Chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trạm y tế tuyến xã ở TX. Hương Thủy
Công đầu của truyền thông
Thời gian đầu triển khai chính sách, sự phân biệt đối xử của các cơ sở khám chữa bệnh, giữa người thanh toán trực tiếp một phần viện phí với người được quỹ khám chữa bệnh BHYT thanh toán là không thể tránh khỏi. Đây chính là rào cản lớn trong hoạt động truyền thông ở Thừa Thiên Huế. Trong bối cảnh đó, truyền thông cho người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của chính sách BHYT là vấn đề đặt ra.
Phương pháp truyền thông hữu hiệu nhất là tổ chức đối thoại trực tiếp với các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, trạm y tế và người dân tại địa phương. Ông Trương Công Khả, Trưởng phòng Khai thác và thu nợ Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh cho biết, lãnh đạo, cán bộ, viên chức BHXH tỉnh, huyện đều là những tuyên truyền viên, về xã mỗi người phụ trách một thôn. Hội nghị cấp xã được tổ chức ban ngày, còn đối thoại trực tiếp với dân thực hiện vào chiều tối tùy thuộc vào tình hình, làm sao để huy động người dân đông nhất có thể, có những nơi đến 9 giờ tối sau lễ của nhà thờ cuộc đối thoại mới được bắt đầu. Hoàn thành xong công việc, cán bộ, viên chức BHXH tỉnh có lúc về đến nhà lúc nửa đêm.
Theo ông Khả, lựa chọn đối tượng để truyền thông là quan trọng. Hội Liên hiệp Phụ nữ có mạng lưới rộng khắp, nhiều hoạt động thu hút hội viên như vay vốn, hỗ trợ hội viên nghèo… Người phụ nữ với đức tính chịu khó, biết lo xa cho gia đình và bản thân, do đó là đối tượng lựa chọn đầu tiên. Thấy hiệu quả, sau này Hội Nông dân vào cuộc và lan ra toàn dân. Nội dung truyền thông trong cuộc đối thoại là khó nhất. Cán bộ BHXH đã biên soạn bài truyền thông ngắn gọn kèm theo một số tình huống, câu hỏi thường gặp để tập huấn trước cho báo cáo viên, cứ như thế “nghề dạy nghề”, chất lượng báo cáo viên ngày càng tốt hơn, đảm bảo vững tin khi tuyên truyền và giải đáp thắc mắc cho người dân.
Tiêu chí của xã nông thôn mới
Bộ tiêu chí quốc gia quy định, xã nông thôn mới giai đoạn 2016 -2020 phải có từ 85% dân số trở lên tham gia BHYT. Thực hiện mục tiêu về tiêu chí nông thôn mới này của Trung ương, các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới ở Thừa Thiên Huế đã cùng với tổ chức BHXH có những giải pháp tích cực nhằm nâng cao nhận thức, tỷ lệ người dân trên địa bàn tham gia BHYT.
Thừa Thiên Huế là một trong số những địa phương thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2018, toàn tỉnh có 30 xã được công nhận, đưa tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh lên 28,8 %. Chúng tôi đã tìm hiểu tình hình ở các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới và nhận thấy, người dân nơi đây đã được tạo điều kiện phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức. Hệ thống cơ sở hạ tầng và các công trình thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn, hệ thống giao thông nội đồng, kênh mương được kiên cố hóa tạo điều kiện cho người dân nâng cao sản xuất nông nghiệp, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa tập trung có quy mô lớn.
Trong điều kiện của một xã nông thôn mới, có kinh tế - xã hội phát triển và chất lượng sống ngày một tốt hơn là điều kiện để người dân nâng cao ý thức về chăm sóc bản thân. Họ sẽ tự nguyện tham BHYT để chủ động trong chăm sóc và giữ gìn sức khỏe.
Chú trọng chất lượng khám, chữa bệnh
Người dân mua BHYT là mong muốn được chủ động trong phòng chữa bệnh với những dịch vụ tốt nhất. Thừa Thiên Huế có một hệ thống cơ sở khám chữa bệnh tốt, đảm bảo tính liên thông. Trạm y tế các xã hầu hết có bác sĩ và đều tổ chức khám chữa bệnh cho dân, góp phần bảo đảm yêu cầu kịp thời và tại chỗ trong khám chữa bệnh, qua đó tạo được niềm tin cho người dân.
Các phòng khám, bệnh viện tư nhân cũng góp phần làm phong phú hệ thống khám chữa bệnh BHYT rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Bệnh viện Trung ương Huế, một trong những cờ đầu của ngành y tế Việt Nam và sau đó là Bệnh viện Trường đại học Y dược ngày càng có nhiều khoa chuyên sâu, triển khai và áp các kỹ thuật cao trong khám, chẩn đoán và điều trị đã làm hài lòng bệnh nhân.
Ngày 10/11/2016, UBND tỉnh có Kế hoạch triển khai thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2016 -2020 trên địa bàn Thừa Thiên Huế. Theo đó, xác định mục tiêu mở rộng các nhóm đối tượng để đến năm 2020 có 94% dân số tham gia BHYT. Gắn với những mục tiêu nêu trên là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT theo quy định của pháp luật. Sự vào cuộc của ngành y tế, BHXH tỉnh và các đơn vị khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh trong việc đảm bảo quyền lợi chính đáng cho bệnh nhân BHYT đã xây dựng niềm tin, giúp người dân mạnh dạn và không còn đắn đo khi tham gia BHYT.
Bài, ảnh: Huế Thu