Chị Hồ Thị Hoa cung cấp thông tin về chính sách BHXH tự nguyện. Ảnh: Hữu Phúc
Mọi lúc và mọi nơi
Ở A Ngo, chúng tôi gặp Hồ Thị Hoa, hiện là công chức văn hóa xã hội UBND xã kiêm nhân viên đại lý thu BHXH. Ấn tượng lần đầu gặp Hoa của chúng tôi đó là một cô gái người dân tộc ít người, tạo được thiện cảm ở khách bởi sự năng động, niềm nở và thật lòng. Không “vòng vo tam quốc”, những chuyện kể về nhân viên đại lý thu BHXH của Hoa đã lập tức cuốn hút chúng tôi.
Hoa không hề úp mở mà “khoe” ngay, cô trở thành nhân viên địa lý thu của xã A Ngo từ năm 2013. Hiện, cô đã vận động được 43 trường hợp mua BHXH tự nguyện ở địa phương và với sự thật thà Hoa bảo, nhưng mà có 3 trường hợp chỉ mới đồng ý tham gia thôi nghe, em đang tiếp tục vận động, nhà báo khoan hãy đưa lên mặt báo đã hí. Đáng nói là năm 2020 này, trong điều kiện dịch bệnh COVID - 19 mà Hoa vẫn vận động thêm 10 người tham gia BHXH tự nguyện.
Hỏi làm răng mà vận động được nhiều người tham gia BHXH tự nguyện giỏi rứa hè, Hoa cười tự tin có chi mô, đó là nhờ có sự chỉ đạo, tạo điều kiện và phối hợp của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể. Hoa không giấu diếm, muốn vận động được nhiều người tham gia BHXH tự nguyện đầu tiên là biết chọn đối tượng. Muốn mua BHXH tự nguyện phải có tiền mà dân vùng cao còn nghèo lắm nên phải biết chọn đúng đối tượng và đó là những lao động có thu nhập và công việc ổn định. Tiếp nữa là những người có hiểu biết về quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện như những người trong gia đình có người thân đã có BHXH bắt buộc hay những cán bộ quản lý và đoàn thể cấp thôn.
Kinh nghiệm của Hoa là tranh thủ vận động tham gia BHXH mọi lúc và mọi nơi theo kiểu “mưa lâu thấm đất”. Đi đâu có dịp là Hoa tiếp cận đối tượng ngay, thỏ thẻ giải thích, vận động. Ai nói “chưa thông” thì gửi lại tờ rơi để tranh thủ cầm về nhà đọc nghiên cứu, tìm hiểu thêm. Rất nhiều đối tượng tham gia BHXH tự nguyện của Hoa bắt đầu từ đó.
Người thật và việc thật
Già dặn và chín chắn trong công việc, Nguyễn Thị Lam Phương, cũng là một công chức văn hóa xã hội kiêm nhân viên đại lý thu ở xã Hồng Thượng. Cùng Nguyễn Thị Lam Phương, đại lý thu BHXH tự nguyện của UBND xã Hồng Thượng còn có anh Hồ Ngọc Quang, cũng là một công chức, và qua gần 5 năm triển khai xã vùng cao này, cặp đôi này đã vận động được 48 đối tượng và 45 người trong số đó là đồng bào dân tộc ít người tham gia BHXH tự nguyện.
Lam Phương chia sẻ, công tác vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện ở vùng cao không dễ dàng. Bên cạnh khó khăn về kinh tế là những hạn chế về nhận thức. Muốn để đồng bào dân tộc ít người đồng ý tham gia BHXH tự nguyện không có cách nào tốt hơn giúp họ hiểu để… mà tự nguyện. Lam Phương kể, cô đã vận động được 2 trường hợp ở Hồng Thượng đóng BHXH tự nguyện cho 4 người con đang đi học. Ở Hồng Thượng cũng đã có trường hợp tham gia BHXH tự nguyện 10 năm và đã đến tuổi về hưu, chỉ cần đóng đủ BHXH một lần là có được sổ hưu.
Cũng như nhiều xã vùng cao A Lưới, việc tuyên truyền bằng “người thật, việc thật” này mang lại hiệu quả rõ rệt. Trong điều kiện làm ăn khó khăn, không được bao lăm đồng tiền dư dả, thông qua những trường hợp cụ thể này giúp bà con dân tộc phấn đấu noi theo, cố gắng lao động sản xuất và chắt chiu, dành dụm để có “của để dành” là cuốn sổ BHXH tự nguyện này phòng thân lúc về già. Còn điều mà người dân mua BHXH tự nguyện ở Hồng Thượng vẫn còn băn khoăn là so với chế độ BHXH bắt buộc, người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng ít quyền lợi (không có chế độ ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động). Cô Lam Phương cho rằng, đó là lý do khiến cho nhiều người dân nơi đây còn thiếu mặn mà với việc tham gia BHXH tự nguyện.
Cứ như là mơ
Năm 2017, A Lưới mới có 186 người tham gia BHXH tự nguyện thì đến cuối tháng 6/2020 đã có 836 trường hợp. Đáng nói là 3 năm qua, A Lưới đều vượt chỉ tiêu trên giao, năm 2017 vượt 20%, năm 2018 vượt 43,5 % và năm 2019 vượt 36,09%. Vui với kết quả đạt được, ông Nguyễn Văn Hiển, Giám đốc BHXH huyện cho rằng, mở rộng đối tượng BHXH bắt buộc gặp khó khăn trong điều kiện các đơn vị hành chính sự nghiệp tinh giảm 10% đến năm 2021 và doanh nghiệp trên địa bàn rất ít, chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, thì nhiệm vụ trọng tâm của A Lưới là phát triển đối tượng BHXH tự nguyện.
Cùng với huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tăng cường tuyên truyền bằng hình thức, phân công địa bàn và giao chỉ tiêu cụ thể cho từng viên chức và nhân viên BHXH, kịp thời biểu dương và khen thưởng những đơn vị làm tốt, việc xây dựng và tổ chức hoạt động có hiệu quả các đại lý thu BHXH được đặt lên hàng đầu. Theo ông Hiển, làm tốt công tác BHXH tự nguyện là các địa phương có kinh tế phát triển và các địa lý thu BHXH hoạt động hiệu quả.
A Lưới hiện có 1 đại lý thu BHXH của Bưu điện và 18 đại lý thu BHXH thuộc UBND các xã và thị trấn với 44 nhân viên. Chúng tôi có dịp tiếp xúc nhiều người trong số họ và cảm nhận đầu tiên đó là những người có năng lực, nhiệt tình và am hiểu về chính sách BHXH, gần gũi với bà con, có khả năng thuyết trình tốt khi vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện. Công việc của họ không hề nhẹ nhàng khi vừa trực tiếp hay qua mạng xã hội gặp gỡ, giải thích vận động tham gia từng đối tượng, vừa phải tổ chức các hội nghị khách hàng và thường xuyên theo dõi, nhắc nhở người tham gia BHXH tự nguyện thực hiện đúng các nghĩa vụ theo quy định.
Hy vọng, với những người được “chọn mặt gửi vàng”, năng nổ và gần gũi như cô Hoa ở A Ngo hay tâm huyết và kinh nghiệm như cô Phương ở Hồng Thượng mà chúng tôi có dịp gặp gỡ và tiếp xúc, con số những người tham gia BHXH tự nguyện nơi vùng cao A Lưới sẽ tiếp tục được nâng lên trong thời gian tới.
Đan Duy