ClockThứ Năm, 31/08/2023 06:54

Mang thu Hà Nội vào với Huế

TTH - “Không cần phải đi xa như mình, không cần tốn nhiều chi phí như mình” là cách các bạn trẻ ở Huế đem không khí của Hà Nội với hình ảnh chiếc xe bán hoa dạo nổi tiếng về Cố đô, để cùng chia sẻ các khoảnh khắc “mùa thu Hà Nội” với các bạn cùng quê đang ở nhà.
 Thả dáng bên xe hoa "đem về từ Thủ đô". Ảnh: Mỹ Linh 

Những ngày cuối của tháng 8, Huế vẫn nóng như rang. Tràn ngập trên các trang mạng là các bài đăng xê dịch ra Bắc, vào Nam để “mót” chút thời gian rảnh rỗi của mùa hè từ nhiều tài khoản. Xen giữa những chia sẻ ấy, cũng là rất nhiều lời gọi mời mọi người “ngày mai, ngày mốt đến địa điểm A, khu vực B chụp ảnh với hoa mình đem về từ Thủ đô nhé” của các bạn trẻ vừa đi xa trở về.

Bạn của tôi cũng là một trong số này. Kỳ thực, nhìn chùm ảnh cô ấy thả dáng bên xe đạp hoa ở Hà Nội, tôi cũng đã tưởng tượng mình xách ba lô lên và đi để có thể check-in như vậy. Nhưng ngặt nhiều nỗi, suy nghĩ nhiều cái, rồi lại thôi. Cái mộng mơ về những bức hình ngàn like e ấp bên các thúng hoa, xe hoa cứ thế trôi vào quên lãng và tiếc nuối…., chúng kéo dài mãi cho đến khi tôi thấy bạn bảo xe hoa này đã về đến Huế của mình. Trong vài suy nghĩ ban đầu, tôi đã chắc mẩm bạn phải kỳ công lắm để mang cả sen, cúc hoạ mi, hướng dương, tú cầu… từ Bắc vào để “kinh doanh những ngày lễ”, nhưng ai mà biết được, chỉ có ý tưởng là theo cô bạn trên vali trở về. Còn hoa, là từ chợ đầu mối của Huế, được ôm về từ chiều hôm trước. Nàng tỷ mẩn lựa từng bông cho tươi, bó thành từng bó với giấy báo ở bên ngoài, rồi lại “cóp pi” theo mẫu sắp từng bó xếp chồng lên nhau như các dì ngoài Hà Nội. Tôi nghĩ, đó cũng là cách mà các xe hoa khác ở Huế đang làm để hút khách đến chụp ảnh check-in.

Mọi năm, cứ đến những ngày này, các xe hoa dọc các tuyến phố Phan Đình Phùng, Thụy Khuê, Yên Phụ (Hà Nội) lại trở thành những tìm kiếm và điểm đến được săn đón nhiều nhất. Nhưng mãi đến mùa hè năm nay, cả Đà Nẵng, Huế và nhiều tỉnh thành khác mới rộ lên các cung đường hoa đặc biệt.

 Tỷ mẩn chỉnh dáng và chụp ảnh cho bạn bên xe hoa. Ảnh: Hạ An

Như Ý (chủ của một xe hoa ở Huế) chia sẻ: “Ý tưởng làm lại xe hoa, ban đầu là vì mình thấy độc. Ở nhà lại còn chiếc cup mãi không dùng đến nên đem ra trưng dụng. Lề đường Huế đẹp không kém gì Hà Nội, hoa cũng chẳng ít hơn gì nên phải triển liền. Các bạn ở Huế cũng không cần như mình, không cần đi xa mà vẫn có ảnh đẹp, thế là được”.

Tôi nghe ưng bụng liền, rồi cũng gật đầu đồng ý với những chia sẻ của bạn mình – cũng là chủ của một hàng hoa di động khác - khi cô nàng bảo đem hoa về vì trend đang hot, làm hoa vừa có cái để mọi người chụp ảnh, vừa kiếm được chút đỉnh cho mấy ngày cuối tuần, “thế chẳng phải thích”.

