ClockThứ Năm, 03/01/2019 13:15

Khởi nghiệp bằng... gà

TTH - Dù kinh doanh mặt hàng nào, sản phẩm gì cũng phải hướng đến chất lượng, phụng sự khách hàng là tâm sự của Nguyễn Văn Lộc- Giám đốc Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Quốc Trung-về chặng đường khởi nghiệp cam go...

Chăn nuôi theo hướng VietGAPChăn nuôi theo hướng VietGAHP: Hướng đến nền nông nghiệp sạch

Chăm chút từng chú gà VietGAP

Từ những thất bại

Thuở còn học cấp 1, Lộc được mẹ cho con gà mái, anh chăm chút nuôi. Sau những giờ đến trường, thời gian còn lại anh chỉ quanh quẩn với con gà. Đến thời kỳ sinh sản, anh lót ổ cho gà, những quả trứng trắng hồng dần đầy ổ rồi những chú gà con lần lượt ra đời. Chàng trai trở thành chủ nhân của đàn gà ấy, cho đến khi chúng lần lượt ra đi vì dịch bệnh. Đó cũng là lý do anh quyết định chọn theo học bác sĩ thú y.

Tốt nghiệp đại học năm 2004, anh được nhận vào làm tại Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam phụ trách kinh doanh thức ăn chăn nuôi khu vực Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định. Sau 3 năm làm việc, đi nhiều, gặp gỡ nhiều hộ chăn nuôi, Lộc nhận thấy giá gà thịt tại các tỉnh khác như Bình Định, Khánh Hòa thấp hơn nhiều so với thị trường Huế. Anh từ bỏ công việc chuyển sang ... buôn gà.

Lộc tìm đến những trang trại gà lớn tại Bình Định kết nối và đưa gà về Huế bán. Chuyến đầu tiên thử nghiệm anh chỉ lấy với số lượng ít về bỏ mối khá suôn sẻ nhưng tính toán chi phí lại chẳng lãi được là bao. Chuyến kế tiếp, anh nhập hàng nhiều hơn nhưng do không có địa điểm chăn thả trong thời gian phân phối lại thêm dịch bệnh, gà chết hơn phần nửa. Vốn liếng dành dụm trong suốt 3 năm đi làm vì thế mà "đổ xuống sông xuống biển".

Đi buôn bất thành, anh lại đầu quân cho Tập đoàn Japfa Comfeed với chức danh Giám đốc vùng từ Khánh Hòa đến Huế, rồi Giám đốc kinh doanh Công ty Lifesfood. Sau 4 năm làm việc tại Lifesfood, một lần nữa anh lại quyết định từ bỏ công việc theo nghề buôn gà. Lần này anh đầu tư hẳn khu nuôi nhốt, phương tiện vận chuyển, những chuyến đầu tiên tiền lãi thu được kha khá nhưng đến chuyến thứ 5 anh lại "bỏ của chạy lấy người" khi bị cạnh tranh không lành mạnh, vốn liếng dần cạn kiệt.

Nguyễn Văn Lộc trải lòng: Sau 2 lần buôn bán thất bại, nợ nần chồng chất, tôi nhận ra một điều “buôn có bạn, bán có phường”, buôn bán phải có tổ chức, có những người bạn tin cậy và có nơi, có chốn. Kinh doanh là một bài toán tập thể, không ai thành công khi đi một mình. Và một lần nữa anh chọn đầu quân cho Công ty 3F Việt, vừa lấy kinh nghiệm vừa có cơ hội tiếp cận với các đối tác mới.

Đến chuỗi sản xuất khép kín

"Sau thất bại, tôi tạm thời gác tất cả những ý tưởng kinh doanh, tập trung “cày” trả nợ. Cũng trong thời gian này, tôi nhận ra khu vực miền Trung có tiềm năng rất lớn trong chăn nuôi gà, đầu ra sản phẩm tại Huế cũng cao hơn từ 5-10 ngàn đồng/kg gà so với các địa phương lân cận. Nhưng nguồn cung con giống tại chỗ lại hoàn toàn không có, chủ yếu là các cơ sở nhỏ, gà con nhập từ các địa phương khác về có giá cao do tốn thêm chi phí vận chuyển, ảnh hưởng đến chất lượng con giống. Cùng lúc 3F Việt đang có nhu cầu mở rộng thị trường, tôi mạnh dạn đề xuất hợp tác đưa 3F Việt ra thị trường Huế", Lộc nói.

Lộc liên hệ với nhiều địa phương xin thuê đất làm mặt bằng mở nhà máy. Nhờ sự hỗ trợ của huyện Quảng Điền, anh được thuê đất tại vùng cát Quảng Lợi mở nhà máy, đầu tư máy móc, nhân sự. Đến đầu năm 2017, sản phẩm gà giống 3F Việt chính thức hoạt động với dây chuyền gồm 12 máy ấp, 4 máy nở với công suất hơn 300.000 con gà giống các loại/tháng.

