ClockThứ Sáu, 20/01/2023 07:07

Mưu sinh đêm giáp Tết

TTH.VN - Khi người lao động ở nhiều công sở, cơ quan đã kết thúc ngày làm việc cuối cùng của năm Nhâm Dần thì trên các nẻo đường, khu chợ, người lao động tự do vẫn miệt mài mưu sinh xuyên đêm trong tiết trời lạnh.

Mưu sinh ngày tếtTết mưu sinh của nữ thợ sơn PUTrắng đêm mưu sinh trong giá rét

Dẫu vất vả, nhưng người mưu sinh trong những đêm giáp Tết vẫn nở nụ cười và tự dặn lòng: "Có việc là có thêm thu nhập"

Miệt mài xuyên đêm

5 giờ chiều ngày 28 Tết (19/1), anh Hồ Văn Tưởng (37 tuổi, quê ở xã Phú An, huyện Phú Vang) đã xong bữa cơm để lên xe ra chợ đầu mối Phú Hậu, bắt đầu hành trình cho một đêm mưu sinh giáp Tết bằng nghề bốc vác hàng hoá.

Hôm nay với anh là một đêm đi làm sớm, nhưng lòng đầy niềm vui, bởi có việc là có thêm thu nhập.

Tranh thủ ít phút nghỉ ngơi ngắn ngủi, anh Tưởng kể chuyện bằng giọng đầy hồ hởi: “Thường thì 1 giờ sáng mình mới đi làm nhưng những ngày giáp Tết, bắt đầu từ 25 tháng Chạp, hàng nhiều hơn nên làm cũng sớm hơn. Ca làm từ 5 giờ chiều đến sáng hôm sau. Ráng sức, cũng kiếm được 500.000 - 700.000 đồng/đêm. So với khoản thu nhập 150.000 - 200.000 đồng ngày thường, với mình dù cận Tết làm mệt nhưng có tiền để trang trải, cũng nhẹ bớt nỗi lo”.

Chợ đầu mối Phú Hậu là nơi có hàng trăm người mưu sinh xuyên đêm dịp giáp Tết. Ở đó, không kể cánh mày râu, mà các chị, thậm chí các mệ cũng tranh thủ “chạy đua” với Tết.

Mệ Nguyễn Thị Bưởi, 74 tuổi kể: “Tui có 7 đứa con, cũng quanh quẩn làm thuê làm mướn ở chợ đầu mối này. Nghĩ mình còn sức, còn phụ con được, thế là ra chợ bán nước ngọt kiếm thêm đôi đồng. Chợ đầu mối ngày gần Tết làm việc xuyên đêm, tui cũng thức theo đến sáng, mỗi đêm kiếm được vài chục ngàn”.

Trong cuộc mưu sinh xuyên đêm, có cả những mệ đã lớn tuổi

Những ngày giáp Tết năm nay ở Huế khá lạnh. Mở ứng dụng thời tiết trên điện thoại lúc 9 giờ tối, nhiệt độ giảm về 18 độ C, ấy vậy mà với rất nhiều người mưu sinh, đó không phải là mối bận tâm lớn. Anh Nguyễn Văn Hùng, người lao động tự do ở chợ đầu mối kể, quần quật suốt đêm ở chợ, lạnh cũng thành nóng. Những đêm mưa thì có hơi vất vả, còn trời thuận, không mưa thì mọi việc đều suôn sẻ. “2-3 giờ sáng, có khi cũng được chợp mắt 10-15 phút. Lúc nghỉ ngơi mới thấy lạnh, còn đã vào việc, chẳng ai còn nhớ ngày, đêm hay nóng, lạnh. Trong đầu mình và nhiều anh em đồng nghiệp chỉ nghĩ tới chuyện gắng nốt vài đêm giáp Tết là có thêm một khoản thu nhập để vợ con cũng có Tết. Nghĩ vậy là vui”.

Muôn vẻ mưu sinh

Những ngày giáp Tết, người dân khắp nơi tất bật mưu sinh kiếm thêm thu nhập để cầu mong một cái Tết đủ đầy hơn. Từ những người làm nghề bốc vác, buôn bán ở chợ đến những gánh hàng rong, những bác xích lô, xe đạp thồ… ai ai cũng tất bật, hối hả, quên đi mệt mỏi, mất ngủ để mưu sinh.

Hai đêm liên tục dành hàng giờ đồng hồ đến nhiều khu chợ, ngang qua nhiều tuyến đường, tôi cũng được tiếp xúc và trò chuyện với nhiều người lao động mưu sinh giáp Tết. Chẳng ai giống ai về hoàn cảnh, nhưng nói về mưu sinh giáp Tết, họ đều tóm tắt bằng vài chữ ngắn ngủi: “Cực - có tiền - có niềm vui”. Nhiều người còn nửa đùa, nửa thật: “Có nghề nào không cực, nhưng lao động là vinh quang”.

Hai cha con phụ nhau bán bao lì xì, đồ trang trí Tết trên đường Trần Hưng Đạo

Những ngày giáp Tết, mưu sinh của những người lao động tự do càng muôn vẻ. Dẫn con ra đường Trần Hưng Đạo cùng bán bao lì xì, đồ trang trí Tết, anh Trần Văn Long giới thiệu: “Con gái đầu của mình. Nhà đông con, cháu là đứa lớn. Tranh thủ nghỉ học, cháu cũng muốn ra đây phụ ba. Thường mình làm nghề khác, nhưng tranh thủ mấy ngày giáp Tết, bán hàng này vì nhiều người cần. Đêm 30 Tết sẽ là buổi cuối của năm, chắc cũng phải 10 - 11 giờ mới nghỉ. Chắc chắn kịp đón giao thừa”.

