ClockThứ Hai, 31/01/2022 06:38

Mùa xuân trên đỉnh bình yên…

TTH - Những câu chuyện tình trong truyện cổ vốn thường xuất hiện ở những nơi chốn như vườn địa đàng, với một mô típ thường thấy là nàng công chúa ngủ trong những khu rừng giữa khung cảnh thần tiên, rồi chàng hoàng tử bạch mã ghé đến đánh thức. Nhưng không phải có vườn địa đàng là ở đó có ngay những cuộc tình như cổ tích.

Cổ tích, tự thân nó đã nói rằng chuyện ấy giờ đã xa xưa. Và thế kỷ 21 này, giữa thời 4.0 mà chúng ta đang sống dường như những vườn địa đàng mướt xanh cũng dần vắng bóng vì ô nhiễm, những câu chuyện tình cổ tích cũng trở nên quá hiếm hoi. Hiếm không có nghĩa là không có! Chỉ hơn hai tháng trước, giữa ngàn xanh Tây Bắc đã có một câu chuyện tình khiến báo chí truyền thông và cộng đồng mạng xôn xao thổn thức bởi đẹp như cổ tích. Một đám cưới diễn ra trên đỉnh núi mà phông màn là mây ngàn và âm nhạc là tiếng thác reo. Cô dâu là một cô gái người dân tộc Mông xinh đẹp, giỏi giang của bản làng và chú rể là một chàng trai đến từ TP. Hồ Chí Minh.

Câu chuyện tình cổ tích vừa diễn ra ở bản làng mang vẻ đẹp địa đàng trên non cao ấy khiến chúng tôi liên tưởng đến nhạc phẩm “Mùa xuân trên đỉnh bình yên” của nhạc sĩ Từ Công Phụng. Ca khúc ấy hẳn nhiều người đã biết, nhưng nhiều lúc trong cuộc đời có những sự kết nối diễn ra thật lạ kỳ, và trong trường liên tưởng ấy, có những mối liên kết bỗng nhiên vụt hiện.

 “Rồi mai, có một lần tôi đưa em về trên đỉnh уên bình, hiền hòa/Một mùa xuân lên cao/Hôn trên làn tóc xõa/Theo mâу trôi bềnh bồng…”. Giai điệu và ca từ của ca khúc “Mùa xuân trên đỉnh bình yên” cũng vụt đến đồng vọng trong tâm trí tôi khi bạn bè từ bản Sin Suối Hồ gọi điện thông báo về đám cưới của Hảng Thị Sú, con gái của Hảng A Xà , một nhân vật của chúng tôi từ nhiều năm qua.

Đôi bạn trẻ Nguyễn Thanh Ngọc - Hảng Thị Sú và tình yêu được kết nối trong không gian địa đàng của Sin Suối Hồ

Tết năm ngoái trên giai phẩm Thừa Thiên Huế xuân Tân Sửu 2021 với chủ đề “Xây dựng giấc mơ Huế”, người viết có kể câu chuyện về những bản làng Tây Bắc, “Những miền an lạc giữa ngàn xanh” khi người dân ở những bản làng ấy đang nuôi dưỡng lại những cánh rừng, nâng niu từng cọng rêu trên mái gỗ pơ mu, gìn giữ những nếp nhà ấm áp yêu thương để thật sự sống an yên trong địa đàng quê nhà đã nhắc đến bản Sin Suối Hồ, nơi đã diễn ra chuyện tình cổ tích này.

Bảy năm trước, lần đầu khi chúng tôi đến Sin Suối Hồ ghé nhà Hảng A Xà, quá ấn tượng với tài nghệ của Xà, bởi những rễ cây rừng cong queo, chằng chịt được anh nhặt về rồi đục đẽo lắp ghép thành ghế, thành bàn, thành tủ kệ tivi... Cùng với “nội thất” độc đáo mà Hảng A Xà rất tự hào đó, còn có bộ sưu tập giấy khen, bằng khen của các con anh, trong đó có hai chị em Hảng Thị Sú và Hảng Thị Quá. Ngày đó cả hai cô bé còn đang học cấp hai. Rồi học xong phổ thông trung học, về bản mình Hảng Thị Sú làm du lịch cộng đồng, trông coi homestay của gia đình và có quán cà phê của riêng cô bởi Sin Suối Hồ là bản du lịch, nhiều năm nay thu hút khá đông du khách tìm đến. Điều đặc biệt là cô gái Mông này rất giỏi tiếng Kinh và nói tốt tiếng Anh, nhanh nhẹn, tháo vát, tích cực tham gia tốt các hoạt động của tuổi trẻ ở bản.

