ClockThứ Hai, 04/11/2024 06:10

Khởi nghiệp từ mô hình “Hoa tươi bất tử Cố đô”

TTH - Vốn là dân sư phạm nhưng vì đam mê hoa, chị Nguyễn Thị Thanh Lân (Phong Thu, Phong Điền) đã rẽ sang lĩnh vực kinh doanh hoa rồi khởi nghiệp với mô hình mang thương hiệu “Hoa tươi bất tử Cố đô” bước đầu thành công ở quê nhà. Với mô hình này, chị Lân đã tham gia Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) Thừa Thiên Huế năm 2024 và được UBND tỉnh tặng bằng khen có sáng kiến ĐMST của thế hệ trẻ.

Ươm mầm khởi nghiệp

Đóng hàng chuyển đi thị trường xa 

Tính cách nhẹ nhàng lại mê hoa từ bé, chị Lân tạo được địa chỉ trao đổi mua bán hoa có uy tín, làm hài lòng khách hàng gần xa. Tuy nhiên khi nhận ra tiềm năng của thị trường và kinh doanh hoa tươi ổn định thì đại dịch COVID-19 ập đến. Thời điểm này vào năm 2020, mọi kế hoạch đặt ra của chị như không thể thực hiện.

Không để cái khó bó cái khôn, chị Lân trăn trở tìm một hướng đi khác nhưng cũng từ hoa. Đầu năm 2022, từ sự kết nối của người bạn thân, chị qua Thái Lan nghiên cứu, học phương thức để hoa tươi lâu tàn, đẹp mãi với thời gian... Thời gian ở đất khách, chị tiếp cận được công nghệ ủ ướp “hoa tươi bất tử” nên rất hứng thú và tự nhủ phải nỗ lực học bằng được công nghệ này.

 Khi đủ vốn kiến thức, chị trở lại quê nhà bắt đầu hành trình theo đuổi đam mê với “hoa tươi bất tử”. Ban đầu, chị gặp khó về nguyên liệu đầu vào như: các loại phụ liệu; cũng như các loại hoa, nhất là hoa sen, hoa súng rất hiếm ở thị trường địa phương. Sau đó chị kết nối, nhập hàng hoa từ các đồng sen ở Huế, đặc biệt là hoa súng tại các vùng quê ven phá Tam Giang - Cầu Hai huyện Phú Lộc… để cho ra những sản phẩm đầu tiên với “cách riêng” của mình.

Hiện nay, quy trình làm “hoa tươi bất tử” chị xử lý hoàn toàn không sử dụng hóa chất. Để ra sản phẩm, khâu đầu tiên nhập hoa phải đạt chất lượng. Tiếp đến cắt tỉa hoa cho vào những chiếc hộp có chứa loại cát hút ẩm rồi đậy kín một thời gian ngắn. Sau đó, hoa tiếp tục chuyển sang những chiếc hộp khác ủ hút khí chân không. Lần này cũng với thời gian ngắn, sau đó bắt đầu đưa hoa vào chai lọ hoặc bình thủy tinh. Theo chị Lân, nếu kỹ thuật ủ ướp hoa tươi thành khô là “tuyệt chiêu”, thì khi cho hoa vào chai, bình lọ thủy tinh, cũng cần sự tỉ mẩn, khéo léo từ đôi tay của người làm.

“Sản phẩm hoàn thiện là hoa tươi được ủ ướp vừa khô nhưng màu sắc tươi không khác gì khi mới thu hoạch từ vườn. Màu sắc của hoa có độ bền không phai từ 10-15 năm. Đó là tính ưu việt và kinh tế của sản phẩm mà khách hàng ưa chuộng” - chị Lân nói.

Hiện cơ sở của chị Lân đa dạng mẫu mã “hoa tươi ướp khô”, như bình, ly, lọ: 1 hoa, 2 hoa, và nhiều hoa, thậm chí lên vài chục hoa. Giá mỗi sản phẩm dao động từ 200 nghìn đồng đến vài triệu đồng. Gần hai năm nay, sản phẩm “Hoa tươi bất tử Cố đô” của chị Lân có mặt ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… và nhiều khách sạn ở TP. Huế. Bên cạnh những đơn hàng lớn, chị còn trao đổi bán theo hình thức online, trung bình từ 20-30 sản phẩm/ngày. Mỗi tháng sau khi trừ các chi phí, chị Lân thu về 25-40 triệu đồng. Thành công hơn là cơ sở của chị Lân hiện nay đã giải quyết việc làm cho 10 phụ nữ nhàn rỗi ở địa phương, có thu nhập ổn định từ 6-7 triệu đồng/tháng.

Khi chúng tôi hỏi về kế hoạch sắp đến của cơ sở, chị Lân chia sẻ: “Mình muốn nhân rộng mô hình ra toàn huyện để tạo việc làm cho nhiều lao động nữ nhàn rỗi có thu nhập ổn định. Đồng thời mong muốn các ban, ngành chức năng ở địa phương tạo điều kiện để xây dựng thương hiệu và phân xưởng sản xuất, giới thiệu “Hoa tươi bất tử Cố đô” tại làng cổ Phước Tích (Phong Hòa) - địa chỉ du lịch mà khách thường xuyên ghé thăm để hoa lan tỏa ra thị trường xa hơn...

Chị Hồ Thị Hải Lý, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Phong Điền cho biết: Mô hình khởi nghiệp “Hoa tươi bất tử Cố đô” của chị Lân vừa qua đã tham gia Cuộc thi khởi nghiệp ĐMST tỉnh Thừa Thiên Huế 2024 và được UBND tặng bằng khen có sáng kiến ĐMST của thế hệ trẻ. Mô hình "Hoa tươi bất tử Cố đô” dù còn non trẻ nhưng mang lại giá trị kinh tế không chỉ cho gia đình chị Lân mà còn giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi, tạo hướng đi mới trong phát triển ngành nghề ở huyện Phong Điền. Chị Lân cũng là tấm gương tiêu biểu, năng động, sáng tạo có khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng”.


Bài, ảnh: Minh Dũng
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội khởi nghiệp cho thanh niên vùng cao

Trong hành trình thoát nghèo và làm giàu bền vững, nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đã trở thành đòn bẩy quan trọng giúp nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn huyện A Lưới vươn lên phát triển kinh tế. Với sự hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là huyện đoàn, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả đã ra đời, mang lại sinh kế ổn định cho ĐVTN.

Cơ hội khởi nghiệp cho thanh niên vùng cao
Khởi nghiệp trên đất biên cương

Từng bôn ba vài năm ở TP. Hồ Chí Minh để lập nghiệp, nhưng Hồ Viết Ái Duy (27 tuổi) đã quyết định trở về khởi nghiệp trên chính mảnh đất biên giới A Lưới quê hương, với mô hình nuôi heo hữu cơ.

Khởi nghiệp trên đất biên cương

TIN MỚI

Return to top