ClockThứ Bảy, 10/10/2020 06:30

Khi hệ thống chính trị vào cuộc cùng bảo hiểm xã hội

TTH - Dưới sự lãnh đạo sát sao của cấp ủy Đảng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hiệu quả hoạt động của bảo hiểm xã hội Thừa Thiên Huế ngày càng khởi sắc.

Bảo hiểm xã hội tự nguyện: “Của để dành”Nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Khen thưởng cá nhân xuất sắc trong công tác bảo hiểm

Định rõ hướng đi

Thực hiện Nghị quyết số 28/NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế ban hành Chỉ thị 25 - CT/TU, ngày 05/4/2018 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện các chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới; UBND tỉnh quan tâm, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế xác định, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về BHXH gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đưa chỉ tiêu phát triển BHXH vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố. Đặc biệt, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng trong tham gia xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện chính sách BHXH; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong giám sát, phản biện xã hội, tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt chính sách, pháp luật về BHXH.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ  BHXH Thừa Thiên Huế là tiếp tục lãnh đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện chính sách BHXH và BHYT; giải quyết đầy đủ, kịp thời các quyền lợi về BHXH, BHYT cho người tham gia; hoàn thiện cơ sở hạ tầng, từng bước hiện đại hóa hệ thống quản lý BHXH, BHYT, BHTN; đẩy mạnh giao dịch điện tử; quản lý và sử dụng văn bản điện tử trong hệ thống cơ quan BHXH.

Cánh tay nối dài

Chị Lê Thị Thu Hương, công chức thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền, chia sẻ: “Ngoài tuyên truyền thông qua các hội nghị, tôi duy trì việc đến từng nhà người dân vào buổi trưa hoặc tối. Chuyện trò, giải thích và tư vấn cụ thể để họ hiểu là điều rất khó. Có những gia đình phải tới lui nhiều lần họ mới tham gia BHXH tự nguyện”. Chị Hương vận động được 160 người tham gia BHXH tự nguyện trong 8 tháng đầu năm 2020, vượt 57% so với kế hoạch giao.

Còn chị Nguyễn Thị Chung, cán bộ văn hóa xã hội xã Hương Phong (thị xã Hương Trà) thì cho biết, mặc dù lực lượng lao động trên địa bàn chỉ hơn 300 người, nhưng năm 2020 toàn xã đã có 45 người tham gia BHXH tự nguyện, vượt 250% kế hoạch giao. Chị và đồng nghiệp tích cực vận động người thân trong gia đình, hàng xóm, bạn bè... Chị còn tận dụng mạng xã hội đăng tải những nội dung, chính sách về BHXH tự nguyện, được đông đảo bạn bè tham gia không chỉ cho mình mà còn tham gia cho cả người thân.

Thực hiện Nghị quyết số 28 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, BHXH tỉnh tăng cường việc mở rộng, nâng cao hiệu quả của các đại lý thu, xây dựng các đại lý chuyên nghiệp, hoạt động hiệu quả. Toàn tỉnh có 145 đại lý thu UBND xã, phường, thị trấn với hơn 1.000 nhân viên năng động, nhiệt tình và trách nhiệm. Họ thực sự là “cánh tay nối dài” của cơ quan BHXH.

Phát huy vai trò cấp ủy 8 tháng của năm 2020, số người tham gia BHXH tự nguyện ở Quảng Điền gấp hơn 2 lần năm 2019. Ngoài việc tham mưu UBND huyện ban hành quyết định về việc giao chỉ tiêu cho đại lý thu, BHXH huyện chủ động phân công cán bộ phụ trách từng địa bàn để trực tiếp chỉ đạo. BHXH huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn, trực tiếp là Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân tổ chức hội nghị đối thoại, tuyên truyền chính sách về BHXH tự nguyện, BHYT. Việc tạo lập nhóm zalo có sự tham gia của lãnh đạo các xã, thị trấn góp phần quan trọng vào việc trao đổi kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi tối đa trong triển khai thực hiện.

Năm 2019, Lộc Trì và trước đó một năm (2018) xã Vinh Hiền được công nhận nông thôn mới, thoát ra khỏi danh sách các “xã bãi ngang” và đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho số người tham gia BHYT toàn huyện Phú Lộc năm 2019 giảm 2% so với năm 2018. Giúp người dân vượt qua tâm lý ỷ lại vào sự bao cấp là trách nhiệm của cấp ủy và chính quyền các địa phương. Cả hệ thống chính trị của các địa phương được huy động vào công việc nhân văn này. Chỉ tiêu về phát triển BHYT đã được xác định rõ trong nghị quyết của các cấp ủy Đảng, HĐND và kế hoạch kinh tế - xã hội hằng năm của UBND xã của các xã vừa thoát khỏi danh sách “xã bãi ngang”.

Phát triển BHXH tự nguyện bền vững, hướng tới BHXH toàn dân cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, việc phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương là giải pháp then chốt, giúp người dân hiểu rõ quyền, lợi ích của tham gia BHXH tự nguyện, tạo được sự đồng thuận của xã hội.

Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế tại Đại hội Đảng bộ BHXH tỉnh nhiệm kỳ 2020- 2025 khẳng định mục tiêu phấn đấu nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; xây dựng  Đảng bộ vững mạnh và toàn diện; cơ quan, BHXH chuyên nghiệp, hiện đại, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.

Bài, ảnh: HUẾ THU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hiệu quả từ phối hợp “3 bên”

Sau khi triển khai ký kết quy chế phối hợp nhằm tăng cường mối quan hệ giữa 3 bên, gồm: Cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH), Ban chỉ đạo (BCĐ) cấp xã và Tổ chức dịch vụ thu, số người tham gia các loại hình bảo hiểm tăng đột biến.

Hiệu quả từ phối hợp “3 bên”

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top