Một ngày cuối năm 2019, trong một chuyến thiện nguyện ở Lai Châu, chị Nguyễn Thị Như từ TP. Hồ Chí Minh ghé Sin Suối Hồ đã tình cờ gặp Sú, trò chuyện và rất cảm mến cô gái. Cũng chính chị Như giới thiệu, kết nối Sú với người em trai Nguyễn Thanh Ngọc, đang là đầu bếp ở một khách sạn 5 sao tại Phú Quốc. Thêm một người bạn trên mạng xã hội, chuyện trò trao đổi những thú vui, sở thích, những hình ảnh phong cảnh thiên nhiên quê nhà là chuyện bình thường. Nhưng điều “bất thường” là Ngọc và Sú đã dần rung động cùng nhau, dù chỉ gặp nhau trên facebook. Cuối năm 2020, trong một chuyến công tác ở Tây Bắc, Ngọc đã tìm lên Sin Suối Hồ thăm Sú. Từ bản làng, Sú xuống thành phố Lai Châu đón người bạn từ miền Nam rồi cùng về thăm bản. Những ngày thăm chơi nơi bản nhỏ, hai người bạn trẻ ấy cảm giác dường như họ sinh ra là để cho nhau. Đêm cuối năm 2020, ngồi bên nhau bên bếp lửa giữa bản làng trước khi chia tay Sú để về lại phương Nam, Ngọc đã tỏ tình và Sú đồng ý.

Dịp lễ 30/4, từ TP. Hồ Chí Minh, Ngọc trở lại Sin Suối Hồ để thăm người yêu. Những ngỡ là chuyến thăm vài ngày, hết kỳ nghỉ lễ lại trở về với công việc. Nhưng dịch COVID-19 bùng phát. Ngọc ở lại Sin Suối Hồ, không phải chỉ vài ngày lễ mà kéo dài ra thêm gần nửa năm. Những ngày “mắc kẹt” vì dịch ấy, Ngọc đã học thêm nhiều điều từ người yêu, từ bà con dân bản. Chàng trai ấy biết lên nương gặt lúa, biết vào rừng chăm thảo quả, biết nấu những món ăn cho khách đến nghỉ lại ở homestay của gia đình Sú. Là một người đam mê nhiếp ảnh, Ngọc cũng hướng dẫn lại cho bà con trong bản, nhất là các bạn trẻ những kỹ năng về nhiếp ảnh, quay phim, dựng clip… Cùng với các đoàn viên trong bản, hồi tháng 8/2021, Thanh Ngọc và Sú cùng các bạn trẻ đã hoàn thành phim ngắn “Nói không với ma túy” tham gia cuộc thi “Thanh niên và các vấn đề văn hóa xã hội” của tỉnh Lai Châu và giành giải nhì.

Thiên nhiên trong lành, con người chân chất và hơn cả là tình yêu với nhau, cuối tháng 9/2021, đôi bạn trẻ đã tổ chức đám cưới sau khi được sự đồng ý của hai gia đình. Khác chăng, vì dịch bệnh, nhà trai chỉ tham dự qua… livestream. Ngày 25/9, lễ cưới của hai bạn trẻ Ngọc và Sú đã diễn ra trong khung cảnh đẹp như thiên thai của Sin Suối Hồ. Hoa tươi được các bạn tự kết làm cổng cưới, những bạn trẻ của bản đã hỗ trợ thêm để bày biện một đám cưới giữa mây trời Tây Bắc. Những hình ảnh của lễ cưới đã được cộng đồng mạng xôn xao, chia sẻ và bày tỏ sự ngưỡng mộ khi cả hai đã vượt qua khoảng cách địa lý, vượt qua cả những trở ngại của thời dịch giã và gọi cuộc tình ở bản nhỏ Sin Suối Hồ này là cổ tích tình yêu.

