ClockChủ Nhật, 27/03/2022 05:24

Khi nào thành phố ra tới làng mình

Hồn quê giữa phố

Ra khỏi cửa Hậu, đổ dốc cầu Bạch Yến rồi băng qua khu đô thị Hương Sơ đang rộn rạo sầm uất từng ngày, Tỉnh lộ 19 mở ra trước mắt mênh mông ruộng đồng xanh kín màu mạ non. Khu định cư mới cho người dân Thượng Thành được xây dựng rất nhanh, chưa đầy một năm mà nhiều mẫu ruộng đã “hóa kiếp”. Nhìn những căn nhà khang trang mọc lên trên những con đường dọc ngang bàn cờ, những hàng cột điện thẳng tắp cao vời, những hố cây trồng mới lên đọt non… lòng thoáng chút bùi ngùi. Màu xanh của những ruộng lúa vùng ngoại ô Hương Sơ, Hương Toàn như đang co rúm lại vì ngàn vạn khối đất chồm lên.

Ngay sát khu dân cư mới đang lấn ra ruộng, có một con mương nước khá rộng vốn dùng để tưới tiêu ruộng đồng lâu nay. Thường năm xen giữa vụ hè thu, bà con tranh thủ thả sen. Dưới cái nắng hè chói chang nhưng lộng gió, ngàn vạn đóa sen hồng bung sắc, tiếp với những trà lúa vàng ruộm tạo nên một bức tranh đồng quê đẹp ngây ngất, mê hồn. Mai này con mương sẽ được thay thế bằng đường cống hộp đi ngầm dưới đất. Người đàn ông chủ ruộng đang tranh thủ rải phân cho vụ mới, thỉnh thoảng ngừng tay nhìn về phía khu đô thị. Những ngôi mộ tổ tiên trên ruộng làng đã được di dời. Qua hết vụ đông xuân này, những sào ruộng nhà anh cũng sẽ hóa kiếp thành phố mới. Tôi nhìn anh rít hơi thuốc run run qua kẽ tay, nhìn con mương mặt nước trong xanh soi từng cụm mây trời, trôi một dòng hoang hoải.

“Khi nào thì thành phố ra tới làng mình?”. Nhớ chiều cuối năm ngồi nhâm nhi chén rượu với bà con trong làng, có người hỏi cắc cớ. Tính từ cái mép “đất giải phóng mặt bằng” khu quy hoạch ra tới đây chỉ còn không đầy sáu cây số, lo sợ là phải. “Làng mình”, một ngôi làng văn vật hiền hòa nép mình bên dòng sông Bồ xanh mát, may mắn vẫn còn “thuần nông”. Thành phố chưa ra tới đây, nhưng người thành phố đang tìm về đây. Những tấm biển “Bán đất”, “Mua đất khu vực này” móc trên các thân cây dọc đường làng lắc lư theo gió sông. Giá đất tăng chóng mặt “không hiểu nổi”. Bây giờ người ta toàn mua đất “qua vệ tinh”, theo dõi và chỉ đạo từ xa, chỉ cần có một “cu em” tại chỗ chụp ảnh, ghi diện tích, tọa độ… rồi cứ thế chốt giá. Dân “làng mình” thật thà rau má cá lồng, chỉ biết đứng nhìn nước sông trôi lững lờ…

Không khó để tìm những minh chứng cho cơn lốc đô thị hóa đã nuốt chửng bao nhiêu ngôi làng xưa cổ. Những chiếc cổng làng vùng Hương Thủy, Hương Trà, Phú Vang… giờ nằm ngay mặt tiền đại lộ thênh thang. Ngôi đình làng cổ kính tịch mịch chịu bí bách giữa những bức tường phố mới. Con người không ngừng sinh sôi mà đất vẫn chỉ từng đó...

“Làng mình xưa nay an ninh an toàn nhất vùng, đêm ngủ xe máy dựng ngoài sân không khóa, nhà mô mất một cây mai đã rúng động cả làng…”, chú Sáu nói vậy. Nhưng chú nói thêm, “nhưng năm, mười năm nữa thì không chắc mô nghe…”; khiến tôi chợt nhớ người nông dân tay run run rít hơi thuốc nơi chân ruộng Hương Sơ có con mương nước trôi một dòng hoang hoải.  

“Khi nào thì thành phố ra tới làng mình?”.

PHẠM NGUYÊN TƯỜNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương

Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là một sự kiện lớn của Thừa Thiên Huế. Sự kiện này mở ra cơ hội để Huế phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội (KT-XH). Tuy nhiên, còn ít doanh nghiệp (DN) có kế hoạch tận dụng bối cảnh này để phát triển, mở rộng quy mô.

Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương
Bầy chim trong thành phố

Nghĩ về những chú chim quẩn quanh trong lòng phố, không dưng tôi thấy lòng lâng lâng niềm vui khó tả.

Bầy chim trong thành phố
Return to top