Nhịp sống trên dòng Hương giang
Thiên nhiên và con người có thể bị cấm cản bao nhiêu điều bởi động lực trái chiều hay hoàn cảnh ngăn sông cách núi nhưng không có trở lực nào, không có ai ngăn cấm được giấc mơ. Có những giấc mơ huy hoàng kỳ vỹ; nhưng cũng có những giấc mơ bình thường và nhỏ bé đến độ không ai nghĩ tới. Những ngày đại dịch COVID-19, người ta mơ một hơi thở tự do không che chắn phòng ngừa hay một cái bắt tay với người thân mà không phải e dè đề phòng lây nhiễm. Thế nhưng dễ gì vô tư hay thoải mái đem niềm ước mơ nhỏ bé này vào hiện thực mà không bị kỳ thị hay khước từ.
Ngày còn đi học trường làng, đêm đêm đứng sau hàng tre nhìn lấp ló ánh đèn điện của thành phố Huế tỏa sáng trong đêm, tôi thường ước mơ làng mình có điện, con đường bùn đất lên Huế trải sỏi để khi trời mưa đi bớt trượt chân.
Ngày tóc bạc muối tiêu, tôi về làng. Đêm có đèn điện, sáng rửa mặt bằng nước máy, bếp nấu bằng gas thay cho rơm và củi, có cả wifi chạy nhanh hơn cả ở Mỹ vì người dùng còn thưa và có cả con đường mới đổ xi măng chạy xe máy thẳng lên thành phố Huế chỉ mất mươi, mười lăm phút.
Nếu giấc mơ của tôi ngày xưa dừng lại trước cổng làng và ngăn được bước tiến của thời gian thì kể như ước mơ đã thành hiện thực. Nhưng sau ba bốn chục năm ở xứ người, có cơ hội du lịch đi đến nhiều xứ sở khác quê hương mình thì giấc mơ một thời cũng theo thời gian mà thay hình đổi dạng, nhất là khi nghĩ về Huế. Giấc mơ quê hương xứ Huế sẽ thành một thành phố xanh, một trung tâm du lịch có tầm cỡ quốc tế có thể nói là một ước mơ có khả năng thực hiện nhất.
Thế giới có khoảng 200 địa điểm du lịch nổi tiếng rải rác khắp hành tinh, kể cả những kỳ quan thiên nhiên và do bàn tay cùng trí tuệ của con người góp phần dựng nên. Trong các tài liệu du lịch uy tín đáng tin cậy, Việt Nam có 3 trung tâm du lịch đã được liệt kê trong danh sách “50 điểm du lịch nổi tiếng toàn cầu”, đó là Hà Nội (thường được kèm luôn với Hạ Long và Sapa), Hội An và Vịnh Hạ Long.
Huế tuy chưa đạt tầm mức “chốn du lịch nổi tiếng thế giới” được biết nhiều và nêu danh, nhưng các tiêu chuẩn cơ bản về thiên nhiên, địa lý cũng như lịch sử nhân văn, xã hội và con người Huế có thế mạnh và tiềm năng tích cực nhất so với các lĩnh vực ở tầm mức quốc kế dân sinh khác.
Thừa Thiên Huế có vị trí rất đặc biệt, nhiều địa điểm du lịch để mở rộng khai thác. Huế còn có thêm “tuyệt chiêu” hấp dẫn nhất với ngành du lịch thế giới và quyến rũ du khách bốn phương còn hơn cả trà đạo và cơm cuộn Sushi Nhật Bản, đó là nghệ thuật ẩm thực độc đáo mà có nơi, có lúc được nâng lên hàng… triết lý! Nhà nghiên cứu ẩm thực thượng thừa thế giới Anthony Bourdain, từng ngồi ăn cơm Hến và bún bò chợ Đông Ba, đã kêu lên “Bún bò Huế là món súp ngon nhất thế giới” và sau đó đã viết cũng như phát biểu trên các hệ thống truyền thông ca tụng nhiệt thành đồ ăn Việt Nam. Tiếc là Bourdain chưa uống nước chè xanh bỏ gừng của Huế để có dịp so sánh với trà Ô Long của Trung Quốc và trà xanh của Nhật.
