ClockThứ Bảy, 20/01/2024 11:06

Mùa biển gần bờ thất bát

TTH - “Trời nắng đẹp, nhưng biển giả có chi mô nà. Không đi thì tiếc mà đi thì mất công. Tết gần đến rồi mà mùa biển cuối năm như ri thì dân làng biển gần bờ chắc “đói” mất”, những người dân làng biển buồn bã khi mùa biển cuối năm thất bát.

Bám biển vươn lênRa khơi mùa sóng dữ

 Sản vật biển thu về chẳng được là bao

Mặc dù mùa đông, nhưng thời tiết khá thuận lợi nên ông Nguyễn Văn Lơ và các ngư dân làng biển gần bờ xã Phú Diên (Phú Vang) tích cực đi biển để kiếm thêm thu nhập dịp gần tết. Nhưng cả tháng nay, mặc dù ngày nào cũng đạp sóng ra khơi, nhưng thành quả thu về của thuyền ông Lơ chẳng đáng là bao. “Các năm, mùa này mỗi ngày chúng tôi đi 2 chuyến, mỗi chuyến thu về vài tạ cá khoai. Nhưng năm nay cá khoai chẳng có mà cá đục, mực, ghẹ... cũng chẳng thấy tăm hơi gì”, ông Lơ thở dài.

Trở về sau một đêm trên biển, nhưng thành quả chỉ chưa được 1kg cá khoai và ít ghẹ, ông Bé (Mỹ Khánh, Phú Diên) buồn rầu: Thường thì mùa biển cuối năm là mùa cá khoai, nhưng năm ni cá khoai đếm từng con. Giá cao nhưng lại làm không ra để bán. Không có thì không chứ ngày mai tôi cũng sẽ ra khơi tiếp, biết đâu gặp may. Chứ trời đẹp thế này mà ở nhà cũng không đành.

Biển có lúc được lúc không nhưng cả mấy tháng nay, ngư dân các vùng biển gần bờ như Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên, Vinh Thanh... (Phú Vang) cứ đi biển là lỗ, bởi hải sản thu về chẳng thể bù được tiền dầu, tiền công.

So với những năm trước, khó khăn lớn nhất ngư dân đối mặt hiện nay là nguồn lợi thủy sản bị suy giảm nghiêm trọng, chưa phục hồi nên hiệu quả của những chuyến biển ngày càng giảm.

Anh Nguyễn Huy (Phú Diên) là một trong những hộ có tiếng về đánh bắt thủy sản ở xã Phú Diên, bởi nhà anh có phương tiện đánh bắt hải sản công suất lớn hơn các ngư dân khác. Vì thế, sản lượng đánh bắt sau mỗi chuyến biển của anh luôn khá, nhưng năm nay cũng thất bát. Mất mùa cá khoai anh đi lưới ghẹ, lưới mực... nhưng cũng chẳng ăn thua. “Cứ tình trạng này kéo dài đến tết thì bà con ngư dân khổ. Như các năm, độ này là mỗi ngày tôi kiếm được một vài triệu, trời đẹp chừng một tháng là ngư dân có tết “ấm”. Chứ như mô năm ni, biển giả tệ quá. Thôi thì hy vọng kiên trì đi biển từ giờ đến tết kiếm thêm được đồng nào tốt đồng đó”, anh Huy (Phú Diên) thở dài sau một chuyến biển thất thu.

Nếu trước đây những ngày biển động, người dân làng chài ven biển Phú Hải cũng kiên trì bám biển để kiếm thêm thu nhập, thì nay ngay cả những ngày nắng đẹp cuối năm  nhiều người chọn ở nhà làm những công việc lặt vặt để mưu sinh.

Dù vậy, vì yêu biển, yêu nghề, vẫn có người chọn rẽ sóng vươn khơi như anh Ba (ngư dân Phú Hải) cùng bạn thuyền. Thường ngày, đáng lẽ đi từ 4-5 giờ sáng là 9 giờ thuyền anh cập bến, nhưng vì sản vật thu được không nhiều nên mấy ngày nay anh đều ráng đánh bắt thêm một vài giờ.

