ClockThứ Tư, 10/03/2021 10:48

Mùa lá hoa trên cao

TTH - Mấy ngày ra giêng lá non xôn xao trên cành. Đẹp nhất vẫn là những cây bàng trên phố. Lá bàng non màu biếc như một bầy chim nhỏ đậu trên từng tán cây. Có cây còn sót lại vài cánh lá đỏ điểm xuyết nhìn rực rỡ như một mảnh tà huy. Nói chung là sáng nay, mồng mười tháng Giêng những cây bàng đẹp đến nỗi mà nếu không chụp ảnh thì tôi thấy như mình có lỗi với mùa xuân, với thiên nhiên...

Mà nhắc đến lá bàng là tôi nhớ ngay đến câu hát từ thuở đi học trường làng: "Mùa đông áo đỏ, mùa hạ áo xanh, cây bàng mở hội là chim đến vây quanh..."

Nhớ câu hát và tôi chợt nhận rằng 4 mùa của đất trời thì cây bàng cũng 4 lần thay áo. Mùa đông áo đỏ để những ngày nắng ấm xuân sang thì cây bàng đâm lộc non. Lộc của cây bàng màu biếc giữa tím và xanh. Mùa hạ áo xanh và đến mùa thu ngước nhìn lên tán cây bàng là những chùm trái bàng chín vàng ươm. Trái bàng khi chín có thể ăn được vị ngọt nhẹ và hơi chát. Ăn xong lớp vỏ, đập hột lấy cơm ăn béo. Thường thì cuối hè, đầu thu là mùa trái bàng chín rộ. Tôi theo thằng bạn hàng xóm lên sân nhà thờ họ Trần hái trái bàng. Thực ra chỉ ăn vài ba trái là miệng đã chát chầm, nhưng vẫn thích leo cây chuyền cành hái những trái bàng chín nhất.

Tôi lại ngắm cây bàng cổ thụ trong công viên ven sông Hương đường Bùi Thị Xuân đang đến mùa thay lá. Qua lại hàng ngày trên tuyến đường này mới biết được đây là cây cổ thụ, cũng là dấu tích duy nhất còn lại của khu dân cư ven sông Hương một thời. Trước đây, dưới gốc của cây bàng này là quán nhậu Cây Bàng. Đó là một quán nhậu bình dân xập xệ nhưng luôn có khách, nhờ có bóng mát của cây và tiếng kêu ríu rít vui tai của những loài chim về cây trú ngụ. Mùa hè, cây bàng là nơi tập trung của hàng chục con chim sẻ, chúng gọi nhau rồi cùng nhau tha cỏ về xây tổ trên những cành bàng. Mùa đông cây bàng cũng vươn cánh cho lũ cò vạt bay về tá túc vào những buổi chiều tà giá lạnh tránh rét…

 Cầu Dã Viên được xây dựng, khu dân cư chật chội cũng được giải tỏa nhường chỗ cho một công viên thoáng đãng bên bờ sông Hương. Chỉ còn lại cây bàng là còn ở lại tỏa bóng với thời gian làm mát dịu cả một khoảng trời. Cứ mỗi lần qua đường thấy cây bàng mùa đông áo đỏ, mùa hạ áo xanh lại nhớ dĩa cá rô chiên giòn quán Cây Bàng hồi trước và nhớ nhất là tiếng kêu líu ríu của mấy chú chim non đòi mồi từ mẹ ở mấy cái tổ chim trên tán lá bàng .

Ở đây phải nói lời cảm ơn những người làm dự án này, đã biết yêu thiên nhiên cây cỏ; không xem cây bàng cổ thụ là vật cản không cần thiết để chỉ cần nháy mắt đặt cái máy cưa vào là xong béng một đời cây.

Một lần trò chuyện với NGƯT Đỗ Xuân Cẩm, tôi  đã được nghe những phân tích sâu sắc của ông về sự phát triển của hệ thống cây xanh đô thị Huế: “Cho dù phải chịu sự dày vò của thiên tai hàng năm, hệ thống cây xanh đô thị Huế vẫn vươn lên tìm sức sống. Nhiều cá thể cây xanh bị bão táp, mưa sa xô đẩy rạp mình, và hầu như đôi khi con người cũng quên lãng hoặc bất lực, nhưng theo năm tháng nó lại vươn mình phát triển. Hình như thiên nhiên đã tôi luyện cho cây xanh thành phố Huế một sức sống mãnh liệt, chịu đựng kiên cường trước nhiều tác động khắc nghiệt để vẫn giữ mãi một màu xanh cho Huế đẹp tươi…”.

Buổi sáng đầu xuân, thả bộ thong dong trên đường Bùi Thị Xuân, nhớ lại những nhận xét tinh tế của ông Cẩm và lặng ngắm cây bàng đang thay lá, rồi nhìn ra xa nơi lùm cây  bên cầu Dã Viên đang khoác lên mình thảm lá non xanh chờ đến mùa hoa đỏ, tím, vàng của phượng, điệp, bằng lăng… và chợt nhớ Huế cũng đang chuẩn bị bước vào mùa hoa  nở trên cao.

Phi Tân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Rèm xanh” cho căn nhà

Phủ xanh ngôi nhà bằng các loài cây leo là xu hướng được nhiều người ưa chuộng trong những năm gần đây. Như những “tấm rèm xanh” tự nhiên, những dàn cây leo không chỉ tăng tính thẩm mỹ mà còn giúp giảm thiểu ảnh hưởng từ nắng mưa, tạo nên không gian xanh mát, trong lành và dễ chịu giữa chốn đô thị.

“Rèm xanh” cho căn nhà
Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Tập trung xây dựng đô thị di sản xứng tầm

Chiều 5/12, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến điểm cầu các địa phương.

Tập trung xây dựng đô thị di sản xứng tầm
Điểm nhấn đô thị

Có thể thấy, diện mạo Hương Thủy đang thay đổi từng ngày. Tuy chưa phải là tất cả, nhưng những sự đầu tư để chỉnh trang, tạo mỹ quan đô thị đã giúp Hương Thủy tạo ấn tượng tốt hơn trong mắt người dân và du khách.

Điểm nhấn đô thị
Tăng cường giám sát, quản lý trật tự đô thị

Chiều 5/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, đơn vị liên quan về giải pháp giám sát, quản lý trật tự đô thị, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường giám sát, quản lý trật tự đô thị
Return to top