Tôi kỳ thực không rõ ý định của các chủ xe hoa ở Huế là gì, cũng không thể đánh giá, khi mình chẳng có ý tưởng hay thành quả gì tương tự, chỉ thấy mọi người đều bắt trend thật nhanh và trend này cũng đang có hiệu quả ở Huế thật. Cụ thể, xe cup hoa trước cổng trường Quốc Học, đường Đoàn Thị Điểm vào sáng cuối tuần này đã đông khách từ sáng sớm. Các cô, các dì xúng xinh váy hoa, áo dài, thậm chí là xếp hàng dưới nắng để chờ đến lượt thả dáng. “Mỗi người 40.000/lượt, chụp thoải mái chị ạ” là giá của một bộ hình không photographer trước cổng trường Quốc Học, có photo thì thêm 50.000/người nữa.

Ở trung tâm thành phố, lại không phải ra tận thủ đô, nên Chị Mai (một khách hàng) chỉ kịp tấm tắc bảo “Mức giá này là quá hời và hợp lý”, rồi lại tập trung chụp hình cho bạn mình tiếp… Cứ thế, sau chị Mai, là nhiều cô, dì và các bạn trẻ khác. Người có bạn chụp cho, người thuê photographer riêng, người thì được người thương hộ tống… tập trung quanh yên xe cup đầy hoa trong một sáng đầy nắng của Huế. Thế là xe hoa ở Huế cứ đông mãi tới gần trưa, kéo dài mãi đến chiều và đón cả mấy chục lượt khách/ngày.

Không chỉ ở trung tâm TP. Huế mà ở Tứ Hạ, Mỹ Linh cũng cho ra thị trường một chiếc xe như vậy. Vì là vùng ngoại ô, khả năng cạnh tranh thấp, khác biệt về dòng khách, nên Linh lấy giá bèo hơn hẳn, chỉ 30.000/người, thành ra cô nàng cũng bao trọn một cung đường để phục vụ bà con cô bác. Linh bảo “mình cứ tưới nước liên tục để hoa lâu héo, rồi ai chụp thì chụp, người có nhu cầu mua thì bán luôn, đỡ lỗ vốn”.

Cách kinh doanh thời vụ này hẳn cũng mang lại một khoản thu không nhỏ, tôi nhẩm ra vậy khi Linh hăng hái bảo chuẩn bị hoa hết tầm 3 triệu, đứng trông khách và thu phí từ sáng nay đến tầm 3h chiều đã lời cỡ 1 triệu đồng rồi, mà xe hoa của cô ấy vẫn còn khá tươi và cô chủ nhanh nhẹn thông báo “Gánh hoa của em sẽ đứng ở Công viên Tứ Hạ đến khi tắt nắng mới về, 30.000/người, chụp đến khi nào có ảnh đẹp rồi về mọi người hỉ”…

Tiếng Huế bên xe hoa lẫn trong nhiều tiếng lách tách bấm máy, tuy nhả dấu nặng hơn nhiều so với kiểu “hướng dương 50.000/ bó cô ạ” của các dì bán hoa ở Thủ đô, nhưng cách mọi người chào đón trend này cũng thật và tiếng Huế, người Huế cười bên hoa, dưới nắng cũng thật lung linh và rất riêng thật… Những điều ấy, chắc chắn là thật rồi.

Bài, ảnh: Hạ An
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Huế nên bảo vệ những di chỉ văn hóa - lịch sử

Là chốn Kinh đô của Triều Nguyễn, Huế mang trong mình rất nhiều di chỉ văn hóa - lịch sử quý, mà chính quyền và Nhân dân Huế không thể không quan tâm giữ gìn, bảo vệ và khai thác mọi lợi thế trong công cuộc xây dựng và phát triển thành phố Huế thành trung tâm văn hóa nổi tiếng của cả nước.

Huế nên bảo vệ những di chỉ văn hóa - lịch sử
“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế

Hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024) do Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sau khi đi qua nhiều tỉnh, thành đã đến Huế trình diễn vào tối 21/4 tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh, 41A Hùng Vương, TP. Huế.

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế
Hy vọng cho đá cầu Huế

Khởi đầu thành công ở giải đấu đầu tiên, đá cầu Thừa Thiên Huế tiếp tục hy vọng sẽ có được những thành tích cao trong năm 2024 này. Đặc biệt hơn khi Thừa Thiên Huế vinh dự được chọn làm đơn vị đăng cai tổ chức Giải vô địch Đá cầu châu Á 2024.

Hy vọng cho đá cầu Huế
Return to top