Trở lại với câu chuyện “kết nối xanh” của giai phẩm báo Xuân Nhâm Dần, không thể không nói thêm điều này, rằng chính cái không gian thiên thai địa đàng của Sin Suối Hồ đã kết nối cho một tình yêu đẹp, ươm mầm cho một cuộc tình xinh tươi như đã kể. Nếu Sin Suối Hồ không là một địa đàng giữa núi rừng, rất có thể câu chuyện sẽ không long lanh, trìu mến như những gì đã diễn ra.

Tôi nhớ rất lâu rồi trong một ngày mùa đông se lạnh, ngồi cà phê với vài người bạn từ nhiều miền đất nước về Huế chơi, quán cà phê trông ra những rêu phong Hoàng thành, và con đường hun hút mù sương, những người bạn của tôi đều nói cái không gian này khiến con người ta muốn được yêu đương, được chia sẻ, được ủ ấm một bàn tay trong một bàn tay. Đó cũng là sự kết nối giữa thiên nhiên và tâm hồn con người. Một xứ sở mà không gian sống luôn biếc xanh và khoáng đạt, vừa đủ chỗ cho nhịp đời xôn xao nhưng vẫn có không gian cho người ta mộng mơ và lãng mạn sẽ luôn là nơi sinh thành và nuôi dưỡng những yêu thương.

Vì thế, kết nối xanh không chỉ là câu chuyện của thiên nhiên. Từ không gian xanh sẽ nuôi lớn những bình yên cho đời sống. Từ bình yên của đời sống sẽ bừng lên những nồng nàn như lời ca của Từ Công Phụng: “Đỉnh bình уên trên cao/Xin em giữ kín trong lâu dài, một mùa xuân đã thắm trong tôi...”

Bài: Lê Đức Dục

Ảnh: NVCC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Khám phá thiên nhiên cùng Meditours – Công ty tour trekking hàng đầu Việt Nam

Du lịch trekking trở thành lựa chọn lý tưởng cho những ai khao khát tìm lại sự yên bình giữa núi rừng hùng vĩ. Là công ty tour trekking hàng đầu Việt Nam, Meditours mang đến những hành trình đầy thử thách và cảm xúc, giúp du khách chinh phục thiên nhiên và khám phá tiềm năng bản thân.

Khám phá thiên nhiên cùng Meditours – Công ty tour trekking hàng đầu Việt Nam
Vì cuộc sống bình yên

Nhờ sự chung tay trong công tác tuyên truyền, vận động người dân phòng, chống tệ nạn, tố giác tội phạm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) phường Phước Vĩnh (TP. Huế), tình hình an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn ngày càng được đảm bảo.

Vì cuộc sống bình yên
Bình yên ở cơ sở

Mới đây, các địa phương trên địa bàn tỉnh đồng loạt tổ chức lễ ra mắt đi vào hoạt động các tổ bảo vệ an ninh trật tự (ANTT). Lực lượng này được xem là “chính quy” hoạt động có trách nhiệm, giữ bình yên ở cơ sở.

Bình yên ở cơ sở
Bình yên nơi làng An Truyền

Người Huế có niềm vui nho nhỏ tụ tập gia đình, họ hàng vào dịp cuối tuần, thể hiện được nét đẹp văn hóa thấm đẫm tình thân. Làng An Truyền (xã Phú An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) vừa gần với trung tâm thành phố vừa gìn giữ được chất “làng quê yên bình”, không khí của phá Tam Giang trong lành là chọn lựa phù hợp cho một ngày nắng đẹp.

Bình yên nơi làng An Truyền
Bình yên cho môi trường mạng

Không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, nạn lừa đảo trên không gian mạng còn gây bất an cho xã hội, làm xói mòn lòng tin trong cuộc sống…

Bình yên cho môi trường mạng
Return to top