Cần đảm bảo an toàn khi thi công công trình cao tầng
Tai nạn nghiêm trọng trong xây dựng
Đầu năm 2018, tại một công trình xây dựng cao tầng ở phường Xuân Phú, TP. Huế xảy ra TNLĐ nghiêm trọng dẫn đến chết người. Nạn nhân là ông P.V.Đ, đến công trình tháo cốp pha trong khi cả công trường đều nghỉ và bị xẩy chân, rơi từ tầng 7 xuống đất. Theo kết luận của Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), tai nạn xảy ra do chủ sử dụng lao động không trang bị lan can bảo vệ khi thi công công trình cao tầng.
Một vụ tai nạn khác xảy ra ở công trình xây dựng nhà ở tư nhân ở Hương Toàn, TX. Hương Trà. Nạn nhân là ông N.V.U, thầu xây dựng, trong lúc đi ra lan can mái nhỏ phía trước tầng 2 công trình để đo đạc ngói lợp thì bị trượt chân ngã từ tầng 2 và tử vong sau đó. Tai nạn xảy ra cũng do ông U. không lắp sàn thao tác lan can bảo vệ, không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân khi làm việc trên cao theo quy chuẩn.
Trong số các vụ TNLĐ xảy ra trong năm 2018, nghiêm trọng nhất vẫn là những vụ tai nạn xảy ra trong lĩnh vực xây dựng, đặc biệt là trong khu vực lao động phi chính thức, như các đơn vị nhận thầu nhỏ lẻ. Nguyên nhân chính vẫn là do người sử dụng lao động không xây dựng đầy đủ quy trình, biện pháp làm việc an toàn trong quá trình thi công; không huấn luyện, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân. Người lao động vi phạm quy trình làm việc an toàn lao động (ATLĐ).
Ngành xây dựng tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm, song lực lượng lao động chủ yếu ở các vùng quê lên thành phố kiếm sống, làm việc theo kinh nghiệm, thiếu kiến thức và ý thức về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Một số doanh nghiệp, nhà thầu do khó khăn nên tìm cách giảm chi phí mua sắm trang thiết bị bảo hộ cho công nhân, dẫn đến tai nạn.
Theo chia sẻ của một kỹ sư thi công, ý thức của công nhân xây dựng trong việc tự bảo vệ an toàn cho bản thân vẫn chưa cao. Đa số không chấp hành nghiêm túc các quy định ATLĐ, hoặc chỉ chấp hành đối phó khi có kiểm tra. Mặc dù chủ sử dụng lao động đã trang bị phương tiện bảo hộ cá nhân nhưng khi làm việc thấy vướng víu là tháo ra. Khi tham gia tập huấn ATVSLĐ, họ sợ hãi khi xem các vụ TNLĐ nhưng về công trường, mọi việc lại đâu vào đấy.
Quan trọng là nhận thức
Theo Sở LĐTBXH, năm 2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 43 vụ TNLĐ trong khu vực có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động, làm chết 13 người, bị thương nặng 6 người. 5 tháng đầu năm 2019, xảy ra 2 vụ TNLĐ, làm chết 2 người. So với năm 2017, tình hình TNLĐ, sự cố cháy nổ năm 2018 có chiều hướng gia tăng, nhất là trong khu vực không có quan hệ lao động. Số vụ tai nạn có người chết cũng tăng gấp đôi so với năm 2017 (trong đó, có những vụ tai nạn khi tham gia giao thông).
Năm 2018, Thanh tra Sở LĐTBXH phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra 8 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, xây dựng. Ông Phan Quang Trung, Chánh Thanh tra Sở LĐTBXH cho hay, mặc dù các DN đã quan tâm đến công tác ATVSLĐ nhưng việc thực hiện các quy định pháp luật về ATVSLĐ, như: huấn luyện, khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra môi trường làm việc… vẫn chưa đầy đủ.
Những vụ TNLĐ xảy ra chính là do người sử dụng lao động chưa thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về ATVSLĐ, ý thức tuân thủ các quy định về ATVSLĐ của người lao động còn hạn chế. Công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp, cơ sở còn ít. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc điều tra, xử lý các vụ TNLĐ nghiêm trọng, chết người còn chậm nên hiệu quả ngăn ngừa chưa cao.
Để giảm thiểu tai nạn, quan trọng nhất là chủ sử dụng lao động và người lao động nhận thức được tầm quan trọng của ATLĐ, không chủ quan trong mọi tình huống. Ông Hồ Dần, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho rằng, các cấp, ngành liên quan cần quan tâm hướng dẫn công tác huấn luyện để nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động, nhất là các nhà thầu xây dựng, trên cơ sở đó, các cơ sở sản xuất, nhà thầu tổ chức huấn luyện ATLĐ tại đơn vị mình.
“Ngoài việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn, các DN khảo sát, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, độc hại để đề ra biện pháp phòng ngừa, cải thiện điều kiện làm việc, trang bị phương tiện bảo hộ cá nhân. Người sử dụng lao động phải thường xuyên giám sát, nhắc nhở việc chấp hành quy định về an toàn và cương quyết xử phạt những người lao động không chấp hành nội quy. Đối với các công trình dân dụng, xây nhà tư nhân ở các địa phương, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra giám sát, xử lý những trường hợp không đảm bảo ATLĐ. Sở sẽ đề xuất cấp trên sửa đổi, bổ sung các quy định về ATVSLĐ, tăng cường sự quản lý của các cấp ở cơ sở, nhất là trong khu vực không có quan hệ lao động”. Ông Dần nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Minh Hiền