Cũng có những người “tăng ca” đêm, tranh thủ “nghề hot” ngày giáp Tết để lo Tết cho gia đình mình. Anh Nguyễn Văn Quảng, làm nghề đánh bóng lư đồng kể, những ngày thường, anh làm thợ hàn nhưng cận tết lại gác việc, chuyển tạm sang nghề này để cải thiện thu nhập. Ngồi ở đầu kiệt, chỉ với cây đèn sạc bình ắc quy, anh tạm quên không khí tết đang qua lại trên đường để tập trung công việc và nhận thêm hàng của khách. Ảnh bảo: “Lấy ngày làm đêm, mỗi ngày cũng kiếm được 300.000 - 400.000 đồng, lo bữa ăn và sắm tết cho 4 đứa con”.

Trong nhịp sống mưu sinh ngày giáp Tết, vẫn có nhiều người mang trong mình những âu lo và áp lực, nhất là những người có hoàn cảnh. Ngồi trước chợ Đông Ba, chú Nguyễn Văn Hùng (sinh năm 1966) tâm sự: “Nhà có đứa con 25 tuổi bị tâm thần. Mình làm nghề đồ chơi bong bong hình thú đã gần 20 năm, vợ bán vé số. Đêm nào cũng gần 11 giờ mới về. Ngày nào bán được lòng vui lắm, nhưng nếu bán ế, cũng nặng trĩu nỗi lo. Ngày giáp Tết, người người đi sắm đồ, cũng chỉ mong mọi người mua ủng hộ. Mưu sinh ngày giáp Tết hay ngày thường đều không khác lắm, chỉ khác là mong bán được nhiều để Tết này đầy đủ hơn”.

Ngược xuôi tất bật, giáp Tết, ai cũng ra sức làm để mong có một khoản tiền tiêu Tết. Với những người làm nghề tự do, họ phải năng động hơn hay thay nhiều công việc khác nhau để kiếm tiền. Trên nẻo đường về sau một đêm mưu sinh, bắt gặp nhiều người nở nụ cười, bởi cũng chính những công sức lao động, họ mang lại cho gia đình cái Tết đầy đủ hơn.

Một số hình ảnh mưu sinh đêm giáp Tết được Thừa Thiên Huế Online ghi lại:

Các anh làm nghề bốc vác chợ đầu mối kể, mỗi bao như trong hình, họ có thêm 1.000 đồng, nhưng làm xuyên đêm mang về thu nhập tốt

Cuộc mưu sinh nhờ vào sự hỗ trợ của những chiếc đèn pin

Các chị cũng nỗ lực làm việc trong đêm giáp Tết

Chợ đêm... đến sáng

Tranh thủ ăn lót dạ trong đêm tối

Ở một góc đường Nguyễn Văn Siêu, người đàn ông này vẫn miệt mài với những đơn hàng cuối cùng trong năm 

Dưới ánh sáng yếu của chiếc đèn sạc bình ắc quy, công việc vẫn liên tục

Xe bánh bao được đẩy đi khắp các nẻo đường

Mong gặp những khách hàng hiếm hoi khi tết đã cận kề 

Clip muôn vẻ mưu sinh những đêm giáp Tết

Bài, ảnh, clip: HỮU PHÚC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chăm lo đời sống cho đoàn viên và người lao động

Từ những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức công đoàn, các cấp công đoàn ở huyện Phú Lộc đã cụ thể hóa thành chương trình công tác, vận dụng vào tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị một cách sáng tạo, phù hợp, có hiệu quả.

Chăm lo đời sống cho đoàn viên và người lao động
Sân chơi ý nghĩa cho người lao động

Liên hoan tiếng hát đoàn viên, người lao động (ĐV, NLĐ) tỉnh năm 2024 Cụm 2 khai mạc tối 16/8 tại TX. Hương Thủy. Đây là sân chơi góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng và làm phong phú thêm đời sống tinh thần của ĐV, NLĐ.

Sân chơi ý nghĩa cho người lao động
Phú Lộc:
Ấm áp chương trình “Bữa cơm công đoàn”

Trưa 16/8, Liên đoàn lao động (LĐLĐ) huyện Phú Lộc phối hợp với Công đoàn cơ sở và Ban Giám đốc Công ty cổ phần One One miền Trung tổ chức “Bữa cơm công đoàn” cho 150 đoàn viên công đoàn là lãnh đạo, nhân viên và công nhân của công ty.

Ấm áp chương trình “Bữa cơm công đoàn”
TĂNG TỶ LỆ THAM GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI TỰ NGUYỆN:
Thu hút người lao động tự do

Chợ truyền thống là nơi quy tụ nhiều lực lượng lao động tự do, để thu hút các đối tượng này tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, BHXH tỉnh phối hợp với các đại lý thu tăng cường công tác tuyên truyền, vận động với mục tiêu đưa người dân vào mạng lưới an sinh góp phần ổn định cuộc sống khi về già.

Thu hút người lao động tự do
Lao động xê dịch

Không chỉ là dự báo, mà thực tế có nhiều ngành nghề mới được dự báo hưng thịnh trong vài năm tới, trong khi một số ngành đối mặt với khó khăn và có nguy cơ mai một, bị thay thế. Đó là thực trạng chung và thị trường lao động Thừa Thiên Huế cũng chịu tác động trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và trong bối cảnh nền kinh tế số, kinh tế xanh đang chiếm ưu thế.

Lao động xê dịch
Return to top