Nhiều công nhân ngành dệt may bị ảnh hưởng việc làm do công ty thiếu đơn hàng
Tìm việc làm mới cho hơn 1.000 lao động
Sau hơn 2 tháng nghỉ việc do công ty thiếu đơn hàng, hơn một tuần nay, chị Nguyễn Thị Phương Trang, TP. Huế tìm được việc làm mới. Đó là bán hàng tại một cơ sở kinh doanh đồ gia dụng tổng hợp. Đây là công việc chị Trang được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP. Huế kết nối giới thiệu, với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng, chưa tính tiền cơm trưa.
Chị Trang kể, chị làm công nhân may cho Công ty TNHH MTV TMDV Xuất Nhập khẩu Vina Potential gần 3 năm nay. Cách đây hơn 2 tháng, công ty thiếu đơn hàng kéo dài nên đã ngừng hợp đồng lao động với chị. Không có việc làm, hàng tháng 4 miệng ăn trong gia đình phụ thuộc vào 6 triệu đồng tiền lương của chồng, thiếu trước hụt sau. “Đang loay hoay xoay xở thì tôi được công đoàn thành phố giới thiệu việc làm. Tết cận kề, có việc làm, có thêm thu nhập để trang trải là may lắm rồi”, chị Trang bày tỏ.
Ngay khi bị công ty chấm dứt hợp đồng lao động do thiếu đơn hàng, chị Dương Thị Huệ, công nhân may Khu Công nghiệp (KCN) Phú Bài được Công đoàn Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh giới thiệu qua công ty khác trên địa bàn KCN Phú Đa với mức hơn 5 triệu đồng/tháng. So với công ty cũ, lương chị Huệ có giảm gần triệu đồng/tháng, nhưng các quyền lợi như bảo hiểm xã hội và các chế độ phúc lợi, chị Huệ vẫn được công ty mới áp dụng như những công nhân khác của công ty. “Là công nhân may lâu năm, nên vừa vào làm là tôi đáp ứng tốt được công việc liền, công ty mới lại gần nhà nên thuận lợi hơn trong việc đi lại; giờ chỉ mong công ty luôn có đơn hàng dồi dào để tôi được gắn bó lâu dài”, chị Huệ mong muốn.
Theo báo cáo từ LĐLD tỉnh, trên địa bàn toàn tỉnh có 11 DN bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh do thiếu đơn hàng phải cắt giảm lao động, việc làm, tập trung ở công ty sản xuất dệt may và chế biến gỗ. Số lao động trong các DN bị ảnh hưởng tới việc làm là 2.112 người, trong đó có 664 lao động phải giảm giờ làm và chấm dứt hợp đồng lao động là 1.448 trường hợp.
Trước tình hình đó, LĐLĐ tỉnh đã chủ động kết nối, hỗ trợ tìm việc làm mới cho hơn 1.000 lao động, đó là giới thiệu chuyển sang ký kết hợp đồng lao động với các đơn vị khác trong các KCN, giới thiệu làm thời vụ tại các công ty, cơ sở sản xuất phục vụ thị trường tết. Đồng thời, hướng dẫn giải quyết chính sách hỗ trợ cho người lao động mất việc, đặc biệt về tiền lương, phúc lợi xã hội, chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
LĐLĐ tỉnh cũng kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm tăng cường thông tin về thị trường lao động; hỗ trợ giới thiệu việc làm cho lao động mất việc và tư vấn cho DN giải quyết chính sách cho người lao động. Đồng thời, tăng cường nắm thông tin thị trường lao động, cung ứng lao động của các đơn vị để giải quyết việc làm sớm nhất, phù hợp nhất với người lao động lúc khó khăn.
Tập trung chăm lo tết
Những ngày này, Công đoàn Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh đang hướng dẫn công đoàn cơ sở tại các DN lập danh sách đoàn viên, người lao động nhận hỗ trợ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Bà Lê Thị Thu Nam, Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh cho biết, đơn vị dự tính hỗ trợ 10% tổng số đoàn viên đơn vị đang quản lý, mỗi đoàn viên được trao ít nhất 500 ngàn đồng tiền mặt. Đối tượng ưu tiên là đoàn viên, người lao động (ĐV, NLĐ) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mất việc làm, lao động đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 24 tháng tuổi. “Nguồn kinh phí được trích từ quỹ quỹ hoạt động thường xuyên của đơn vị”, bà Nam cho biết.
Ngoài sử dụng quỹ kinh phí công đoàn, thời điểm này, LĐLĐ TP. Huế đang nỗ lực vận động nguồn lực theo tinh thần xã hội hóa để cố gắng chăm lo tết cho ĐV, NLĐ tốt nhất có thể. Theo ông Trần Văn Đồng, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP. Huế, mục tiêu LĐLĐ TP. Huế là trao tặng một ngàn suất quà tết cho ĐV, NLĐ.
Theo ông Lê Minh Nhân, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, LĐLĐ tỉnh đã có kế hoạch chăm lo cho ĐV, NLĐ dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Trong đó, tập trung chăm lo, hỗ trợ người lao động tại các DN ở các khu, cụm công nghiệp với phương châm “Tất cả đoàn viên và người lao động đều có tết”. Nguồn kinh phí thực hiện từ kinh phí dự phòng và sử dụng quỹ hoạt động thường xuyên hiện có để thực hiện chăm lo cho ĐV, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt khó khăn với mức hỗ trợ ít nhất là 500.000 đồng/người, bằng tiền mặt.
Ngoài ra, các cấp công đoàn tăng cường vận động các tổ chức, DN, chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm, đặc biệt là người sử dụng lao động trực tiếp ủng hộ các nguồn lực để tổ chức các hoạt động chăm lo, hỗ trợ tốt nhất cho ĐV, NLĐ.
Năm nay, LĐLĐ tỉnh tổ chức chương trình “Tết sum vầy - Xuân gắn kết", “Chợ tết”, cung cấp những mặt hàng giá ưu đãi, tặng quà cho ĐV, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh và tham gia hoạt động công đoàn; tuyên dương các chủ tịch công đoàn cơ sở DN có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh và hoạt động công đoàn... Tổ chức các hoạt động vui xuân, đón tết cho đoàn viên, người lao động không có điều kiện về quê đón tết đầm ấm, vui tươi, mang đậm dấu ấn của tổ chức công đoàn.
Bài, ảnh: Hải Thuận