Chiều hôm ấy, tôi được chủ nhân vườn Ngự Hà, ông Dương Đình Vinh mời sang nhà uống rượu. Khi sang, đã thấy có nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông, anh Đỗ Hữu Nghị, Giám đốc Công ty Thiết bị y tế Huế. Ngồi một lát thì nhà văn Tô Nhuận Vỹ đi vào, vẻ mặt không vui...
- Răng, tìm hắn ra chưa anh?- Đỗ Hữu Nghị hỏi khi nhà văn vừa kịp ngồi xuống.
- Chưa, tớ đã đi khắp mấy ngày nay rồi mà vẫn không thấy.- Ông Vỹ buồn bã cầm ly rượu uống cạn, rồi với tay cầm lấy chai vang tự rót thêm cho mình ly nữa.
Ảnh: Lan Khuê
Tôi để tâm lắng nghe, thì ra ông nhà văn vừa bị mất con chó cưng. Ấy là dịp nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường về thăm Huế và bị tái tai biến, phải nhập viện. Tỉnh lại, cứ mỗi buổi sáng người mà Hoàng Phủ hỏi trước tiên là Tô Nhuận Vỹ. Vì thế, sáng nào ông Vỹ cũng phải vào bệnh viện sớm với Hoàng Phủ. Nhưng cứ hễ mở cửa là con chó cưng lại cứ lon ton chạy theo quấn lấy chân ông, nó tưởng ông cho đi tập thể dục cùng ông như mọi sáng. Vậy là phải mất vài phút dỗ dành. Ông kể với con chó chuyện bác Tường đau, lý do tại sao ông phải vào bệnh viện sớm và hứa với nó: “Bao giờ bác Tường xuất viện, ba sẽ lại dẫn con đi tập thể dục như mọi ngày”. Ông xưng ba- con với nó như với người vậy. Con vật hình như cũng hiểu chuyện nên tiu nghỉu quay vào để ông đi thăm bạn.
Xui xẻo, trong một lần ông Vỹ vào viện thì trời lại nổi giông. Nghe sấm chớp ùng oàng, con thú cưng quớ quýt định chạy vào nhà tìm chỗ trốn như mọi bận. Nhưng lần ấy bà Cúc vợ ông Vỹ quên mất không mở cửa. Vậy là trong cơn hoảng loạn, nó vùng chạy ra đường rồi mất tăm. Ông Vỹ về, không thấy bóng dáng thú cưng đâu, hiểu ra cơ sự, ông vò đầu bức tai, mất ăn bỏ ngủ băm bổ đi tìm.
Cho đến cái hôm ngồi uống rượu ở vườn Ngự Hà là đã cả tuần lễ kể từ ngày chú chó mất dạng. Nhưng nhà văn Tô Nhuận Vỹ vẫn không một ngày ngưng tìm kiếm và không thôi hy vọng sẽ tìm lại được chú chó yêu. Ông rỉ rả, rằng ông đã đi hết tất cả những điểm bán cầy tơ, treo giải thưởng, kể cả nhờ một tay “anh chị” đã gác kiếm mà ông quen dọ tìm qua các mối quan hệ... Tuy nhiên, tất cả đều chưa kết quả. Giọng ông bỗng trầm xuống khi tiết lộ việc đã nhờ người vẽ một bức chân dung của con vật, rồi ghi lại cái ngày xảy ra cơn giông sét. “Để nhỡ không tìm ra thì tớ sẽ thờ và lấy ngày ấy làm ngày giỗ cho nó kẻo tội nghiệp”- Ông nói như trút nỗi lòng.
Bỗng nhiên, giọng ông như tươi tỉnh hơn khi kể rằng ông vừa tìm gặp một thầy rất giỏi tử vi, nhờ bốc cho con thú cưng của mình một quẻ thử xem. Quẻ bốc được có tên “Đại an” khiến ông tràn trề hy vọng. Chạm cốc với mọi người lần nữa, ông xin phép về trước, để tiếp tục hành trình đi tìm con thú yêu của mình.
Nhìn dáng ông nhà văn tất tả khuất dần, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông thở dài:
- Tội nghiệp, chưa bao giờ thấy anh Vỹ tự tay rót rượu cho mình. Hôm nay chắc buồn quá, anh mới làm vậy. Anh thương con Mèo quá mà...
Tôi chột dạ. Chuyện gì nữa đây, sao mới nghe mất chó mà bây giờ lại... thương mèo? Hay “họa vô đơn chí”, ông nhà văn một lúc vừa mất chó, lại vừa mất mèo?!! Tẩn mẩn hỏi lại mới vỡ lẽ, hóa ra con chó bị mất nọ được nhà văn Tô Nhuận Vỹ đặt tên là con... Mèo!
Người nuôi thú cưng, yêu thương thú cưng tôi đã gặp không ít. Nhưng thương đến mức như nhà văn Tô Nhuận Vỹ thương “con Mèo” của ông thì đúng là tôi mới gặp lần đầu. Sau này hỏi lại thì biết ông đã tìm lại được con vật yêu của mình. Thật đúng là “Đại an”. Chúc mừng nhà văn và “con Mèo” đã gặp một cái kết có hậu.
Hiền An