Diễn đàn học sinh nói không với HIV tại Trường THCS Thủy Châu - TX. Hương Thủy
Gần đây, hoạt động về phòng, chống HIV/AIDS ở Thừa Thiên Huế triển khai đến từng địa bàn dân cư, nổi bật là chương trình tuyên truyền được đẩy mạnh trên các kênh truyền thông giúp mọi người, nhất là những người có hành vi nguy cơ cao, người nhiễm HIV tiếp cận dễ dàng với các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS. Hằng năm, trung tâm phối hợp với các tổ chức, ban, ngành, đơn vị trên địa bàn đẩy mạnh truyền thông phòng, chống HIV/AIDS, như xây dựng các phóng sự, spot quảng bá về phòng, chống HIV trên Đài Phát thanh truyền hình tỉnh và Báo Thừa Thiên Huế theo định kỳ hàng tháng/quý; tổ chức truyền thông nói chuyện, in ấn phát tài liệu, băng rôn, áp phích tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS đến địa bàn dân cư.
Trung tâm phối hợp triển khai, mở rộng mô hình truyền thông lưu động phòng, chống HIV/AIDS với hình thức sân khấu hóa, nhiều nội dung đa dạng được chuyển tải đến đối tượng đích và người dân; mở rộng, nâng cao chất lượng hoạt động phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” nhằm phổ biến kiến thức phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS; chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Ngoài ra, chương trình can thiệp giảm tác hại các nhóm có hành vi nguy cơ cao được triển khai đồng bộ.
Cuối năm 2014, cơ sở điều trị Methadone thuộc trung tâm chính thức đi vào hoạt động, tiếp nhận điều trị cho 280 bệnh nhân nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, vượt 140% chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ giao. Trong quá trình triển khai điều trị Methadone, không phát hiện thêm trường hợp nhiễm mới HIV. Chương trình đã loại trừ phần lớn nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường máu trong cộng đồng, góp phần đáng kể trong việc bảo đảm an toàn xã hội.
Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, xét nghiệm chẩn đoán sớm nhiễm HIV ở trẻ được mở rộng trên 9/9 huyện, thị xã và tất cả các cơ sở sản khoa từ tỉnh đến huyện. Hằng năm, trên 90% phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV, xét nghiệm chẩn đoán sớm nhiễm HIV ở trẻ em được thực hiện thường xuyên. Chương trình đảm bảo 100% trẻ em nhiễm HIV được quản lý, chăm sóc, điều trị ARV. Thống kê từ năm 2009 đến nay, số trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng đạt hơn 98% không bị nhiễm HIV. Công tác an toàn truyền máu dự phòng lây nhiễm HIV được chú trọng, đảm bảo 100% số lượng máu được sàng lọc trước khi truyền và chưa để xảy ra trường hợp nào nhiễm HIV do truyền máu.
Bác sĩ CK II Trần Thị Ngọc, Giám đốc trung tâm chia sẻ, dù đạt những kết quả đáng khích lệ, nhưng công tác phòng, chống HIV/AIDS hiện vẫn gặp những thách thức. Tình hình lây nhiễm HIV/AIDS dù giảm nhưng chưa ổn định. Các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Nguồn viện trợ nước ngoài cho phòng, chống HIV/AIDS hiện giảm nhanh chóng. Trong khi đó, các chỉ tiêu được giao về can thiệp giảm hại, điều trị Methadone, điều trị ARV… tiếp tục tăng cao.
"Với những thành quả trên và được sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh, Sở Y tế, đội ngũ cán bộ trung tâm thống nhất vượt qua những thách thức mới, thực hiện tốt chiến lược quốc gia về phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn, hướng tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030, góp phần phát triển an sinh xã hội bền vững", bác sĩ Ngọc nói.
Trung tâm có 8 khoa, phòng chức năng, với 38 cán bộ, 175 cán bộ phụ trách chương trình phòng, chống HIV/AIDS ở các tuyến, 30 tuyên truyền viên đồng đẳng. Trung tâm đã được UBND tỉnh tặng danh hiệu tập thể lao động xuất sắc 9 năm liền (từ 2008 - 2016), 2 lần được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 4 lần được Bộ Y tế tặng bằng khen và tặng cờ thi đua năm 2009… |
Khánh Quan