ClockChủ Nhật, 16/10/2016 05:16

Miên man nghề biển

TTH - Theo thời gian, có những ngón nghề đánh bắt hải sản ven bờ dần mai một. Và trong câu chuyện của những lão ngư cả đời gắn bó với từng con sóng, dù họ vẫn quyết giữ nghề, bám biển nhưng những tiếc nuối vẫn thoáng đan xen…

Mặc dù không “thịnh” như xưa nhưng một số ngư dân vẫn lưu giữ nghề kéo rùng

Biển mấy hôm nay trở gió, làng chài Tân Mỹ (Quảng Ngạn - Quảng Điền) vắng hẳn tiếng cười nói của ngư dân. Những quán cóc ven biển cũng cùng chung số phận. Trên bãi cát dài trắng mịn, ông Nguyễn Hiền (thôn Tân Mỹ) ngồi “đồng” ngóng biển. Phía xa xa, có độc chiếc thuyền nhỏ vượt sóng ra khơi. “Chú thấy bọt nước màu đỏ phía đầu con sóng không?” - “Ở đó chắc có cá đối bác hỉ” - “Răng chú biết?” - “Biển mùa trở gió mà bác…”. Cuộc đối thoại chớp nhoáng giữa hai con người lớn lên từ biển khiến những ưu tư của ông Hiền như có dịp giãi bày.

Như những vùng bãi ngang ven biển khác, Tân Mỹ là nơi lưu dấu khá nhiều nghề đánh bắt từ thuở sơ khai. Theo lời kể của ông Hiền thì ngư phủ lão luyện không nơi nào bằng Tân Mỹ. Cách đây lâu lắm rồi, cái nghề câu cá nục không cần mồi, chỉ dùng loại dây lang (dạng dây cước nhỏ) màu xanh, đỏ, vàng được ngư dân ở đây sử dụng thành thục để dụ cá. Đó là “kỹ nghệ” mà bây giờ đã phổ biến tại các vùng ven biển khác, nhưng nó không phải là ngón nghề duy nhất để đánh bắt cá nục. “Nói đến đánh bắt cá nục phải nhắc đến nghề lưới mành. Đây là loại lưới dài khoảng 20 sải tay, đánh bắt sát đất. Một tay lưới giá khoảng 1 triệu đồng. Nếu làm thường xuyên, 1 vàng lưới (15 tay) chỉ sử dụng trong vòng 1 năm. Nghề ni đánh bắt cá nục là nhất hạng. Nhưng chừ họ bỏ cả rồi”, ông Hiền trầm ngâm.

Trở về sau chuyến đánh bắt

Nghề lưới mành lùi vào dĩ vãng là bởi, khi ngư dân đánh bắt bằng loại lưới này, gặp tàu giã cào, lưới bị cuốn phăng hoặc rách toạc. “Đây là loại lưới đắt tiền, đánh bắt vài trộ mà đi tong hơn 10 triệu ai cũng tiếc nên đành chuyển qua cách đánh bắt khác cho an toàn hơn”, ông Hiền lý giải.

Từ lưới mành, câu chuyện được nối dài với món cá ngọt (một số nơi gọi là cá hơi). Cũng là cá nục nhưng qua cách chế biến giản đơn, nó trở thành “đặc sản” của dân biển. Chuyện là, vào những chuyến đánh bắt thâu đêm, ngư dân phải chế biến thức ăn ngay trên thuyền, được nấu bằng nước biển hay nước ngọt mang theo. Những con cá nục tươi rói luộc cong đuôi, phơi héo trên mạn thuyền. Món ăn có vị mặn của biển, ngọt thơm của cá và vừa đủ dai, ngon một cách lạ kỳ. “Giải thích vì răng ngon thì không ai nói được mô. Chỉ dân biển “bấm bụng” hiểu với nhau mà thôi”, ông Hiền cười xòa.