Thế mạnh vượt trội là những quần thể di tích lịch sử như Hoàng thành, đền đài, lăng tẩm… mang dấu ấn vương quyền nhà Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
Từ khi xa Huế và trở về Huế sau những thập niên, những đứa con viễn xứ cảm thấy thật ấm lòng khi Huế vẫn còn là Huế. Huế có những cột mốc thiên nhiên và di tích lịch sử kế thừa qua bao thế hệ: Sông Hương, núi Ngự, Đại Nội, Hoàng thành, lăng tẩm... cột mốc còn thì Huế vẫn còn.
Tôi có dịp trở lại thăm những thành phố nổi tiếng thế giới sau ba mươi năm, nơi nào cũng có những sự thay đổi phù hợp với trào lưu tiến hóa của kinh tế và xã hội. Những Paris, London, Rome, Tokyo… Thậm chí, nơi có nhiều sự thay da đổi thịt nhanh nhất như Thượng Hải, tuy thay đổi nhiều nhưng vẫn còn giữ được lai lịch, cốt cách và những dấu ấn lịch sử, văn hóa trường tồn của nó.
Về lại Huế, thành phố nhỏ nhắn này tuy có những sự thay đổi lớn nhưng nơi đâu cũng còn dấu tích một thời. Thật đáng vui mừng cho người dân Huế khi dọc bên hai bờ sông Hương, từ đồi Vọng Cảnh đến cửa Thuận An, nước vẫn còn trong xanh bình thản xuôi dòng. Hai bên bờ sông Hương vẫn còn không gian khoáng đạt có nơi vẫn còn xanh mướt những cụm lau lách hồn nhiên mượt mà mát mắt.
Tất nhiên không có ai mong rằng, Huế vẫn mãi là “nàng công chúa ngủ trong rừng”. Người ta mong Huế cùng tiến bước với cả nước qua những công trình xây dựng bề thế mang tính thời đại. Nhưng Huế không thể làm một cuộc “đổi đời” mất hẳn dáng xưa và xóa đi dấu tích lai lịch của chính mình.
Nếu có chăng sự chậm lại của những công trình xây dựng bởi cần có thêm thời gian cho những thăm dò và thực hiện cẩn trọng thì những bước đi sau không có nghĩa là tụt hậu hay kém phát triển. Ngược lại, đó là những bước đi có cơ sở vững vàng để xây dựng thành phố Huế ước mơ. Giấc mơ Huế của tôi là Huế sẽ vươn lên không ngừng nhưng bao nhiêu năm sau, Huế vẫn còn là Huế.
Thời gian và đà tiến hóa có thể làm lu mờ hay chuyển biến lai lịch của cả một xã hội, một triều đại, nhưng không dễ có một sức mạnh nào có thể hủy hoại lịch sử nhân văn. Lịch sử nhân văn đó là những công trình văn hóa vật thể và phi vật thể. Công trình văn hóa mang tính vật thể của Huế là sông núi, đền đài lăng tẩm. Gia tài nhân văn phi vật thể của Huế là những tác phẩm nghệ thuật quý tộc cung đình và câu ca, điệu hát, tiếng hò… bình dị nhân gian.
Huế sẽ cùng với cả nước đi về phía trước theo nhu cầu và nhịp tiến hóa của thời đại.
Nhiều trăm năm sau, những thế hệ tương lai khi nhắc về Huế không phải là nhắc đến những phế tích mà nhắc đến một thành phố du lịch cổ kính, sinh động, phong phú nguồn lịch sử và đậm tính nhân văn.
Bài: Trần Kiêm Đoàn
Ảnh: Ngọc Lục Bảo