Biết chị Ngọc từ những ngày đầu Thừa Thiên Huế triển khai công tác phòng chống HIV/AIDS. Hồi ấy, chị phụ trách Khoa PC HIV ở Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh. Đến năm 2007, Trung tâm PC HIV/AIDS (Trung tâm) tỉnh thành lập, chị được tín nhiệm vào vị trí giám đốc. Dù ở cương vị nào, chị vẫn luôn gần gũi, thân thiện, nhất là với những người nhiễm HIV.
Bác sĩ Ngọc (thứ 2 bên phải vào) trao quà cho gia đinh chính sách ở TP. Huế
Những ngày đầu trung tâm thành lập là thời điểm khó khăn về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị. Với tinh thần trách nhiệm của mình, chị cùng ban giám đốc khắc phục khó khăn để lãnh đạo trung tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nỗ lực lớn nhất của chị là đề xuất, xây mới trụ sở làm việc khang trang ở Khu quy hoạch Hương Sơ, TP. Huế năm 2014, để thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia PC HIV/AIDS; trong đó, thành lập cơ sở điều trị Methadone đến nay đã tiếp nhận, điều trị cho hơn 260 bệnh nhân nghiện các chất dạng thuốc phiện, góp phần làm giảm lây nhiễm HIV.
Chị Ngọc cũng là người khởi xướng, triển khai các hoạt động, phong trào PC HIV/AIDS hướng về cộng đồng. Cách đây khoảng 7-8 năm, công tác PC HIV/AIDS thường được các tổ chức nước ngoài, như Ngân hàng châu Á, Tổ chức Bắc Âu (NAV) hỗ trợ một phần kinh phí. Từ lợi thế đó, chị chỉ đạo, vận động hình thành các câu lạc bộ, nhóm đồng đẳng viên ở thành phố, huyện, thị xã... như "Hoa hướng dương", "Bạn giúp bạn" "Nòng cốt"... hoạt động sổi nổi, góp phần xóa đi sự mặc cảm kỳ thị, tuân thủ các liệu pháp điều trị… giúp những người nhiễm HIV/AIDS có cuộc sống lành mạnh.
Đến nay, trên địa bàn có 322 người nhiễm HIV, nhưng phần lớn do các nhóm đồng đẳng viên "bắc cầu" đưa đến các cơ sở y tế và Trung tâm Xét nghiệm, điều trị thuốc ARV đạt gần 100%; trong đó, có hàng chục trường hợp vượt qua nghịch cảnh cuộc đời. Điển hình như anh Phan Văn B. ở TP. Huế. Khi được các thành viên nhóm "Bạn và bạn" đến tiếp cận, chia sẻ, anh B. không còn tự ti, mặc cảm tìm đến cơ sở y tế điều trị. Hiện, anh B. vẫn sống khỏe, có công việc ổn định và trở thành tuyên truyền viên tích cực trong công tác phòng chống HIV ở TP.Huế.
Một hoạt động có đóng góp lớn của chị Trần Thị Ngọc là vấn đề can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Chị thường xuyên trao đổi với các đồng nghiệp,"mặc định" những kế hoạch đều đặn hàng tháng, hàng quý đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục thay đổi hành vi và tổ chức cấp phát bơm kim tiêm, bao cao su tới các nhóm đối tượng đích, thu hút sự tích cực của các giáo dục viên đồng đẳng, nhân viên tiếp cận cộng đồng…nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng tiêm chích, tình dục an toàn...
Chị Ngọc còn nghiên cứu làm chủ nhiều đề tài khoa học liên quan đến công tác PC HIV được Hội đồng cấp trên đánh giá cao về giá trị thực tế. Điển hình như đề tài “Nghiên cứu kiến thức và hành vi về phòng chống ở nữ tiếp viên cơ sở dịch vụ giải trí tại huyện Phú Lộc, Phú Vang , thị xã Hương Thủy năm 2011”; “Nghiên cứu nhu cầu chăm sóc của người nhiễm HIV/AIDS và khả năng đáp ứng tại Thừa Thiên Huế"; “Nghiên cứu thực trạng tuân thủ trong điều trị thuốc ARV của bệnh nhân HIV/AIDS điều trị ngoại trú và một số yếu tố liên quan tại Thừa Thiên Huế"; “Nghiên cứu thực trạng tuân thủ điều trị của bệnh nhân điều trị Methadone và một số yếu tố liên quan năm 2016”...
Trong cuộc trò chuyện mới đây, chị bảo cũng chuẩn bị đến tuổi nghỉ ngơi vui cùng con cháu nhưng vẫn nặng lòng với công tác PC HIV ở địa phương.
Quá trình gắn bó với công tác PC HIV/AIDS, bác sĩ Trần Thị Ngọc đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng danh hiệu "Thầy thuốc ưu tú" vào năm 2012; năm 2010, 2011 và 2013 đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế tặng bằng khen hoàn thành xuất sắc công tác phòng chống HIV/AIDS. Gần 10 năm gần đây, chị được UBND tỉnh, Sở Y tế tặng nhiều bằng khen, giấy khen về sự nghiệp chăm sóc sức khỏe Nhân dân và chiến sĩ thi đua cơ sở nhiều năm liền. |
Bài, ảnh: Minh Văn