“Bữa thì được con cá đuối, bữa vài cân cá ong biển, cá nâu biển... coi như khỏi lỗ tiền dầu chứ chẳng thấm vào đâu so với những năm trước”, anh Ba cho biết. Nhưng khi được hỏi biển mất mùa vậy có ý định chuyển nghề không thì anh lắc đầu và vẫn hy vọng: “Đi biển mình phải chấp nhận bữa được bữa mất. Chúng tôi sống hơn nửa đời người gắn bó với biển rồi, không đi biển thì biết làm gì. Mà không đi là thấy nhớ, thấy thiếu. Khó thì khó chung, mùa biển cuối năm nay hầu như ở đâu cũng vậy. Nên ngư dân chúng tôi cũng động viên nhau cố gắng qua giai đoạn này, hy vọng cuối năm và đầu năm sau biển sẽ ưu ái cho ngư dân chúng tôi những ngày ra khơi bình an và may mắn hơn”.

Tết đang đến thật gần, nhưng xuân năm nay dường như làng biển vắng lặng hơn. Người dân chưa thể chuẩn bị gì cho ngày tết, bởi vụ mùa thất bát. Nhưng không vì thế mà ngư dân nản lòng, bỏ biển, mà mỗi ngày vẫn đều đặn tiếng máy dầu ì ạch đưa tàu ra khơi, mang theo niềm hy vọng về một ngày bội thu gần nhất.

Bài, ảnh: THẢO VY
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhặt “lộc biển”

Từ sau tháng Giêng đến nay, sứa biển đã bắt đầu xuất hiện. Tùy theo con nước, sứa thường bị sóng đánh dạt vào bờ. Đây cũng là thời điểm nhiều người đi biển thử vận may với việc nhặt sứa.

Nhặt “lộc biển”
Vững bến neo

“Vững bến neo” là tâm nguyện, là sự mong ngóng của bao thế hệ ngư dân vươn khơi bám biển và chính quyền các cấp của Thừa Thiên Huế trong nỗ lực đáp ứng tốt nhất có thể các nhu cầu phát triển nghề cá của bà con ngư dân. Và dự án cảng cá Thuận An (phường Thuận An, TP. Huế) kết hợp khu neo đậu, tránh trú bão được xây dựng với kinh phí 220 tỷ đồng đã được triển khai và hoàn thành sau hơn ba năm xây dựng. Nằm trước cửa biển Thuận An, cảng cá Thuận An kết hợp với khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão trở thành một điểm kết nối, điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển.

Vững bến neo
Tôm, cá trở về

Đã mấy chục năm rồi, ngư dân vùng biển Ngũ Điền (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) mới được chứng kiến những đàn cá nục, cá trích, khuyết (ruốc)… bơi vào tận ven bờ. Vùng biển lộng đang hồi sinh!

Tôm, cá trở về
Sớm đưa Cảng cá Thuận An vào hoạt động

Đơn vị tư vấn giám sát đang thực hiện đo bình đồ luồng cảng và vùng nước trước cầu cảng Thuận An (TP. Huế) và hoàn thiện các thủ tục gửi Cục Hàng hải Việt Nam để đăng ký công bố mở cảng.

Sớm đưa Cảng cá Thuận An vào hoạt động
Sớm nâng cấp âu thuyền Phú Thuận

Việc đầu tư nâng cấp khu neo đậu, tránh bão xã Phú Thuận (Phú Vang) nhằm phục vụ sản xuất cho ngư dân trên địa bàn và các vùng lân cận là vô cùng bức thiết, khi âu thuyền này đã xuống cấp nhiều năm.

Sớm nâng cấp âu thuyền Phú Thuận
Return to top