Nghề te ruốc đất bây giờ rất hiếm người làm bởi ruốc khan hiếm

Với ngư dân, đời biển như đời người, cũng câu chuyện lưới mành, nhưng kí ức của lão ngư Hoàng Khoái (80 tuổi, thôn Hải Nhuận, xã Phong Hải, huyện Phong Điền) lại gắn bó với nghề mành vó. Từ thập niên 80 trở về trước, mành vó là nghề “quây” cá hữu hiệu bậc nhất tại các vùng biển bãi ngang. Thời điểm đó, ngư dân sử dụng thuyền nan có công suất từ 15-20 CV, dong thuyền theo tổ, đội ra con nước cách đất liền chừng 20 hải lý. Loại nghề này đánh bắt được nhiều loại cá, như ngừ, thu, nục…. Nhưng bây giờ mành vó cũng chỉ là kí ức. “Lúc trước, tui cùng bạn thuyền chuyên đánh bắt bằng mành vó. Đi một chuyến biển trở về cá ngừ đầy khoang. Nghề ni chừ hết người làm rồi. Có nhiều lý do khiến ngư dân không ưng làm nữa, cá thời buổi ni ít hơn, tàu to đánh bắt hết”, ông Khoái thở dài.

Chạm vào câu chuyện của các ngư dân, đồ chừng họ tiếc và nhớ nghề lắm. Công việc một thời giúp họ gắn bó với con nước giờ đây đã thành dĩ vãng. Bây giờ, những con tàu lớn, thiết bị hiện đại thay thế cho sức vóc, kinh nghiệm và ngón nghề của ngư dân. Nhiều loại hình đánh bắt như: kéo rùng, bủa xăm… giờ cũng hiếm khi xuất hiện. Trong một “cuộc vui”, ông Trần Chống (55 tuổi, thôn Hải Nhuận, xã Phong Hải) cao hứng ngâm thơ: Núi lâm sơn nuôi dân đào tản/ Biển hồ lai láng trợ kẻ lâm nguy. “Cá tôm tính theo con nước, con nước “thơm”, nước rài cá dô từng đàn. Trước đây, tụi tui chỉ cần đánh thuyền ra cách bờ 3-5 hải lý bủa xăm thì có thể quây được hàng tạ cá ngừ, cá sòng. Nghề bủa xăm mỗi thuyền phải có 8-10 người để kéo. Khi thuyền cập bờ, những người không có nghề thì gánh cá thuê, gánh thuê 10 thuyền cũng có đến mấy chục cân cá. Vì rứa mà mùa biển, người dân tương trợ lẫn nhau, cùng có của ăn của để”, ông Chống nói.

Không chỉ đánh bắt cá, từ tháng 11 năm trước đến khoảng tháng 3 năm sau (âm lịch), ruốc (khuyết) đỏ bị sóng biển đánh dạt vào bờ, lúc đó bủa xăm cũng phát huy tác dụng. Ngư dân chỉ cần kéo mành xăm là có vài tạ ruốc mỗi ngày. Nhắc đến nghề này ai cũng tiếc rẻ vì lộc biển giờ đây không như trước. Ông Chống cho biết: “Mấy năm ni biển mất mùa, ruốc cũng không thấy nhiều. Bủa xăm được coi là chủ đạo của ngư dân đánh bắt gần bờ chừ không mấy ai mặn mà. Sắp tới mùa rồi nhưng chừ vẫn chưa thấy ai chuẩn bị. Thông thường, đến mùa, biển đông nghẹt người. Chồng mang cơm đùm cơm bới đi biển từ 4 giờ sáng. Trong đất liền, vợ chuẩn bị triêng gióng đợi sẵn. Mỗi con thuyền đánh bắt về có ngày thu được cả chục triệu bạc”.

