục chảy ngồn ngộn về dưới xuôi. Nhà mình cặp mé sông, bao năm rồi, được chính quyền địa phương gia cố, làm đê và cải tạo đường đi nên những mùa bão lũ, mẹ cũng không phải lo nhiều. Nhưng năm nay, phía bờ đê xóm trên nứt toác ra, đường nứt chạy dọc tới tận gần cánh đồng làng, bao nhiêu hoa màu chìm trong biển nước, mẹ âm thầm đứng tựa cửa trông ra.

Tháng Mười khẽ khàng đặt chút gió lên mái tóc lấm tấm bạc của mẹ, rải đều những mảnh vụn nắng mới lên đống củi mẹ chặt chiều hôm qua, năm nay nhà không bị lũ cuốn mất thứ gì, nhưng lòng mẹ chộn rộn biết bao. Đứng chặt củi, ngồi xếp củi, mẹ không thôi nghĩ về đồng bào miền Bắc, về những bà con xung quanh xóm của mình. Mỗi khi bật chương trình thời sự lên thôi, như có ai đó bóp nghẹt trái tim người đàn bà luống tuổi. Dòng nước mắt lăn dài trên gò má nám sạm vì thời gian. Qua màn hình điện thoại, lúc nào mẹ cũng hỏi “tụi con đã ủng hộ đồng bào mình chưa?”. “Tất nhiên là rồi chứ mẹ”. Biết rằng chẳng bao nhiêu cho đủ để bù đắp những mất mát mà mẹ thiên nhiên đã gây ra cho những con người vùng lũ.

Đây Làng Nủ, Bản Cái, Nậm Lúc... kia là những địa phương như Cao Bằng, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Bắc Giang, Quảng Ninh... hôm nào mẹ cũng nghe tin tức, chỉ biết ôm chiếc điện thoại vào lòng thổn thức, xót xa. Chắc hẳn những địa phương kia, những con người của đồng bào mình, đã phải sống trong sợ hãi, hoảng hốt và tột cùng đau khổ khi liên tục nhận những tin dữ về người thân. Cứ thế, tháng Mười đi qua làng, qua bản, qua con đường mòn đầy những bùn đất chỉ chực chờ bắn lên người bộ hành.

Tháng Mười đã về chậm chậm như thế, để mỗi sáng thức dậy, mẹ lại tất bật với công việc, giao hết nồi bánh chưng cho hàng, lại cặm cụi bên những nhánh củi, mong nắng về hong khô, mang theo chút hơi ấm nồng nàn để sưởi ấm những tâm hồn mỏng manh ngoài kia. Đâu đó, tiếng chim líu ríu chuyền cành, lí lắc đầu, bổ chiếc mỏ nhọn xuống những quả thơm trên cây, vườn nhà khởi sắc, nhú lên những bông cúc dại trắng.

Tháng Mười, con đang ngồi đây, nhớ về những em nhỏ hồn nhiên, trong veo nơi bản làng xa xôi miền Bắc. Nhớ năm nào cũng tới thời gian này là rậm rịch vào mùa tam giác mạch, mùa của những hồng tươi, mùa của bạt ngàn cổ tích. Những em nhỏ gùi trên lưng bao nhiêu hoa xuống đường đón khách du lịch, tết vòng đội đầu và lẽo đẽo sau bước chân mẹ đến trường.

Giờ đây, con chỉ mong những đám củi kia, đủ ấm để sưởi những tâm hồn mỏng manh vừa trải qua giông bão. Mẹ sẽ gói những phần quà nhỏ xinh, gửi theo yêu thương lên núi cao, lên vùng bị lũ lụt của quê mình. Giang rộng vòng tay, đón những điều mới mẻ đến với quê nhà. Sau bão, trời lại sáng, và tháng Mười về, mẹ sẽ lại hong củi, sưởi ấm quê.

Thụy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên
Return to top