Bước khởi đầu thành công, gà giống xuất lò bao nhiêu được tiêu thụ hết bấy nhiêu, thậm chí khách hàng phải đặt hàng trước nửa tháng đến 1 tháng mới có con giống cung cấp. Từ thành công này, Lộc lại bắt tay phát triển mô hình trang trại gà theo chuẩn VietGAP với mong ước khép kín quy trình "từ con giống đến bàn ăn".

Từ hệ thống trang trại sẵn có với quy mô 3ha tại Quảng Vinh, anh tiến hành cải tạo toàn bộ. Trang trại được phân theo 5 khu, ngay trục đường chính vào trang trại là khu vực trưng bày, giới thiệu sản phẩm với diện tích gần 30m2. Tại đây, khách hàng và các đối tác có thể trực tiếp tham quan từ khâu chăn thả, giết mổ, đóng gói và chế biến sản phẩm. Để đảm bảo an toàn cho khu vực nuôi, hệ thống phun sát khuẩn, khử trùng được xây dựng. Khách muốn vào trang trại phải khử trùng toàn bộ, thay đồ bảo hộ, hạn chế mầm bệnh từ ngoài xâm nhập vào.

Và cái tâm trong từng sản phẩm

 "Muốn có sản phẩm sạch, phải có môi trường sạch, con giống sạch, thức ăn sạch, giết mổ và khâu phân phối phải đảm bảo sạch. Vì thế, chúng tôi tập trung xây dựng sản phẩm gà theo quy trình chuỗi khép kín từ con giống đến bàn ăn, cung cấp đến người tiêu dùng một sản phẩm đạt chuẩn ngay từ khâu nhỏ nhất", Lộc nói.

Hiện, mỗi con gà VietGAP của Quốc Trung khi xuất ra thị trường, người tiêu dùng đều có thể nắm được các thông tin từ trại bố mẹ, địa điểm ấp nở đến ngày xuất, úm, quá trình nuôi gà sử dụng thức ăn, những loại thuốc gì. Nhờ nuôi theo chuẩn VietGAP nên chất lượng thịt và các tiêu chí luôn đảm bảo.

Theo Lộc, trong kinh doanh, không thể cứ đi một mình trên một con đường, mà cần phải có những người đồng hành. Sự giúp đỡ qua lại giữa các cá nhân, đơn vị đối tác sẽ giúp DN đứng vững hơn. Tôn trọng đối tác cũng là tôn trọng chính mình. Và quá trình đưa sản phẩm gà VietGAP ra thị trường là minh chứng. Chúng tôi nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ cộng đồng DN, những cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch, đến những người bạn.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khởi nghiệp từ mô hình “Hoa tươi bất tử Cố đô”

Vốn là dân sư phạm nhưng vì đam mê hoa, chị Nguyễn Thị Thanh Lân (Phong Thu, Phong Điền) đã rẽ sang lĩnh vực kinh doanh hoa rồi khởi nghiệp với mô hình mang thương hiệu “Hoa tươi bất tử Cố đô” bước đầu thành công ở quê nhà. Với mô hình này, chị Lân đã tham gia Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) Thừa Thiên Huế năm 2024 và được UBND tỉnh tặng bằng khen có sáng kiến ĐMST của thế hệ trẻ.

Khởi nghiệp từ mô hình “Hoa tươi bất tử Cố đô”
Cảnh giác với nạn trộm cắp tại cơ sở kinh doanh

Theo dự báo từ Công an TP. Huế, tình trạng trộm cắp tại các cửa hàng, nhà hàng, quán cà phê trên địa bàn sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp vào dịp cuối năm. Qua đó, khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác và tăng cường các biện pháp phòng, tránh để tự bảo vệ tài sản.

Cảnh giác với nạn trộm cắp tại cơ sở kinh doanh
Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh từ việc lắng nghe

Ngoài các kênh hỗ trợ tại cơ quan thuế; tuyên truyền, tư vấn thông qua các trang fanpage, qua mạng xã hội…, việc tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp với người nộp thuế để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ đã phần nào tháo gỡ được các vướng mắc trong quá trình tiếp cận các chính sách thuế mới.

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh từ việc lắng nghe
Nữ doanh nhân giỏi kinh doanh, giàu lòng nhân ái

Trong số những doanh nhân tiêu biểu của tỉnh Thừa Thiên Huế, chị Trần Thị Ngọc Yến, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Ngọc Yến là tấm gương sáng, luôn được nhắc đến ở các diễn đàn. Thành tựu mà chị gặt hái không chỉ dừng lại ở con số doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, mà còn là những hoạt động thiện nguyện, tấm lòng luôn hướng về cộng đồng.

Nữ doanh nhân giỏi kinh doanh, giàu lòng nhân ái
Ươm mầm khởi nghiệp

Cùng với chương trình đào tạo kiến thức chuyên ngành, sinh viên Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế (ĐHH) còn được hỗ trợ thực hành, thực hiện các ý tưởng khởi nghiệp.

Ươm mầm khởi nghiệp
Return to top