Ngoài ruốc đỏ, loại ruốc đất (ruốc trắng) cũng mang lại thu nhập cho nhiều người. Nếu ruốc đỏ ngư dân phải dùng thuyền đánh bắt thì ruốc trắng nằm ngay bên chân sóng. Để hành nghề, ngư dân cần một cái dũi xăm để “te” ruốc. Họ dùng chân dũi cát ven chân sóng tìm ruốc, sau đó lợi dụng con sóng vỗ bờ để “te” (sàng). “Nghề “te” ruốc chừ không ai làm vì môi trường nước không phù hợp để loại ruốc ni sinh sản nữa. Nhưng đánh bắt ruốc loại ni chỉ là nghề phụ, thu nhập không bằng các nghề khác”, ông Chống nói.

Lộc biển không còn nhiều nhưng không vì thế lòng người bỏ biển. Những ngón nghề dù đã xưa cũ, dần vắng bóng nhưng không phải mất hẳn. Cái gật đầu của ông Chống khi đồng ý cho tôi xem vàng lưới rùng như để chứng minh nó không bị thất truyền. Nghề này được ngư dân vùng bãi ngang áp dụng để đánh bắt gần bờ. Đây là một trong những loại hình đánh bắt từ thuở sơ khai. Một vàng lưới rùng có hai tổ, đội để đánh bắt, mỗi tổ, đội từ 10-15 người phụ trách khoảng 200 sải tay dây. Sau khi thả rùng, hai tổ, đội tách ra, cách nhau 500m đi giật lùi song song, kéo rùng vào bờ.

Với dân biển, nghề rùng được xem như nét đẹp tự bao đời. Ở đó không chỉ mưu sinh mà còn thể hiện sự đoàn kết trong cộng đồng. Ông Chống bày tỏ: “Tui mua vàng rùng chục triệu bạc. Biển chừ ít cá, nhưng đến mùa, thấy cá me, cá duội là tui cùng bạn cất thuyền đánh bắt liền. Nếu nhiều thuyền cùng đánh bắt một thời điểm thì chia mặt nước để thả rùng. Làm nghề ni cần nhiều người, chung sức chung lòng, chứ ít người là không làm được. Vì rứa cũng nhờ nghề mà tình cảm anh em, bạn bè trở nên khăng khít. Đã là dân biển thì chỉ biết dựa vào biển để sống, biển lành sẽ cho nhiều cá tôm. Người không phụ biển thì biển có bao giờ phụ người”.

Bài, ảnh: Quỳnh Viên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nỗi niềm con nước vùng lộng

Vùng biển bãi ngang - nơi có hàng ngàn ngư dân, gắn bó hàng trăm năm với nghề biển đang vật lộn với con sóng.

Nỗi niềm con nước vùng lộng
Thả lưới rùng quây cá ngát

Gần ba giờ đồng hồ sau khi thả, tấm lưới được những ngư dân lành nghề kéo lên thuyền. Theo nhịp sóng, thuyền tấp vào bờ, trong chiếc giỏ đựng lộc biển, những con cá ngát thu hút sự quan tâm của người mua.

Thả lưới rùng quây cá ngát
Ngày mới trên đầm Quảng Lợi

Đầm Quảng Lợi cách trung tâm TP. Huế không quá xa, chỉ độ 30km, thuộc xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền – vùng chiêm trũng giàu bản sắc văn hóa. Đầm rộng khoảng 800ha, nằm trong hệ đầm phá Tam Giang. Thuận theo những con nước, đời sống của người dân nơi đây gắn liền với mặt nước và làm nghề đánh bắt tôm, cá…, giản dị và thuần hậu.

Ngày mới trên đầm Quảng Lợi
Cứu nạn thành công 11 ngư dân

Ngày 9/8, lực lượng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An và Hải đội 2 Biên phòng đã cứu nạn đưa toàn bộ 11 ngư dân trên tàu cá bị nạn trên biển lên tàu hàng an toàn.

Cứu nạn thành công 11 ngư dân

TIN MỚI

Return to top