Tiện ích của mô hình này là người lao động biết căn cơ để tích cóp. Thứ nữa là không lãi suất. Cách đây chừng 4 năm, kể từ khi chuyển hình thức BHYT tự nguyện sang BHYT hộ gia đình, nhiều người gặp khó khi không có khả năng mua thẻ BHYT cho tất cả các thành viên trong gia đình, dẫu mức đóng được giảm dần từ người thứ hai trở đi.
Vận động tiểu thương mua thẻ BHYT trả góp ở chợ Cầu Đất
"Cái khó không bó cái khôn", ở chợ Cầu Đất phường Thuận Hòa (TP. Huế) lại râm ran chuyện tiểu thương mua thẻ BHYT theo hình thức… trả góp. Nguyên nhân do một số tiểu thương “thâm công đổ nợ” vì mắc bệnh hiểm nghèo khi không có thẻ BHYT. Có chị phải sang quầy để lấy tiền chữa bệnh. Sau sự cố đó, nhiều người giật mình khi khá nhiều tiểu thương không có thẻ BHYT. Theo cách lý giải của chị Huỳnh Thị Minh, tiểu thương ở chợ Cầu Đất, gánh rau hành của chị vốn liếng chẳng là bao nên bỏ ra gần 3 triệu đồng để mua thẻ BHYT cho cả gia đình thì lấy vốn đâu buôn bán. Mua thẻ BHYT thì không có khả năng, còn không mua lại “đứng ngồi không yên” khi các thành viên trong gia đình có dấu hiệu đau ốm.
Nỗi lo của chị Minh ngày nào giờ đã không còn khi toàn chợ Cầu Đất có gần 50 tiểu thương đều có thẻ BHYT; trong đó, đa phần mua trả góp. “Xuất phát từ nhu cầu của tiểu thương nên tôi cho các chị mượn tiền mua thẻ BHYT. Hàng ngày, tôi đến thu từ từ 5.000 đến 20.000 đồng/ngày. Mỗi khi thẻ BHYT đến hạn, tôi lại đến nhắc nhở họ nối thẻ. Mất công một tý, vất vả một tý nhưng tiểu thương yên tâm tập trung vào công việc kinh doanh”. Chị Đoàn Thị Phong Lan, cán bộ thu thuế của chợ Cầu Đất chia sẻ.
Mô hình mua thẻ BHYT trả góp lan rộng ở một số chợ. Nhiều nơi, họ hình thành tổ nhóm tầm 5 đến 7 người và có người đứng ra chịu trách nhiệm thu tiền hàng ngày để mua thẻ BHYT. Ở các vùng nông thôn, cách thức mua thẻ BHYT phong phú hơn. Chị em cho nhau mượn lúa, đậu xanh… bán đi để mua thẻ BHYT. Ở phường Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, Hội LHPN phường có phong trào “Chị em nghèo bỏ heo đất mua thẻ BHYT”. Mọi người hưởng ứng tích cực, nhất là lao động làm phụ thợ nề, bán vé số, buôn bán nhỏ… Có chị đặt heo đất tại nhà, có chị lại để ở các chi hội, quanh năm suốt tháng cho “heo ăn’’ từ 5.000 đến 10.000/đồng/ngày.
Cũng là hình thức mua thẻ BHYT trả góp, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Thủy Biều (TP. Huế) đã tín chấp giúp hội viên vay vốn từ 3 triệu đồng để mua thẻ BHYT. Mỗi tháng các chị trả 270.000 đồng/người với thời hạn 12 tháng. Đa số các chị đều làm hương, buôn bán nhỏ nên việc tích luỹ hàng ngày dễ dàng hơn và hầu như không có trường hợp nào vay vốn quá hạn. Chị Nguyễn Thị Duyên ở tổ 17, phường Thuỷ Biều, cho biết: "Tôi vay 3 triệu đồng, mua thẻ BHYT hết 2 triệu, còn lại hơn 1 triệu đồng, tôi mua máy đạp hương về làm thêm. Có đồng ra, đồng vào nên hàng ngày tôi “bỏ ống” để trả lại vốn đúng thời hạn”. Mô hình này đã được nhân rộng và có trên 400 hộ gia đình mua thẻ BHYT theo hình thức trả góp".
“Trăm nghe không bằng một thấy” khi có nhiều người đã thay đổi thói quen chăm sóc bản thân kể từ ngày có thẻ BHYT. Nhờ thế, người lao động thoát nghèo khi BHYT thanh toán hàng trăm triệu đồng là minh chứng thuyết phục nhất để người dân tham gia BHYT tự nguyện. Chị Giáp Thị Liễu, nhân viên đại lý thu ở xã Phong Sơn (Phong Điền) trải lòng: “So với khung viện phí hiện hành, nếu tự chi trả, người dân có mức thu nhập trung bình sẽ gặp khó trong trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh mạn tính điều trị lâu dài. Vì vậy, chúng tôi phải tuyên truyền, vận động để mỗi người dân thấy rõ giá trị của BHYT”.
Con số trên 98% dân số trong tỉnh tham gia BHYT, cao hơn mức bình quân chung của cả nước cho thấy, người dân không còn đắn đo khi bỏ ra tiền trăm, bạc triệu để mua thẻ BHYT phòng thân.
Bài, ảnh: HUẾ THU