ClockChủ Nhật, 12/08/2018 14:15

Mối tình son sắc

TTH - 40 năm trước, có một chàng trai quê ở Thừa Thiên Huế sang Campuchia tình nguyện làm nhiệm vụ quốc tế và đã hy sinh ở nước bạn. Ở quê nhà, cô thôn nữ khắc khoải đợi người yêu và bà đã quyết định thủ tiết...

“Vị ngọt” trong bữa cơm gia đình

Ông Nguyễn Thiện thắp hương trên bát nhang thờ vọng ông Hát nằm giữa hai bát nhang bố và mẹ

Nỗ lực của người ở lại

Buổi chiều giữa tháng 1/1979, một ô tô màu mận chín chở một người lính trẻ Việt Nam vào cấp cứu tại Bệnh viện E209, Phnômpênh, Campuchia, trong tình trạng chấn thương rất nặng. Ông Nguyễn Đình Thành (hiện sống tại đường Hàn Mặc Tử, P.Vỹ Dạ, TP.Huế) lúc ấy là chiến sĩ Đại đội 5, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 209, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4, cũng đang trị thương ở Bệnh viện E209. Thấy có người lính bị thương, ông Thành đến giúp cáng thương bệnh nhân vào phòng cấp cứu. Ông Thành giật mình nhận ra người bị thương chính là người bạn học tên Nguyễn Trọng Hát (sinh năm 1957), quê ở tổ 10, phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về Tổ quốc, ông Thành ghé thăm nhà ông Hát thì chỉ nhận được những dòng nước mắt từ người cha già, không có tin con. Bố ông Hát ôm nỗi nhớ thương con mà qua đời. Kể lại những dòng hồi ức đẫm nước mắt nói trên, ông Thành nói rằng bao năm qua lòng ông luôn không yên về thân phận một người lính tình nguyện, một người bạn chưa được sáng tỏ. Ông Thành mang câu chuyện đó tâm sự với ông Khổng Quốc Toản, một cựu binh cùng trú ở đường Hàn Mặc Tử,  phường Vỹ Dạ (Huế). Ông Toản và ông Thành cùng “mò kim đáy bể”.

Lá thư và bút tích hiếm hoi về người yêu được bà Lạc cất giữ suốt 40 năm qua

Chừng 1 năm sau với nhiều nỗ lực, đại diện gia đình và bạn bè ông Hát cũng nhận được phản hồi từ Trung đoàn 209, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4, đơn vị cũ của ông Hát. Ông Hát được xác nhận nhập ngũ 4/1978 và có tên trong danh sách liệt sĩ lưu giữ tại Trung đoàn 209 và sổ lưu danh sách liệt sĩ tại Ban Chính sách Sư đoàn 7.

Thủy chung

Ngôi nhà ông Hát hiện gia đình ông Thiện sinh sống. Ông Thiện kể, nhà có 3 chị em, đầu là chị gái, đến ông Hát còn ông là út. Mẹ ông mất sớm, bố là cụ Nguyễn Văn Có một mình nuôi ba chị em ăn học, lớn khôn. Con đi làm nhiệm vụ quốc tế mãi không thấy về, cụ Có nhiều lần ra hỏi chính quyền địa phương thì không ai biết thông tin. Cụ Có nhớ con mà quẫn trí, sau thì lâm bệnh qua đời. Ông Thiện cũng tiếp tục dò la tin tức anh trai, nhiều năm không kết quả bèn nén nỗi đau đặt thêm bát nhang ở giữa hai bát nhang của cha và mẹ gọi là “thờ vọng”. Nhà nghèo, ông Thiện chỉ làm một bữa cơm chay giỗ chung cho cả 3 người vào ngày rằm tháng bảy âm lịch hàng năm.

