ClockThứ Năm, 28/06/2018 13:45

“Vị ngọt” trong bữa cơm gia đình

TTH - Bữa cơm là lúc các thành viên gia đình quây quần, san sẻ tình yêu thương cho nhau.

Bài ca hạnh phúcGắn kết yêu thương

Buổi trưa ghé quán cơm T. ở đường Hai Bà Trưng, TP. Huế,  gặp gia đình anh bạn sống ở đường Phan Chu Trinh.  “Hai vợ chồng mình đi làm cả ngày, bé Na đi nhà trẻ, không đi chợ nên ra đây ăn luôn cho tiện, đỡ phải tốn công nấu nướng”, anh chồng chia sẻ.

Chọn quán cơm hay một cửa hàng nào đó “ăn tạm” đang là  thói quen bình thường của nhiều gia đình trẻ. Tiết kiệm thời gian cho công việc, đỡ tốn công đi chợ… là cách lý giải cho quyết định ấy. Cũng không hiếm lý do “bận tiếp khách, bận công việc” của các ông bố, bà mẹ để không hiện diện trong bữa cơm gia đình. Các quán ăn, nhà hàng vì vậy xuất hiện nhiều hơn phục vụ thực khách, mọi lúc, mọi nơi.

Cách đây không lâu, tôi được “tháp tùng” thầy Q.T, giáo viên Trường Đồng Khánh xưa, nay đã định cư ở TP. Hồ Chí Minh, dùng cơm tại nhà một người bạn của thầy trên đường Nguyễn Sinh Cung, TP. Huế. Bữa cơm ngoài sự tinh tế trong cách chế biến món ăn của một gia đình người Huế, dư vị đọng lại trong tôi còn là không khí bữa ăn và sợi dây tình cảm từ mâm cơm gia đình.

Với người Huế, bữa cơm gia đình là lúc các thành viên cùng ăn, không kẻ trước, người sau; là khi mọi người san sẻ cho nhau buồn vui trong công việc để động viên cùng nhau cố gắng; là lúc người lớn dạy con nhỏ về cách đối nhân xử thế, cách ăn, cách ngồi sao cho phải phép.

Bữa cơm còn là dịp người mẹ dạy con gái biết cách chắt chiu, san sẻ tình thương đến chồng con qua những món ăn. Với họ, tài nấu nướng được xem như một yếu tố của đức hạnh. Từ trong các gia đình Huế, bé gái lớn lên thành thiếu nữ sẽ học được từ chính mẹ mình biết cách đi chợ, biết cách nấu ăn ngon, một trong những bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Nhà báo Nguyễn Phan Vĩnh Quyền từng chia sẻ: “Cuộc sống tất bật hôm nay không dành nhiều thời gian cho phụ nữ Huế trau dồi “đức hạnh” như thế nữa. Những buổi trưa ăn cơm hộp ở cơ quan, những ngày cuối tuần ăn cơm tiệm cả nhà đã trở nên quen thuộc”. Bữa cơm thời hiện đại vì thế được dịch chuyển từ không gian gia đình ra không gian cộng đồng nhiều hơn. Đó có thể vẫn là giây phút quây quần quanh “mâm cơm” nhưng chắc chắn những bài học mà người lớn dành cho con cháu sẽ ít lại và sợi dây để kết chặt tình thân giữa các thành viên trong gia đình do vậy cũng lỏng lẻo đi.

Hiện nay, số vụ ly hôn ở TP. Huế tăng dần theo thời gian. Từ 136 vụ (năm 1995) đã tăng lên 629 vụ năm 2015 khiến Tòa án nhân dân TP. Huế cảm thấy quan ngại. “Cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” là hệ lụy của sự rạn nứt các mối quan hệ gia đình, khi không được nuôi dưỡng bởi tình thương yêu và sự chăm sóc. Mô hình gia đình hạt nhân gồm bố mẹ và con cái phù hợp với xu thế vận động của xã hội hiện đại nhưng nó lại quá mong manh khi có những biến động cuộc đời. Sợi dây kết nối giữa các thành viên thiếu bền chặt khi thời gian dành cho nhau để hiểu, thông cảm và dạy bảo giảm đi. Thiếu những bữa cơm trong không gian gia đình đến một ngày tạo nên sự bất thường trong mối quan hệ giữa các thành viên.

Nhịp sống hiện đại sẽ rất khó để duy trì ngày hai bữa các thành viên trong gia đình quây quần bên mâm cơm nhưng quan trọng vẫn là ý thức của mỗi người có chịu thích nghi với thói quen nhỏ ấy hay không. Từ chối những bữa ăn gặp gỡ bên ngoài không thực sự cần thiết để dành giây phút gần gũi cùng người thân cạnh mâm cơm là cách gia cố tình cảm, kết nối yêu thương mang lại hạnh phúc hữu hình trong cuộc sống hiện tại, NNC Dương Phước Thu chia sẻ.

Thành Nhân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top