NLĐ ở khu công nghiệp Phong Điền làm thủ tục nhận trợ cấp BHXH 1 lần
Chớ ham tiền “một cọc”
Gặp tôi, chị Nguyễn Thị Kim, phường Phước Vĩnh (TP. Huế), làm công nhân sản xuất nhựa ở một DN trên địa bàn TP. Huế, trải lòng: Sau 10 năm làm thợ, sức khỏe giảm sút rõ rệt. Tôi muốn nghỉ việc sớm, làm thủ tục hưởng trợ cấp BHXH để có một số vốn làm ăn". Tôi hỏi có lo lắng cho tương lai khi về già khi không có sổ hưu, chị Kim cười: "Tới đâu hay tới đó, chừ cuộc sống khó khăn quá khi cả gia đình trông vào thu nhập của tôi”. Chị Kim đã nhận “một cọc”được 25 triệu đồng tiền trợ cấp BHXH với bao dự định. Thế nhưng, không đành lòng dành dụm, chị dùng số tiền đó mua cho con chiếc xe máy cũ đi làm, sửa chữa tường rào và không quên sắm thêm đồ đạc trong nhà. Bao công sức bỏ ra trong những năm tháng thanh xuân để mong tích cóp lúc về già bỗng chốc bay… vèo.
Có dịp gặp lại tôi, chị Kim tiếc lắm, bảo giá như biết tính toán thì đã không đến nỗi. Chị đã làm lại từ đầu bằng cách đóng BHXH ở doanh nghiệp mới. Tuy nhiên, ở độ tuổi của chị khó tìm được một việc làm ưng ý. Sau 1 năm chưa có việc làm ổn định, chị chẳng có tiền đóng tiếp nên đã làm thủ tục nhận trợ cấp BHXH lần hai. Trường hợp nhận BHXH trợ cấp lần 2, lần 3 như chị Kim trên toàn tỉnh vẫn nhiều, thậm chí có người đến lần thứ 4 thì chấp nhận ra khỏi hệ thống an sinh xã hội do “lực bất tòng tâm”.
Theo BHXH Thừa Thiên Huế, số tiền lao động nhận một lần không nhiều, những người làm việc từ 5 năm đến 10 năm cũng chỉ nhận mức trợ cấp BHXH tầm từ 25 đến 30 triệu đồng. Chi tiêu không đúng mục đích, họ mất đi cả chục năm làm việc, trong khi tối thiểu đóng BHXH 20 năm đã có lương hưu.
Sổ hưu vẫn hơn
Số liệu thống kê của ngành BHXH cho thấy, nếu như năm 2017, toàn tỉnh có 5.467 lao động nhận trợ cấp BHXH 1 lần thì 7 tháng đầu năm 2018 đã có gần 4.200 người làm hồ sơ nhận trợ cấp BHXH. Bình quân, mỗi năm trên địa bàn tỉnh có 2 người tham gia BHXH thì lại có một người ra khỏi hệ thống này.
Ông Nguyễn Xuân Tiếu, Phó Giám đốc BHXH Thừa Thiên Huế, phân tích: Nhận BHXH một lần, NLĐ sẽ thiệt thòi rất lớn. Với mức 22% tiền lương tháng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất thì một năm tổng mức đóng là 2,64 tháng lương, trong khi mức hưởng BHXH một lần cho mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 2 tháng lương. Như vậy, NLĐ bị thiệt mất 0,64 tháng lương. Lấy bài toán người lao động có 20 năm đóng BHXH với mức tiền lương đóng BHXH là 4 triệu đồng/tháng, ông Tiếu lý giải: Nếu lãnh chế độ một lần thì người lao động chỉ được nhận 124 triệu đồng, nhưng nếu hưởng lương hưu thì lao động nam được tổng cộng 516 triệu đồng (sau khi về hưu, nam giới trung bình sống hơn 18 năm tương ứng với 217 tháng hưởng lương hưu) và nữ được 756 triệu đồng (nữ giới là 24,5 năm tương ứng với 294 tháng). Ngoài lương hưu, người về hưu còn được cấp thẻ BHYT, khi chết được mai táng phí, thân nhân được hưởng tuất một lần hoặc tuất hàng tháng với con dưới 18 tuổi, người già, người bệnh.
Phần lớn những người nhận BHXH một lần là những lao động không có việc làm bền vững. Cũng phải thấy rằng, những quy định, chính sách BHXH vẫn chưa thực sự hẫp dẫn. Để được hưởng lương hưu thì phải tham gia đóng BHXH 20 năm, phải đủ tuổi đời để nghỉ hưu. NLĐ không có được nhiều sự lựa chọn.
Thay đổi từ nhiều phía
Một trong những lý do khiến NLĐ muốn nhận trợ cấp BHXH một lần là điều kiện hưởng quá đơn giản, chỉ cần họ nghỉ việc một năm không tiếp tục tham gia BHXH là được hưởng chế độ. Không ít lao động nản lòng khi điều kiện tối thiểu về thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu lên đến 20 năm.
Nhân viên ngành BHXH khó tư vấn khi lao động đến làm thủ tục nhận trợ cấp BHXH một lần. Nhiều người lập luận, họ lớn tuổi, không doanh nghiệp nào ký hợp đồng thì làm sao đóng tiếp BHXH. Lương làm thời vụ một tháng được 3 triệu đồng, trích đóng 22 % BHXH tự nguyện thì cả gia đình lấy gì để sống. Trong khi, lao động thường đóng BHXH mới chừng10 năm.
Nhiều ý kiến cho rằng, hạn chế tình trạng nhận BHXH một lần, cần có giải pháp tổng thể, căn cơ hơn. Chẳng hạn như rút ngắn điều kiện về thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu, tăng mức hỗ trợ của Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện… để người lao động thấy được lợi ích thiết thực khi tích lũy thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu, chấp nhận một mức lương hưu (gồm cả BHYT) khiêm tốn còn hơn không có. Nhiều ý kiến đồng thuận với giải pháp, công nhân muốn hưởng một lần thì chỉ cho họ hưởng phần của họ đóng, phần còn lại (tức là phần của doanh nghiệp đóng) thì giữ lại để khi họ có sự cố mất sức lao động, hết tuổi lao động mới được hưởng.
Ông Trần Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, tình trạng NLĐ rút khỏi hệ thống BHXH là “vấn nạn chính sách an sinh xã hội”. Việc nhận trợ cấp một lần chỉ lo được việc trước mắt mà không đảm bảo được cuộc sống lâu dài cho NLĐ. Theo ông Vinh, công đoàn cơ sở khi cần có thể đưa ra pháp luật những vụ việc chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật; đồng thời, phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức các diễn đàn tháo gỡ những vướng mắc để NLĐ trình bày tâm tư và nguyện vọng, nhằm tạo ra sự đồng thuận giữa 2 bên...
Phía NLĐ, nhất là lao động trẻ, cần chủ động nâng cao trình độ tay nghề một cách thực chất, phải đổi mới tư duy lao động theo hướng xây dựng tác phong công nghiệp hiện đại, rèn luyện kỹ năng và phương pháp lao động mới...
Bài, ảnh: Thu Huế