Bà Nguyễn Thị Lạc quyết định “thủ tiết” và lấy việc chăm, nuôi gia đình cháu ruột làm niềm vui sống mỗi ngày

Men theo ký ức và câu chuyện ông Thiện kể về người phụ nữ được ông Hát “tạc tượng”, tôi đi tìm người đặc biệt ấy. Bà là Nguyễn Thị Lạc, 63 tuổi, làm nghề buôn bán nhỏ ở tổ 9, phường Thủy Phương, Hương Thủy. Đã quá lâu rồi người phụ nữ ấy mới lật những trang ký ức về một mối tình tưởng đã chôn chặt. Bị sự “lì lợm” của tôi thuyết phục, bà Lạc đi vào bên trong phòng của ngôi nhà cấp 4, lục tìm và mang ra hai chiếc bao thư và một bức thư úa màu thời gian…

Trước khi vào chiến trường, ông Hát đã kịp viết cho bà Lạc hai lá thư, một được gửi từ Bến Hải, Quảng Trị và một từ huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh. Bà Lạc mở bức thư thứ hai và cũng là bức thư cuối cùng mà ông Hát gửi cho bà. Cuộc tình ngây thơ, trong trắng giữa chàng thư sinh và o du kích năm nào ẩn chứa sau từng con chữ chân chất. Trong bức thư đề ngày 29/8/1978 viết ở huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh (hòm thư 4K 2115) ở cuối thư ông Hát mong bà Lạc gửi tặng một tấm hình để ông mang theo khi vào chiến trường. “Xin nhau cái ảnh là thổ lộ tình cảm rồi. Chỉ tiếc là, tui chưa kịp chụp thì Hát đã vào chiến trường...” – bà Lạc bùi ngùi kể.

Đề nghị công nhận liệt sĩ

Ngày 24/7/2018, ông Lê Văn Chung, nguyên Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy (cũng là người bà con của ông Nguyễn Trọng Hát) thông tin, bộ hồ sơ đề nghị Nhà nước công nhận ông Hát là liệt sĩ đã được hoàn tất theo trình tự, thủ tục quy định. Sau khi tiếp nhận, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế đã trình lên các cấp có thẩm quyền cao hơn và hiện đang được bộ ngành liên quan xem xét, thẩm tra.

Đã quá lâu rồi người phụ nữ ấy mới lật những trang kí ức định chôn chặt về một mối tình mà chính Tân, người cháu ruột được bà Lạc nhận nuôi hơn 20 năm nhưng không hề biết đến. Không chỉ Tân mà vợ con của Tân cũng được bà Lạc thương yêu, chăm sóc chu đáo. Đó là những gì ấm áp, hạnh phúc nhất với người phụ nữ “thủ tiết” cho mối tình son sắc trong 40 năm qua.

Dáng người thấp thoáng cờ bay

Ông Thiện nay làm thợ cưa xẻ gỗ. Những ngày lễ trọng, ông thường nhìn lên lá cờ Tổ quốc để nhớ đến người anh trai. Thói quen ấy là do khi vào quân ngũ ông Hát biên thư gửi về gia đình, nói rằng nếu mai này ông không thể trở về và hy sinh vì Tổ quốc thì mọi người hãy nhìn lên lá cờ Tổ quốc, lúc ấy sẽ thấy ông. Bao năm qua ông Thiện nào hay có người mà ông xem là “chị dâu hụt” cũng thế, vẫn nhìn lên lá cờ Tổ quốc để tưởng nhớ một chàng trai, một cuộc tình dang dở. Trong thư gửi cho bà Lạc, ông Hát cũng có những dự cảm chẳng lành: “Từng giờ từng phút mình nghĩ cuộc đời như thế này rồi đây có trở về với gia đình và bạn bè không, và được gặp lại người bạn xưa là Lạc không? Nếu vào chiến trường có hy sinh cho Tổ quốc thì Lạc hãy nhìn lên lá cờ đỏ sao vàng tung bay sẽ có Hát”.

Người phụ nữ có gương mặt hiền và rất duyên ấy gấp lại lá thư, cẩn trọng đút vào chiếc bao thư ố vàng nhưng còn rõ dấu bưu điện dẫu đã 40 năm. Một trang ký ức lãng mạn, đượm buồn vừa gấp lại.

Bài, ảnh: MAI ĐÌNH TOÀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên
Return to top