Tạo môi trường gần gũi để giúp trẻ hiểu hơn về giới tính
Phụ huynh vẫn còn "ngần ngại"
Cô em họ tôi chia sẻ, dịp giãn cách xã hội phòng ngừa COVID-19 vừa qua, chị bắt đầu giáo dục giới tính cho con gái mình đang học lớp 4 vì những thắc mắc của cháu khi tình cờ xem phim hoạt hình về cách phòng tránh xâm hại tình dục ở trẻ. Theo chị, hơn 1 tháng nay hễ vào thời gian rỗi, thông qua các hình ảnh trên phim hoạt hình hai mẹ con trao đổi khá tự nhiên về giới tính; trong đó có những vấn đề nhạy cảm trên cơ thể nam, nữ.
Khác quan điểm của chị, hiện nay nhiều phụ huynh vẫn chưa thực sự quan tâm hoặc chưa tìm ra phương pháp truyền đạt hiệu quả để con có đủ kiến thức về sức khỏe sinh sản, các kỹ năng tự bảo vệ mình trước nguy cơ xâm hại tình dục. Điều này làm cho trẻ bị thiệt thòi khi thiếu các kiến thức, kỹ năng quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ.
Bác sĩ CK II Phan Đăng Tâm, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh chia sẻ, nhiều phụ huynh chưa chú trọng giáo dục giới tính cho con trong môi trường gia đình và cho rằng còn quá sớm để giáo dục những vấn đề được cho là nhạy cảm. Họ thường tỏ ra ngần ngại khi trao đổi với những thắc mắc của con trẻ. Đơn cử, nhiều khi trẻ tò mò hỏi về các bộ phận trên cơ thể khác nhau so với bạn khác giới thì bố mẹ thường lảng tránh, phớt lờ cho là những câu hỏi không phù hợp, hoặc trả lời thiếu rõ ràng, mập mờ...
Vào cuối tháng 4 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em". Một con số đưa ra là trung bình một ngày có 7 trẻ em bị xâm hại; trong một năm có 38 trẻ bị tử vong, 133 trẻ bị thương tích, 84 trẻ mang thai... Tổng Thư ký Quốc hội đã lưu ý, đây là số liệu đáng báo động. Do đó, cần phân tích đầy đủ hơn các nguyên nhân, trách nhiệm quản lý Nhà nước, mối quan hệ với tỷ lệ ly hôn, ảnh hưởng của môi trường mạng xã hội... để có giải pháp bảo vệ trẻ em.
Hành động vì con
Thời gian qua ở Thừa Thiên Huế, việc giáo dục giới tính cho trẻ đã được gia đình, nhà trường và xã hội quan tâm. Ngành giáo dục - đào tạo tiếp tục duy trì hoạt động, như tổ tư vấn tâm lý học đường, tăng cường giao tiếp giữa giáo viên, phụ huynh và học sinh để kịp thời nắm bắt những biểu hiện, thông tin về nguy cơ mất an toàn trong môi trường học đường. Tuy nhiên, việc giáo dục giới tính không phải ngày một, ngày hai mà cả quá trình phát triển tâm sinh lý của trẻ từ lúc nhỏ đến khi trưởng thành, trong đó vai trò của phụ huynh, gia đình vô cùng quan trọng.
Theo bác sĩ Phan Đăng Tâm, xét theo góc độ tâm lý học, trẻ em là đối tượng tò mò, thích khám phá về giới tính và sự khác biệt của hai giới là rất sớm. Nếu các phụ huynh sớm nhận ra điều này sẽ giúp hiểu biết, tự tin sống hòa nhập, bình đẳng một cách tự nhiên trước bạn bè, gia đình và xã hội. "Chúng ta thà vẽ đường cho hươu chạy đúng đường chứ hơn để hươu chạy lung tung" - bác sĩ Tâm định hướng.
Để trang bị kiến thức giáo dục giới tính cho con đầy đủ, rõ ràng, hiện nay nhiều quan điểm cho rằng, quan trọng nhất là cha mẹ cần tìm hiểu, trang bị cho bản thân những kiến thức về các vấn đề liên quan đến giáo dục giới tính. Từ đó, có thể giải đáp các thắc mắc, những câu hỏi tò mò của con trẻ thông qua phương cách sử dụng các câu chuyện, các bộ truyện tranh về giáo dục giới tính để kể cho trẻ. Lưu ý khi trao đổi, phụ huynh cần sử dụng ngôn từ dễ hiểu, cụ thể nhất để trẻ dễ tiếp thu, lĩnh hội kiến thức, không nên giải thích mập mờ, vòng vo làm trẻ khó hiểu, gây tò mò. Bên cạnh đó, các phụ huynh cần chú trọng lồng ghép hoạt động giáo dục giới tính tùy vào độ tuổi của con mình thông qua các hoạt động sinh hoạt hằng ngày, ứng xử phù hợp với giới, tạo cuộc sống lành mạnh cho trẻ....
Bài, ảnh: Song Minh