Nhắn, nếu đến A Lưới, đừng quên ghé bãi bồi A Sáp. Bạn gửi những tấm ảnh đêm nơi bãi bồi bên dòng sông A Sáp (địa phận xã Hồng Thượng), thật lung linh. Không hẳn bởi ánh đèn điện mà là những gương mặt, nụ cười thanh xuân rạng rỡ. Chiếc cổng gỗ với dòng chữ A Sáp trầm mặc và những nhà sàn đơn sơ trên bãi cỏ xanh là “điểm nhấn” mời gọi các nhóm bạn trẻ check in, ghi lại khoảnh khắc tuyệt vời bên nhau trong chuyến dã ngoại cuối tuần nơi mảnh đất núi rừng. Khách đến đây có thể lựa chọn các dịch vụ thuê trang phục truyền thống của người dân địa phương để chụp ảnh; thuê lều cắm trại, thảm, trại sàn…, nhóm lên ngọn lửa bập bùng bên mép nước, hoặc có thể lựa chọn thưởng thức những món ăn truyền thống của đồng bào như xôi sắn, canh sắn, cháo tà lục, cá suối nướng…
Ghi lại khoảnh khắc tuyệt vời bên nhau
Hồ Bá Thuật, Bí thư Xã đoàn Hồng Thượng nói rằng, được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, các bạn “mở ra” bằng sự khao khát giới thiệu một điểm du lịch gần gũi với thiên nhiên, với du khách. Khi mới bắt đầu (từ tháng 3/2021), khách đến với bãi bồi trong những ngày nghỉ. Nhưng bây giờ, kín cả tuần, bãi bồi A Sáp, tối nào cũng có khách. Mừng hơn nữa là lượng khách từ thành phố Huế rất đông. Có cả khách du lịch từ các tỉnh khác đến khám phá suối, thác hoang sơ giữa núi rừng A Lưới, dừng chân trải nghiệm.
Có lẽ bởi nắng trưa gay gắt nên những con đường trở nên vắng lặng. Dừng lại khi khách hỏi thăm đường, cô bé độ tuổi học trò đang ngược chiều, sẵn lòng “quay đầu” chiếc xe đạp điện, dẫn chúng tôi quãng đường xa, qua mấy ngã rẽ. Đến bãi bồi A Sáp, em mới yên tâm chào khách bằng đôi mắt cười. Có phải gió mát rượi từ dòng A Sáp hay từ lòng tốt trong trẻo của cô sơn nữ mà không gian sóng sánh dịu ngọt.
Không phải là đêm nên bãi bồi không lung linh ánh điện, nhưng mênh mang yên bình khi ngước mắt lên bầu trời mây trắng. Phía xa đàn bò hiền lành gặm cỏ. Xa, xa nữa, dãy núi ngàn đời trầm tư, là nơi gió thức dậy sau những cơn ngủ vùi, mang theo mùa giá rét khi đông sang hay ấm áp lúc xuân về. Để đồng bào dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Ka Tu… diện lên mình tấm áo truyền thống rực rỡ hoa văn, sắc màu, may từ vải zèng do những người phụ nữ chăm chỉ cặm cụi ngồi dệt bên khung cửi, trước hiên nhà.
Lung linh đêm trên bãi bồi
Dưới chân một dãy núi, trong thôn A Đeeng Parlieng 1, xã Trung Sơn, có người đàn ông dân tộc Pa Cô, đầy ắp tình yêu và lòng tự hào đối với những món ăn truyền thống. Trong tình cảm nhiều người dân địa phương, ông Lê Văn Hào chính là nghệ nhân ẩm thực, góp phần bảo tồn, lưu giữ và tiếp nối những món ăn truyền thống của dân tộc mình. Ngày hội văn hóa thể thao và du lịch các dân tộc miền núi Thừa Thiên Huế tổ chức tại huyện Nam Đông mới đây, đội ẩm thực của đoàn A Lưới do ông Lê Văn Hào làm đội trưởng đã đoạt giải nhất cuộc thi ẩm thực. Tôi từng được nghe người đàn ông Pa Cô say sưa kể về cách chế biến món căn chichr, món pâr rục và nhiều món ăn đặc biệt, mà nguyên liệu là cá xanh, cá xao sống ở suối sạch, là củ sắn, hạt nếp trồng trên nương rẫy; gia vị là hạt tiêu rừng, củ gừng rừng và nhiều loại lá rừng, được chế biến rất công phu, tạo nên mùi vị ngọt ngào, nồng đượm của núi rừng.
Dòng A Sáp mùa này phẳng lặng, nhưng dường như nghe có tiếng sóng từ lòng sông sâu thẳm, vỗ vào hồn lữ khách. Tìm đến đây và trở lại, có lẽ bởi người ta có thể trút bỏ mọi lo nghĩ, muộn phiền, “lang thang” trong không gian thênh thang của cảm xúc. Có thể từ đôi mắt biết cười, từ lòng tốt trong trẻo của cô sơn nữ, hay dãy núi ngàn đời trầm tư, bên kia dòng A Sáp, là nơi những cơn gió thức dậy.
Bài: QUỲNH ANH
Ảnh: PHÒNG VHTT HUYỆN A LƯỚI