|
Khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo ở xã Vinh Hưng |
Xây nhà cho người nghèo phải tránh được bão
Nếu không có lời giới thiệu của chính quyền địa phương, tôi cũng không biết căn nhà của bà Bùi Thị Kim Duyên ở xã Vinh Hưng được xây dựng từ nguồn hỗ trợ cho người nghèo. Tuy diện tích không quá lớn, nhưng căn nhà được xây dựng với kết cấu vững chắc, khang trang, đáp ứng các tiện nghi cơ bản. Bà nói trong hạnh phúc: “Thiệt sự, từ khó khăn mà có được căn nhà này, tôi như được tiếp thêm động lực để vươn lên, nuôi 4 đứa con ăn học”.
Dẫn chúng tôi đến thăm một số căn nhà của những gia đình trước đây là hộ nghèo, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Chỉ đạo giảm nghèo xã Vinh Hưng chia sẻ, trong 4 năm qua, đã có hơn 25 nhà tạm được xóa và xây dựng, sửa chữa, trong đó khoảng 10 căn nhà được xây trong năm 2024. Đáng chú ý, nhà xây mới cho người nghèo ở Vinh Hưng khá đẹp, nguồn kinh phí có nhà lên đến 140 - 200 triệu đồng.
Ông Vĩnh kể, kinh phí hạn hẹp là chuyện thường thấy ở bất kỳ nơi đâu và người nghèo cũng thường không có tiền để góp thêm. Tuy nhiên, địa phương xác định, đã xây nhà cho người nghèo là phải tránh được bão, không để họ phải chạy vạy mỗi mùa mưa bão. “Kinh phí Nhà nước hỗ trợ thường chiếm 50%, còn lại chúng tôi huy động toàn xã hội ủng hộ xây nhà để gia đình nghèo có chỗ tránh bão. Địa phương phân công các tổ xây dựng. Hộ nghèo thuộc đoàn thể nào thì đoàn thể đó là tổ trưởng tổ xây dựng. Địa phương làm nhà cho hộ nghèo theo hình thức chìa khóa trao tay, phụ trách tất cả các khâu từ chuẩn bị các điều kiện để khởi công, đội thợ, lo vật liệu xây dựng, tổ chức bàn giao, tặng các thiết bị phục vụ cuộc sống cơ bản khi vào nhà mới: Chăn ga, gối, giường, xoong nồi…”, ông Vĩnh chia sẻ.
Điều đặc biệt ở xã Vinh Hưng là huy động được mọi người cùng chung tay với người nghèo. Đích thân Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cùng đại điện các đoàn thể trong xã tham gia các hoạt động vận động. Từ vận động người thân cho đất, góp tiền xóa nhà tạm; vận động doanh nghiệp hỗ trợ vật liệu xây dựng, bà con láng giềng ủng hộ ngày công. Chỉ tay vào từng vật dụng trong nhà, lãnh đạo xã Vinh Hưng cho biết, mỗi căn nhà cho người nghèo đều lưu dấu vai trò của những người góp công để hộ nghèo xóa nhà tạm vươn lên thoát nghèo. Những cánh cửa được trưng dụng lại từ đồ thanh lý các trường học, cơ quan đơn vị; gạch, xi măng, tôn từ sự ủng hộ của các cửa hàng vật liệu xây dựng; hệ thống bóng điện, dây điện cũng là sự hỗ trợ từ hợp tác xã điện. “Có những món đồ thanh lý do các đơn vị ủng hộ để giúp đỡ người nghèo. Xã có một kho để tận dụng nguồn vật liệu này, từ đòn tay, cánh cửa, bàn ghế… Nhờ sự chung tay hỗ trợ này mà tiết kiệm được nguồn kinh phí, từ đó tập trung xây dựng nhà ở cho người nghèo được khang trang hơn”, ông Vĩnh nhấn mạnh.
Để mọi người cùng vào cuộc
Lo nhà cho người nghèo chỉ là bước căn bản để họ ổn định cuộc sống. Để giúp người nghèo vươn lên, cần lo cả chuyện sinh kế. Theo đại diện lãnh đạo xã Vinh Hưng, sau dịch COVID-19, đời sống người dân, nhất là người nghèo càng khó khăn nên địa phương đã kêu gọi các nguồn lực giúp đỡ theo cách ngành nghề gì hỗ trợ nấy. Trong đó, các hộ làm ngư nghiệp được vận động hỗ trợ ngư, lưới cụ, con giống; hộ nuôi trồng thì hỗ trợ cây, con giống.
Ông Vĩnh nhớ lại, khi phong trào giúp người nghèo chưa được lan tỏa sâu rộng, việc kêu gọi hết sức khó khăn. Chính quyền địa phương nắm kỹ thông tin của từng hộ gia đình, điều kiện hoàn cảnh, thân nhân của họ. Để tăng sức thuyết phục, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã đích thân liên lạc, gặp mặt để vận động, bất kể sự ủng hộ dù là nhỏ nhất. Ủy ban MTTQ Việt Nam xã và các tổ chức đoàn thể từ xã đến thôn đều tích cực tham gia. Những câu chuyện ủng hộ cứ thế lan tỏa, nhà này thấy người thân ủng hộ, cho đất người thân, nhà kia cũng góp phụ tiền cho thân nhân là hộ nghèo làm nhà. Từng cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ cũng tình nguyện đóng góp, ban đầu là những cánh cửa, từng bao xi măng, tấm tôn lợp rồi dần dần, sự đóng góp ngày một lớn hơn.
Theo ông Vĩnh, giờ đây, bà con ở Vinh Hưng rất quan tâm chuyện giúp nhau thoát nghèo. Tùy điều kiện mà ai cũng muốn đóng góp chút sức cho người dân quê mình. Có những người đi xa quê hương cũng đóng góp, chung tay hướng về quê hương. Nhờ đó, tỷ lệ nghèo đa chiều tại xã đến cuối năm 2023 chỉ còn 1,01%. Cuối năm 2024, xã phấn đấu đưa tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn sức lao động về 0%.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phú Lộc đánh giá, Vinh Hưng đã có cách làm mới so với các xã khác trong việc giúp đỡ hộ nghèo và tạo được hiệu quả. Chính sự chủ động, linh hoạt của cấp ủy, chính quyền, sự đồng lòng của các đoàn thể, doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân đã tạo sức lan tỏa mạnh để cùng nhau giúp các hộ nghèo vươn lên. “Chúng tôi thực sự ấn tượng khi mỗi cơ sở kinh doanh, mỗi người dân, những người thợ xây dựng đều góp của, góp sức để giúp bà con xóm làng của mình có nhà mới, có cái nghề để vượt qua khó khăn”, ông Dũng chia sẻ.